MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán nhận định thị trường ngày 16/3

Nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục thận trọng với các Bulltrap có thể sẽ diễn ra.

Chứng khoán ACBS: Trong tình hình diễn biến thị trường phụ thuộc nhiều vào các thông tin vĩ mô, CPI chính thức của tháng Ba có tầm quan trọng trên nhiều phương diện.

Thứ nhất, thông tin về CPI sẽ là một phép thử của niềm tin vào thị trường đối với nhà đầu tư bởi nó sẽ ảnh hưởng đến các quyết định giao dịch của nhà đầu tư và diễn biến của các index. Thứ hai, thông tin về CPI tháng Ba sẽ cho thấy nếu các biện pháp xiết chặt tiền tệ của NHNN trong thời gian gần đây thực sự có hiệu quả trong việc kiềm chế lạm phát. Nếu CPI tháng Ba cao hơn mong đợi, NHNN có thể sẽ tiếp tục tiến hành những biện pháp xiết chặt tiền tệ, và điều này là yếu tố tiêu cực cho thị trường chứng khoán. Do đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư chờ các tín hiệu đổi chiều rõ ràng trước khi tham gia giao dịch.

Về mặt phân tích kỹ thuật, ở mức hiện tại, ACBS cho rằng VN-Index có thể tiếp tục giảm nhẹ về 450 trong vài phiên tới. Đối với HNX-Index, ACBS giữ quan điểm tiêu cực với chỉ số này trong ngắn hạn và mục tiêu tiếp theo là 77, ngưỡng thấp nhất từ trước đến giờ.

Chứng khoán Sài Gòn (SSI): Vùng hỗ trợ 469-474 điểm cũng bị phá nhẹ xuống phía dưới, trước áp lực bán do những lo ngại về thị trường tài chính thế giới có thể bị ảnh hưởng do vụ sóng thần gây nhiều tổn thất ở Nhật bản. Cây nến giảm điểm có dạng gần với Inverted Hammer tạo khoảng trống Gap Down, khối lượng giao dịch ở mức gần 37,67 triệu đơn vị, giảm 17,4% so với phiên giao dịch ngày 14/3. Chỉ báo dòng tiền MFI và chỉ báo sức mạnh RSI rơi xuống dưới mức 50.

Hai phiên giảm điểm mạnh có thể khiến chỉ số chậm lại đà giảm hoặc hồi nhẹ kỹ thuật trở lại trong một đến hai phiên giao dịch tới nếu như không có thông tin quá xấu ảnh hưởng đến thị trường.

Vùng hỗ trợ kế tiếp là khoảng trống của hai cây nến ngày 4 và 7/3 ở vùng 458-465 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục thận trọng với các Bulltrap có thể sẽ diễn ra. Đối với nhà đầu tư dài hạn có tỷ trọng tiền mặt cao có thể mua dần với tỷ trọng thấp các cổ phiếu tiềm năng có tính thanh khoản tốt.

Chứng khoán Vietinbank (CTS): Thông tin từ cuộc họp thường kỳ CP, đối với xuất, nhập khẩu, ước quý I/2011, tổng kim ngạch xuất đạt 18,8 tỷ USD, tăng khoảng 29,7% so với cùng kỳ năm 2010. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 21,8 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2010. Như vậy, nhập siêu tính riêng cho tháng 3/2011 ước 1,1 tỷ USD (cùng kỳ năm 2010 là 1,35 tỷ USD). Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2011 ước đạt 5,4-5,6% thấp hơn so với tăng trưởng GDP cùng kỳ năm 2010 là 5,84%.

Thị trường có thể lấp gap sau phiên bán mạnh. Các chỉ báo kỹ thuật của CTS đang cho tín hiệu cân bằng, nhà đầu tư có vẻ đã bi quan quá mức, tâm lý sẽ bình ổn trở lại. VnIndex có thể tăng điểm trong phiên ngày 16/03.

Thông tin về CPI tháng 3 được khá nhiều nhà đầu tư chú ý, có khá nhiều con số đồn đoán, mặc dù vậy, theo quan sát của chúng tôi, giá cả các mặt hàng thực phẩm (chiếm tỷ trọng gần 40% trong rổ) có mức tăng khá mạnh.

Chứng khoán Bản Việt (VCSC): Rủi ro nợ công đang tăng cao của Nhật cũng làm các nhà đầu tư lo ngại rằng nguồn vốn ODA, FII, và FDI chảy vào Việt Nam sẽ giảm trong năm 2011. Nhật Bản là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam và chiếm 22.3% trong tổng số tiền cam kết viện trợ cho Việt Nam cho năm 2011.

Nhật Bản cũng là một trong những nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Việt Nam, chiếm 1/8 tổng số tiền FDI cam kết trong năm 2010. VCSC tin rằng để xây dựng lại nước Nhật Bản thì nhiều khả năng các nguồn vốn từ nước này sẽ tập trung cho các dự án trong nước hơn là nước ngoài, có nghĩa là trong trung hạn nguồn vốn ODA và FDI vào Việt Nam có thể bị ảnh hưởng.

Tại thị trường trong nước, những ngày qua có khá nhiều tin đồn và mọi người đều cố gắng dự đoán chỉ số CPI cho tháng ba. Thậm chí còn có người dự đoán cao đến 3,75%. Theo tính toán của VCSC, chỉ số CPI tháng ba trong khoảng 1,8 đến 2,2%. Mặc dù đa số mọi người đều kỳ vọng một bức tranh không mấy sáng sủa thì khi càng về gần cuối tháng mọi việc sẽ rõ ràng hơn và thị trường sẽ biết được liệu các yếu tố này đã phản ảnh hết vào giá chưa.

 Có vẻ như tâm lý nhà đầu tư toàn cầu đã có phần lạc quan vào ngày thứ hai khi trong ngày thứ ba nhà đầu tư nước ngoài đã cắt giảm danh mục vì lo ngại sự sụp đổ của thị trường Nhật Bản sẽ lan ra toàn cầu do nhà đầu tư chọn chiến lược an toàn. Nhà đầu tư nước ngoài tăng lượng bán lên gấp ba lần so với hôm thứ hai với lượng bán ròng bằng 47.8 tỷ đồng, lượng bán ròng lớn nhất trong tháng này.

Thị trường đã giảm hơn 5% trong 2 ngày nên sẽ có nhiều người cho đây là cơ hội mua vào, mặc dù chúng ta có thể sẽ tiếp tục chứng kiến các nhà đầu tư lưỡng lự khi nghĩ đến hậu quả của trận động đất và những rủi ro kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn.


Quốc Thắng

duchai

Trở lên trên