Công ty chứng khoán nói gì về việc tăng giá điện thêm 5%?
BSC nhận định việc tăng giá điện dường như chỉ là vấn đề của thời gian nên đã phản ánh ít nhiều vào giá. PSI lại cho rằng không nên chủ quan với yếu tố này bởi lạm phát cao vẫn có thể xảy ra.
Phải nói rằng, nhà đầu tư đón nhận phiên đầu tháng 8 với tâm lý hết sức bất an. Giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh trong đó giá điện tăng 5%. Việc tăng giá điện diễn ra khá nhanh khi đến cuối ngày 31/7 thì EVN mới đưa ra thông cáo. Điều này khiến không ít nhận định thị trường ngày 1/8 không thực sự đủ thông tin để nhận định.
Không tác động tiêu cực đến TTCK
Dù muộn một ngày so với thông tin tăng giá điện đưa ra nhưng Công ty chứng khoán BIDV-BSC cho rằng việc tăng giá điện đã được dự báo trước đó. Tăng giá điện dường như chỉ là vấn đề của thời gian nên thông tin này đã phản ánh ít nhiều vào giá.
BSC cũng cho rằng, việc tăng giá điện sẽ không trực tiếp ảnh hưởng ngay đến công ty bán điện (vì còn liên quan đến hợp đồng điện giữa công ty và EVN). Tuy nhiên các cổ phiếu điện cũng có thể cân nhắc lựa chọn giải ngân 1 phần tùy mức độ chịu đựng rủi ro (PPC, BTP, VSH, HJS, KHP).
Theo chúng tôi, nhận định của BSC về tác động của việc tăng giá điện đối với các công ty bán điện là hoàn toàn đúng. Lời/lãi của các công ty bán điện phụ thuộc nhiều vào hợp đồng nguyên tắc đã ký hoặc sắp ký với EVN. Việc tăng giá điện từ ngày 1/8 không tác động ngay đến con số doanh thu hay lợi nhuận của công ty bán điện, nếu có, có thể là sự điều chỉnh hồi tố sau này.
Tư duy là vậy. Tuy nhiên, thống kê biến động giá các cổ phiếu điện của chúng tôi ngày 1/8 cho thấy, không ít cổ phiếu ngành này đã tranh thủ “lăn” theo giá điện như KHP tăng 2,4%; PPC tăng 1,7%; RHC tăng 4,3%; TBC tăng 2,6%; TIC tăng 2,2%; TMP tăng 4%; VSH tăng 0,7%...
Sẽ ảnh hưởng đến CPI và sản xuất
PSI cho rằng các thông tin về việc tăng giá cả các mặt hàng đầu vào thiết yếu (điện, xăng, gas, v.v…) thời gian gần đây cùng với quan ngại tăng giá dịch vụ y tế đang là những yếu tố tạo áp lực cho CPI từ tháng 8. Đơn vị này nhấn mạnh việc không nên chủ quan với yếu tố này bởi năm ngoái giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng tác động mạnh đến lạm phát.
Trong khi đó, VCSC nhận định khả
năng giá xăng và giá điện tăng sẽ làm lạm phát tăng mạnh hơn nữa, có thể ở
mức 1,4%-1,5% trong tháng 8 và đe dọa mục tiêu 7% của Chính phủ. Theo tính toán VCSC (khi thông tin tăng giá điện chưa công bố) việc điều chỉnh giá điện sẽ làm tăng CPI 0,2% trong
tháng 8 và thêm 0,2% trong tháng 9.
Theo ước tính của HSC, sự tăng giá điện lần này sẽ trực tiếp cộng thêm vào tốc độ tăng CPI theo tháng của tháng 8 là 0,12% và gián tiếp cộng thêm 0,3% vào 2 tháng sau đó. HSC cũng thông tin thêm, việc giá gas tiêu dùng đã tăng 2% từ 1/8 lên 406.000 đồng từ 398.000 đồng, và điều này cộng thêm vào tốc độ tăng CPI theo tháng của tháng 8 là 0,02%.
Thêm vào đó, HSC cho rằng đồn đoán về khả năng tăng tiếp giá xăng trong tháng 8 là điều khó xả ra do (1) đã có 3 đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp gần đây (2) tháng 8 xem ra đã là tháng có nhiều sự kiện ảnh hưởng đến CPI. Vì thế, HSC ước tính CPI tháng 8 sẽ tăng 0,7% so với tháng 7, cao hơn với mức chúng tôi dự báo 0,6% trong báo cáo trước. Theo đó CPI tháng 8 sẽ tăng 7,36% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao hơn so với 7,29% của tháng 7. HSC vẫn giữ dự báo lạm phát cho cả năm nay.
Còn FPTS lại cho rằng diễn biến tăng giá điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới những doanh nghiệp sản xuất (như thép, xi măng, thủy sản…) trong thời gian tới, triển vọng kinh doanh ở những tháng còn lại của năm có thể sẽ sụt giảm khi mà chi phí chắc chắn sẽ gia tăng. Theo đó, FPTS khuyến nghị nhà đầu tư nên tạm dừng việc giải ngân và chờ đợi thị trường cân bằng hơn cùng những diễn biến tiếp theo của thanh khoản. Nếu xu hướng tiếp tục đi xuống thì việc xem xét giảm tỷ lệ cổ phiếu là cần thiết, đặc biệt là khi chênh lệch giữa hoạt động mua – bán của khối ngoại vẫn tiếp diễn theo chiều hướng tiêu cực.
Vậy là, sau một thời gian dài đồn đoán và phân tích, giá điện đã tăng 5% từ đầu tháng 8 năm nay. Tác động tất nhiên là có, tuy nhiên, nhận định của hầu hết các đơn vị đều cho rằng việc tăng giá điện chỉ là vấn đề thời gian nên TTCK sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. CPI chắc chắn sẽ tăng và khả năng sẽ đe dọa mục tiêu 7% của Chính phủ. Tuy nhiên, đã từ lâu, khi CPI nhiều tháng tăng thấp, vấn đề lạm phát đã không còn là chỉ số NĐT đặt lên bàn cân cân đo đong đếm tác động.
Thanh Hiên