MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán “mới nổi” có gì mới?

Trong những năm gần đây xuất hiện 1 hay vài CTCK ngoài top 10 nhưng lại hoạt động rất tích cực, thu hút sự chú ý của cả thị trường. Có thể gọi đây là những CTCK “mới nổi”.

Tung chiêu, vào top

Thường danh sách các CTCK nằm trong top 10 thị phần dễ nhớ, vì đơn giản là có khoảng 7-8 cái tên thường trực, có chăng chỉ thay đổi vị trí. Những cái tên bị loại ra khỏi top 10 và những tân binh cũng là những tên tuổi kỳ cựu và không hề xa lạ. Vậy nên, việc xuất hiện một CTCK mới nổi rất đáng quý và đáng chú ý.

Vào năm 2013, tại một CTCK có vốn ngoại đã xảy ra cuộc chảy máu nhân sự rất mạnh, đặc biệt là ở đội ngũ môi giới vốn đang vận hành rất hiệu quả. Điểm đến của các nhân sự này chính là một CTCK trực thuộc một tổ chức tài chính khá có tiếng, có văn phòng đặt tại một trong những cao ốc đắc địa nhất khu vực TPHCM. Để thu hút nhân sự giỏi, cùng chế độ lương bổng hấp dẫn, CTCK này cũng đồng thời có các chính sách margin hấp dẫn.

Điều này khiến CTCK ngoại vừa mất người, vừa mất khách, còn CTCK kia khí thế lên như diều gặp gió. Chưa dừng lại ở đó, CTCK cũng trả lương cao để mời các chuyên viên phân tích giàu kinh nghiệm về đầu quân với mục tiêu lập phòng phân tích mạnh để hướng đến khách hàng tổ chức. Ngoài ra, CTCK này cũng tổ chức các buổi hội thảo để thu hút NĐT cũng như khách hàng tiềm năng. Nhưng thời gian tỏa sáng của CTCK này kéo dài được khoảng 1 năm bắt đầu im ắng dần.

Cuối năm 2014, 1 CTCK đột nhiên lọt vào top 10 thị phần môi giới với vị trí khá cao, khiến dân CK không khỏi bất ngờ. Theo những NĐT kỳ cựu, đặc biệt là các NĐT VIP, dù CTCK này thua kém nhiều cái tên có thời gian dài ngự trị trong top 10, nhưng lại sở hữu một lợi thế vô cùng lớn đó là khả năng cấp margin với tỷ lệ “không tưởng”.

Nghĩa là thay vì chỉ cấp margin theo quy định với tỷ lệ tối đa là 5:5, CTCK này có thể chuyển thành 4:6 thậm chí 2:8 với nhiều hình thức lách luật khác nhau. Để được hưởng dịch vụ margin với tỷ lệ cao này (thường gọi margin VIP) là không đơn giản, phải có những khách hàng VIP của CTCK đó giới thiệu và bảo đảm khách hàng đến sau mới có thể sử dụng. Và câu chuyện dở khóc dở cười rằng vào những giai đoạn thị trường bị giải chấp nhiều, thì đó cũng là lúc CTCK này có thị phần tăng cao. Margin càng cao, thị trường càng giảm càng lỗ nặng nên phải giải chấp. Và nhân viên của CTCK này cũng không biết nên cười hay mếu vì sau những đợt giải chấp, NĐT thường bị hao tổn nguồn vốn rất nặng và phải mất nhiều thời gian để phục hồi trở lại.

NĐT được lợi?

Kể từ năm 2014 đến nay, xuất hiện thêm 1 CTCK hoạt động khá tích cực trong mảng tự doanh, điều tưởng chừng như đã bị các CTCK bỏ qua sau một thời gian dài thua lỗ. CTCK này có những hoạt động mua bán khá tích cực trên thị trường, nhưng hiệu quả đến đâu có lẽ phải chờ thêm một thời gian dài.

Quá khứ đã chỉ ra một số CTCK tự doanh hiệu quả tại một số thời điểm nhưng càng về sau càng đuối sức. Dù chỉ mới nổi ở một số thời điểm nhất định, nhưng ít nhất các CTCK kể trên cũng xác lập được chỗ đứng, vị thế cho mình và tạo ra một sức ép cạnh tranh nhất định với các đối thủ. Có những trường hợp nổi chưa được bao lâu tắt ngóm và phổ biến ở những CTCK tầm trung hoặc nhỏ. Điểm dễ nhận thấy là những CTCK này không có cổ đông là những tổ chức tài chính lớn phía sau hậu thuẫn, vì vậy những chiến lược dù khá “dị” nhưng lại cũng khá ngắn.

Còn nhớ cách đây 4-5 năm, đã từng có những tin đồn râm ran về việc CTCK tự tạo ra những tài khoản cá nhân và tự “trade” (giao dịch) nhằm gia tăng doanh số với mục tiêu lọt vào top 10. Dù tin đồn này chẳng ai xác thực và cũng không bác bỏ, nhưng cách này nếu có làm cũng không khó, vấn đề là có khả năng duy trì mãi hay không? Làm sao một vài cá nhân có thể bỏ tiền ra để tự tạo ra GTGD ở mức cao trong thời gian dài, điều này là không thể cạnh tranh nổi với các CTCK khác.

Thời gian gần đây xuất hiện một vài CTCK sau khi đổi chủ sở hữu cũng sở hữu cái tên mới toanh và đưa ra những chương trình thúc đẩy giao dịch, chẳng hạn như tính phí thấp cho những NĐT sử dụng vốn tự có. Nhìn đi nhìn lại sẽ thấy 3 tiêu chí phổ biến mà các CTCK mới nổi hướng đến là giảm giá, bao gồm giảm phí, giảm lãi vay margin, rồi đến ưu đãi cho sử dụng margin với tỷ lệ lớn và cuối cùng là xây dựng thương hiệu. Nói một cách khách quan, khi TTCK chưa được vay mượn CK để bán trong ngày, hay có các công cụ phái sinh thì các CTCK cũng chỉ có chừng đó chiêu để cạnh tranh. Vấn đề ở đây là cách làm và thực lực như thế nào.

Hy vọng rằng khi các sản phẩm mới xuất hiện trên TTCK, sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa các CTCK mới nổi, để từ đó NĐT sẽ được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ khác nhau, các CTCK nâng cao năng lực cạnh tranh, bất kể lớn nhỏ, để từ đó tạo ra sự phát triển cho thị trường, quyền lợi khách hàng ngày càng được củng cố.

Theo Công Mạnh

Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

Trở lên trên