MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán nhận định thị trường ngày 14/4

Thông tin về CPI tháng 4 của hai thành phố lớn có thể dần hé lộ trong những ngày tới và điều này nhiều khả năng sẽ hạn chế khả năng tăng điểm.

Chứng khoán Sài Gòn (SSI): Chỉ báo Fast Stochastic Oscillator sau khi đi vào vùng mua quá vào phiên trước đó đã đảo chiều giảm cắt đường tín hiệu cho dấu hiệu không tích cực. Thông tin về CPI tháng 4 của hai thành phố lớn có thể dần hé lộ trong những ngày tới và điều này nhiều khả năng sẽ hạn chế khả năng tăng điểm (nếu có) ít nhất là trong hai phiên giao dịch cuối tuần.

Chứng khoán Vietinbank (CTS): Nhà đầu tư phản ứng không mấy tích cực về thông tin tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ. Việc kéo phẳng lãi suất huy động USD ở mức 3% cho thấy các ngân hàng vẫn nằm trong cuộc đua huy động USD.

Càng về cuối phiên tâm lý bên mua càng trở nên thận trọng hơn. Phản ứng của thị trường ở các mức hỗ trợ ngày càng yếu hơn, lực cầu bắt đáy mạnh cũng không thấy xuất hiện khi HnxIndex thủng ngưỡng 90 điểm. Theo PTKT, CTS thiên về kịch bản, HnxIndex có thể sẽ tiếp tục giảm điểm bám dải Bollinger, HnxIndex có thể sẽ xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 88 điểm để tìm ngưỡng hỗ trợ mới vững chắc hơn trong một vài phiên tới.

Chứng khoán VNDirect: Thị trường giảm điểm với thanh khoản thấp. Chỉ số A/D vẫn cho thấy trạng thái phân tán mạnh của cả hai sàn, chúng tôi nhận định thị trường sẽ tiếp diễn xu hướng lình xình này.

VNINDEX trong vùng hỗ trợ 440 – 460 có khả năng sẽ không giảm mạnh, việc MSN, PVL, VIC, giữ điểm số cho VNINDEX trong phiên hôm nay cho thấy hiện tượng tăng cục bộ số ít cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ tiếp diễn. Trong khi đó, khả năng HNXINDEX sẽ giảm về đáy 88 rất lớn.

Khi thị trường giảm điểm liên tiếp, việc nảy lại trong 1, 2 phiên không có hỗ trợ của thanh khoản chỉ mang tính chất điều chỉnh, nhà đầu tư không nên quá bất ngờ trước những phiên tăng điểm đó. Thực tế thị trường từ 4 tháng nay đã cho thấy cơ hội bắt đáy mà tránh được rủi ro T4 tại các nhịp nảy lên này luôn thuộc về số ít, trong khi rủi ro bị bào mòn tài khoản cao.

Chứng khoán Dầu khí (PSI): Trong phiên tới, VN-Index có khả năng còn tiếp tục giảm về mức hỗ trợ vùng 450 – 455 điểm. Với Bollinger Bands hẹp như hiện tại, kịch bản tích cực có thể xảy ra đó là VN-Index duy trì được vùng dao động với mức hỗ trợ mạnh 450 giúp mức giá giảm chậm và ít.

Tuy nhiên nếu những tin tức tiêu cực tiếp tục đưa ra và các biện pháp thắt chặt tiền tệ của nhà nước trở nên kiên quyết hơn thì không loại trừ được khả năng VN-Index sẽ phá vỡ ngưỡng 450 điểm.

Trước đó một ngày, quĩ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) có đưa ra cảnh báo về lạm phát của 5 nước Đông Nam Á, trong đó có VIệt Nam. Theo dự báo của IMF, mức lạm phát năm 2011 của Việt Nam được cảnh báo có thể chạm tới 13.5%. IMF còn nhấn mạnh rằng nhóm nước ASEAN và Đông Á vẫn quá phụ thuộc vào xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Mỹ và châu Âu để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, do đó cuộc khủng hoảng tại châu Âu vẫn tác động tới các nước này thong qua lien kết thương mại.

Cũng trong kì nghỉ lễ, Ngày 9/4, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hai quyết định tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ thêm 2% và áp trần lãi suất huy động USD cá nhân ở mức 3%/năm. Biện pháp mà NHNN đưa ra có khả năng sẽ “nắn” lại dòng vốn trong nền kinh tế, chống tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế. Các NHTMCP một mặt sẽ buộc phải hạn chế việc cho vay ngoại tệ, mặt khác để đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo qui định, sẽ phải đẩy mạnh huy động tiền gửi, thậm chí có khả năng sẽ phải mua ngoại tệ từ NHNN hoặc từ thị trường liên ngân hàng. Cách làm này vô hình chung cũng khiến một lượng tiền đồng trong nền kinh tế bị thu hẹp lại và trong ngắn hạn sẽ có ảnh hưởng tới TTCK nói riêng.

PSI cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, NN vẫn tiếp tục điều tiết nền kinh tế theo hướng thắt chặt tiền tệ. Từ phía nhà đầu tư ngoại, các báo cáo cho thấy họ không quá kì vọng với nền kinh tế vĩ mô Việt Nam trong ngắn hạn năm 2011. Do đó có khả năng tình trạng suy yếu của thị trường còn tiếp tục xảy ra.

Chứng khoán HSC: Việc tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ được nâng từ 4% lên 6% kể từ tháng Năm đã được dự đoán trước và có lẽ đây được coi là một phần trong nỗ lực giảm tỷ lệ đô la hóa cao trong nền kinh tế, đồng thời giúp giảm nhanh hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, NHNN còn đưa lãi suất huy động đối với USD là 3%, và đây được xem là biến pháp hành chính.

Chúng ta đều đã thấy tác dụng của việc đưa ra trần lãi suất huy động đối với tiền đồng và chúng ta hãy cùng chờ xem hiệu quả của biện pháp này. Và trên thực tế, việc một loạt các biện pháp được đưa ra là một động thái tích cực và sẽ giúp giảm tăng trưởng tín dụng kể từ Q2.

Điều này cũng củng cố thêm quan điểm là ảnh hưởng của chính sách tiền tệ chặt sẽ rơi nhiều nhất vào Q2 và thậm chí là cả Q3. Điều này cho thấy thị trường sẽ khó có thể bật lại trước cuối Q3.

Bên cạnh đó, lạm phát tháng 4 dự kiến sẽ bắt đầu tăng và mặc dù HSC dự báo CPI tháng 4 sẽ tăng 1.5-1.8% thì đã có những tín hiệu không mấy tích cực. Trên thực tế, nguy cơ lạm phát có thể tăng cao ngày càng lớn do mức độ thể hiện của lạm phát tiềm ẩn trong thời gian gần đây. Và thị trường có lẽ sẽ phải chuẩn bị đón nhận một con số lạm phát cao hơn dự kiến trong tháng này.

Quốc Thắng
Theo Bản tin các CTCK

duchai

Trở lên trên