MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán lãi nhờ ... gửi ngân hàng

Nguồn lợi nhuận có được của nhiều công ty chứng khoán là do gửi ngân hàng, hoàn toàn không đến từ hoạt động kinh doanh chính.

Trong quí 3 vừa qua, nhiều công ty chứng khoán đã tiếp tục công bố kết quả kinh doanh lỗ, nhưng một số công ty cũng có lãi trở lại. Tuy vậy, nguồn lợi nhuận có được của nhiều công ty chứng khoán là do gửi ngân hàng, hoàn toàn không đến từ hoạt động kinh doanh chính.

Thị trường chứng khoán tuy vẫn tiếp tục lình xình trong quí 3 nhưng không đến nỗi quá trầm lắng như trước đó. Ở quí này, có thời điểm như từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9 có đến 13 phiên tăng điểm liên tiếp; cùng với đó là thanh khoản thị trường được cải thiện rõ nét với những phiên mà tổng giá trị của 2 sàn TPHCM và Hà Nội lên đến hơn 2.000 tỉ đồng.

Chính sự thuận lợi này của thị trường đã giúp các công ty chứng khoán giảm bớt được phần nào khó khăn so với 2 quí trước. Mức lỗ từ các hoạt động kinh doanh chính đã giảm bớt do các khoản trích lập dự phòng rủi ro chứng khoán vào các quí trước đã được hoàn nhập trong quí này khi thị trường đi lên.

Tuy vậy, nhìn vào báo cáo tài chính của các công ty thì nguồn thu lớn nhất vẫn là kinh doanh nguồn vốn và doanh thu khác.

Một số công ty chứng khoán lớn đã có được kết quả kinh doanh khả quan trong quí 3, như SSI đã đạt được lợi nhuận sau thuế 84 tỉ đồng. Nhiều công ty chứng khoán nhỏ cũng có lãi tuy con số không cao, cụ thể như chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) lãi hơn 300 triệu đồng, hay chứng khoán Phố Wall lãi 500 triệu đồng, chứng khoán APEC lãi 1,3 tỉ đồng.

Nhưng trong con số lãi nói trên, tại SSI, hoạt động kinh doanh nguồn vốn đóng góp cho thu nhập trước thuế lên đến 69,9 tỉ đồng. Còn trong 96 tỉ đồng doanh thu của Kim Long trong quí 3 thì có đến 90 tỉ đồng là doanh thu khác. Tình trạng cũng xảy ra tương tự với các công ty chứng khoán khác kể trên.

Theo một chuyên gia chứng khoán, những từ như kinh doanh nguồn vốn, hay doanh thu khác trong báo cáo tài chính bao gồm việc góp vốn, cho vay hợp tác đầu tư… nhưng chủ yếu vẫn là dùng tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng lấy lãi. Trong khi hoạt động kinh doanh chính như môi giới, tư vấn, đều không mang lại lợi nhuận đáng kể, hoạt động tự doanh quá nhiều rủi ro, thì các công ty chứng khoán đành dùng thế “thủ” để bảo đảm nguồn tiền có thể sinh lãi.

Nói chuyện với báo giới, đại diện của Công ty chứng khoán TPHCM (HSC) cũng cho biết lãi tiền gửi mang về 120 tỉ đồng, giúp cho HSC có lãi 145,5 tỉ đồng trong quí 3.

So sánh lợi nhuận từ các khoản đầu tư vào chứng khoán với kênh gửi tiết kiệm, giám đốc một công ty chứng khoán nhỏ cũng cho rằng trong thời buổi này, có tiền mặt là có ưu thế, vì vậy “không nên dại dột giải ngân vào thị trường, cứ gửi ngân hàng kiếm lãi vẫn có lợi hơn, nhất là trong quí 3 vừa qua, lãi suất huy động có khi lên đến hơn 20%!”.

Theo ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, Trường Đại học Kinh tế TPHCM thì trong lúc tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều thuận lợi, nhà đầu tư nước ngoài ngần ngại giải ngân, các hoạt động huy động vốn qua thị trường chứng khoán gần như dừng hẳn thì việc cẩn trọng trong đầu tư của công ty chứng khoán là có thể hiểu và thông cảm được. Việc bảo toàn được nguồn vốn cho cổ đông cũng là cách thức để tồn tại trong thời điểm khó khăn.

Tuy vậy, theo nhiều nhà đầu tư, đây không phải là cách mà họ mong muốn. Vì thực tế, lãi phát sinh từ các khoản tiền gửi được xem là cách đầu tư cuối cùng. Với mức lãi chỉ bấy nhiêu, lại phải trừ ra các khoản chi phí kinh doanh của công ty thì số tiền lãi đến với nhà đầu tư chẳng còn bao nhiêu. Trong khi đó, nếu nhà đầu tư tự đem tiền của mình đến ngân hàng gửi thì mức thu nhập họ nhận được còn cao hơn.

Theo Thảo Nguyên
TBKTSG

phuongmai

Trở lên trên