MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán nào sẽ phá sản?

Nguồn thu từ hoạt động môi giới giảm mạnh, lỗ lớn từ đầu tư tài chính đã đẩy nhiều công ty chứng khoán đến bờ vực phá sản.

Tóm tắt:

- 16/29 công ty chứng khoán đã công bố lợi nhuận quý II/2011 bị thua lỗ. Các CTCk đối mặt phá sản do kết quả kinh doanh kém, nguồn thu từ môi giới eohepj, thị phần chật chội.

- Các CTCK không muốn phá sản. Cách các DN giải quyết:

+ Giảm chi phí: Giảm thiểu nhân sự, đóng cửa các chi nhánh, dời trụ sở ra xa trung tâm, ngừng hẳn các nghiệp vụ, chỉ giữ các khoản đầu tư cho đến ngày đáo hạn.

+ Quy ẩn: công bố thông tin mù mờ, bán lại giấy phép hoạt động hoặc chờ liên kết với các tổ chức tài chính nước ngoài, dựa vào các tổ chức lớn chống lưng.

Trong số 102 công ty chứng khoán thành viên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, có nhiều công ty đã lỗ 3-4 năm liên tiếp như Công ty Chứng khoán Vina (VNSC) hay Chứng khoán Tầm Nhìn. Vốn chủ sở hữu cũng theo đó mà hao mòn gần hết. Tính đến cuối năm 2010, vốn chủ sở hữu của VNSC, Chứng khoán Hà Nội (HSSC), Chứng khoán Cao su cũng chỉ còn 1/3 so với vốn điều lệ. Có lúc vốn chủ sở hữu của VNSC chưa tới 8 tỉ đồng, Tầm Nhìn chưa được 9 tỉ đồng.

Mấp mé bờ vực phá sản

Theo thống kê của Công ty Cổ phần Tài chính Việt (VietFIS), trong số 29 công ty chứng khoán đã công bố lợi nhuận quý II/2011 (tính đến giữa tháng 8.2011), có đến 16 công ty bị thua lỗ. Lỗ nhiều nhất là Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), kế đến là Chứng khoán Sài Gòn Thương Tín (SBS) và Chứng khoán VNDirect (VND).

Kết quả kinh doanh kém trong quý II đã khiến cho mức lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm tăng lên. Đáng chú ý là SHS lỗ tới 383 tỉ đồng, VND lỗ 130 tỉ đồng, Chứng khoán Dầu khí (PSI) lỗ 82 tỉ đồng, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lỗ gần 60 tỉ đồng… Những công ty chứng khoán lớn lỗ nhiều là do đầu tư tài chính quá tay, còn các công ty nhỏ lỗ do nặng gánh chi phí hoạt động.

Nguồn thu từ hoạt động môi giới eo hẹp trong bối cảnh thanh khoản thị trường cạn kiệt cũng làm gia tăng nguy cơ phá sản tại nhiều công ty chứng khoán. Vào đầu năm 2011, giá trị giao dịch toàn thị trường đạt trên dưới 1.000 tỉ đồng/phiên nhưng sang quý II, con số này chỉ còn 300-400 tỉ đồng/phiên.

Bên cạnh đó, hơn 50% thị trường đang nằm trong tay 10 công ty chứng khoán hàng đầu. Nghĩa là trên 90 công ty phải tranh nhau miếng bánh thị phần còn lại. Tại các công ty nhỏ, doanh thu môi giới từ đầu năm đến nay chỉ khoảng vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi tháng, không đủ bù đắp các khoản lỗ.

Trong khi đó, ở mảng tư vấn doanh nghiệp, sân chơi chỉ dành cho một vài công ty có tên tuổi như Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Chứng khoán TP.HCM (HSC), Thiên Việt (TVS).

Để tránh rơi vào cảnh giải thể hoặc phá sản, một số công ty đã tìm cách tăng vốn nhưng điều này không dễ thực hiện. Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã phải hủy kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 390 tỉ đồng lên 780 tỉ đồng do thị trường khó khăn kéo dài.

Ẩn mình chờ cơ hội

Mặc dù nhiều công ty chứng khoán đứng trước áp lực phá sản hoặc giải thể, nhưng có quá nhiều yếu tố khiến việc thanh lọc những thành phần yếu kém của thị trường trở nên bất khả thi.

Theo quy định của Luật Chứng khoán và Nghị định số 14/2007/NĐ-CP, đến ngày 8.2.2009, các công ty chứng khoán phải có vốn điều lệ đáp ứng vốn pháp định cho các nghiệp vụ kinh doanh đã được cấp phép. Quá thời hạn này, công ty chứng khoán nào không đủ điều kiện sẽ bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rút giấy phép. Thực tế cho thấy mặc dù có nhiều công ty yếu kém nhưng cho đến nay, chưa có một công ty nào chính thức bị khai tử vì phá sản hay bị rút giấy phép.

Đó là chưa nói đến việc các công ty chứng khoán thực sự không muốn phá sản. Từ trước đến nay ở Việt Nam cũng có rất ít doanh nghiệp phải làm thủ tục phá sản hay giải thể, nhất là trong ngành chứng khoán, một lĩnh vực lúc cao trào có tỉ suất lợi nhuận lên đến gần 60%.

Hầu hết các công ty chứng khoán đứng trước bờ vực sinh tử đều có cách tránh đối mặt với chuyện phá sản. Theo Tiến sĩ Trần Vinh Dự, chuyên gia tư vấn huy động vốn và mua bán - sáp nhập, thuộc Công ty TNK Capital Partners, cách phổ biến hiện nay là giảm thiểu nhân sự, đóng cửa các chi nhánh, dời trụ sở ra xa trung tâm thành phố, ngừng hẳn các nghiệp vụ, chỉ nắm giữ các khoản đầu tư cho đến ngày đáo hạn. Mục đích chính của những công ty này là giảm tối đa chi phí, không tiếp tục hoạt động nhưng vẫn giữ lại giấy phép hoạt động.

Việc công bố thông tin mù mờ của những công ty chưa niêm yết cũng giúp họ dễ dàng thực hiện kế hoạch quy ẩn nêu trên (trong số 102 công ty chứng khoán thành viên, chỉ có 26 công ty chứng khoán đã niêm yết).

Có một lý do quan trọng cho sự quy ẩn này. Theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới của Việt Nam, thời điểm được phép thành lập công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài là năm 2012. Mặc dù thời điểm này sắp đến gần, nhưng các tổ chức nước ngoài không muốn thực hiện quyền hạn của mình mà muốn liên kết. Bằng chứng là gần đây Tập đoàn Tài chính KIS (Hàn Quốc) đã đẩy mạnh hoạt động tại công ty liên kết là Chứng khoán Gia Quyền và cho biết sẽ nâng tỉ lệ sở hữu lên 65% vào năm 2012. Hay Ngân hàng Citigroup (Mỹ) đã quyết định mua 10% cổ phần tại Chứng khoán Tầm Nhìn.

“Mục tiêu của những công ty muốn quy ẩn là bán lại giấy phép hoạt động hoặc chờ liên kết với các tổ chức tài chính nước ngoài”, ông Dự, TNK Capital Partners, nhận xét.

Một số công ty khác thì được các tổ chức lớn chống lưng. Sau khi lỗ 14 tỉ đồng trong 3 năm liên tiếp (2008-2010), Chứng khoán Navibank đã được tăng vốn điều lệ từ 35,1 tỉ đồng lên 161 tỉ đồng vào đầu quý II/2011, với sự góp sức của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (Navibank). Tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) cũng đã giúp Chứng khoán SeASecurity tăng vốn từ 200 tỉ đồng lên 335 tỉ đồng.

Theo Ngọc Dương
NCĐT

kyanh

Trở lên trên