MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán nửa vời?

"linh hồn” của CTCK là nghiệp vụ môi giới vì nó đặc thù, chỉ riêng cho công ty chứng khoán, còn các nghiệp vụ như tự doanh thì nhiều loại hình doanh nghiệp khác cũng thực hiện được.

Trước đây một CTCK thường có nhiều nghiệp vụ như môi giới, tự doanh, tư vấn đầu tư, bảo lãnh phát hành…nhưng hiện nay nhiều công ty đã rút bớt nghiệp vụ môi giới, bảo lãnh phát hành, chỉ còn mỗi tư vấn đầu tư. Vậy liệu họ có được gọi là công ty chứng khoán?

Tồn tại hay không tồn tại

Đại diện một công ty chứng khoán cho biết do thị trường chứng khoán sa sút nên họ đã xin rút nghiệp vụ môi giới từ đầu năm nay. Hiện công ty chỉ còn mảng tư vấn đầu tư nhưng hoạt động này không mang lại nhiều lợi nhuận, chỉ đủ bù chi phí. Theo lời tổng giám đốc công ty, họ vẫn đang cầm cự và chờ đợi để khi thị trường khởi sắc sẽ xin hoạt động môi giới trở lại.

Trụ sở công ty khi xưa là một căn nhà đôi nằm trên một con đường lớn của TPHCM, nay đã là quán cà phê. Trụ sở bây giờ rất nhỏ gọn, chỉ đủ để duy trì hoạt động với lượng nhân viên ít ỏi.

Trong khi đó, câu chuyện của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Âu Việt Đoàn Đức Vịnh lại nói về việc muốn rời bỏ thị trường.

Ông Vịnh cho biết hiện tại công ty muốn chuyển hướng đầu tư và đã xin chấm dứt tư cách thành viên tại hai sở giao dịch. Tuy vậy, để đóng cửa công ty cũng không dễ do bị vướng một số thủ tục pháp lý.

Cụ thể như muốn hủy niêm yết phải có 51% cổ đông nhỏ lẻ thông qua, nhưng với 1.700 cổ đông giờ không biết đang ở đâu thì điều kiện này rất khó đạt được, dù rằng số lượng cổ đông lớn chiếm 75% cổ phần của công ty, đã chấp nhận hủy niêm yết để làm thủ tục đóng cửa, giải thể.

“Thị trường còn quá ít đất sống khi giá cổ phiếu ngày càng xuống, giao dịch ngày càng èo uột, phần lớn thị phần môi giới thuộc về một số công ty chứng khoán lớn. Việc đóng cửa, chuyển mục đích kinh doanh có thể mang lại thu nhập tốt hơn cho các công ty nhỏ”, ông Vịnh nói.

Đến thời điểm hiện tại, mặc dù trên danh sách công ty chứng khoán của ủy ban Chứng khoán công bố vẫn có đến 106 công ty nhưng số hoạt động thực đã ít hơn rất nhiều.

Cũng theo số liệu từ cơ quan này, khoảng 10 công ty chứng khoán đã rút nghiệp vụ môi giới và con số này dự báo sẽ còn tăng lên. Hiện có 3-4 công ty đã nộp đơn xin tự nguyện rút nghiệp vụ để giảm thiểu chi phí, máy móc, phần mềm, lương cho nhân viên.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho biết do công ty chứng khoán có hoạt động môi giới đều phải tuân thủ các quy định về diện tích sàn, hệ thống phần mềm... mà để duy trì được thì cần nhiều nhân viên như môi giới, kỹ thuật viên máy tính... đẩy chi phí lên cao.

Trong khi thanh khoản giao dịch ngày càng sụt giảm thì phí môi giới thu được không đáng kể, không đủ bù các chi phí như trên. Vì vậy việc cắt giảm là tất yếu.

Có còn là công ty chứng khoán?

Theo quy định, để được thực hiện nghiệp vụ môi giới, công ty chứng khoán cần có vốn pháp định là 25 tỉ đồng, với tư vấn đầu tư là 10 tỉ đồng, tự doanh là 100 tỉ đồng và bảo lãnh phát hành là 165 tỉ đồng. Tổng số vốn pháp định cần thiết cho cả bốn nghiệp vụ cơ bản này là 300 tỉ đồng.

Nếu phải rút bớt nghiệp vụ, theo vị tổng giám đốc chờ thị trường khởi sắc nói trên, thì về bản chất, công ty vẫn là công ty chứng khoán và họ đang tự tái cấu trúc để giảm chi phí và tồn tại.

Nhưng ông Vịnh lại nghĩ khác. Ông cho rằng với các công ty chứng khoán nhỏ hiện nay, khi chỉ còn một nghiệp vụ tư vấn đầu tư, thì đó cũng chỉ là trên giấy.

“Công ty chứng khoán bình thường kiếm khách hàng đến mở tài khoản đã khó, những công ty đang khó khăn, rút luôn cả nghiệp vụ môi giới thì tìm đâu các hợp đồng tư vấn đầu tư, tôi cho rằng họ đã ngưng hoạt động rồi nhưng không muốn nói đến thôi”, ông Vịnh nhấn mạnh.

Thực tế công ty ông hiện nay chỉ còn làm duy nhất một hoạt động, đó là dùng tiền mở tài khoản ở công ty chứng khoán khác để mua bán cổ phiếu như một khách hàng. Vì vậy công ty ông rất muốn đóng cửa để toàn tâm toàn ý cho hoạt động khác.

Nói về chuyện này, ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn đầu tư tài chính, trường Đại học Kinh tế, cho rằng với công ty chứng khoán, ‘linh hồn” của công ty chính là nghiệp vụ môi giới vì nó đặc thù, chỉ riêng cho công ty chứng khoán, còn các nghiệp vụ khác như tư vấn đầu tư hay tự doanh thì nhiều loại hình doanh nghiệp khác cũng thực hiện được như công ty đầu tư tài chính, quỹ đầu tư và thậm chí là các công ty niêm yết.

Vì vậy, việc rút nghiệp vụ môi giới, công ty chứng khoán về bản chất đã không còn là công ty chứng khoán nữa.

Sẽ được "chết"

Ông Vịnh cho biết nhiều công ty chứng khoán đang rất khó khăn khi muốn chấm dứt hoạt động vì ủy ban Chứng khoán chỉ cho các công ty rút bớt nghiệp vụ mà không cho đóng cửa. Không nên bắt các công ty phải tiếp tục “sống” trong khi họ không còn hoạt động thực sự như một công ty chứng khoán.

“Chỉ nên ràng buộc các công ty có nghĩa vụ nợ chưa trả hết cho nhà đầu tư, cho đối tác... còn khi họ đã thực hiện xong thì nên cho họ chấm dứt hoạt động”, ông Vịnh nói.

Trao đổi với TBKTSG vào đầu tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch ủy ban Chứng khoán, lý giải giấy phép mà ủy ban cấp cho các công ty chứng khoán vừa là giấy phép thành lập vừa là giấy phép hoạt động.

Vì vậy, việc rút giấy phép hoạt động các nghiệp vụ của công ty chứng khoán cũng đồng nghĩa với việc rút giấy phép thành lập và như vậy sẽ xóa sổ công ty. Vì thế, hiện nay cơ quan này đang trao đổi với Bộ Tư pháp để xem xét chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật.

Liên quan đến việc cập nhật danh sách các công ty chứng khoán, ông Vũ Bằng, Chủ tịch ủy ban Chứng khoán, cho rằng có công ty chứng khoán không còn hoạt động (như một công ty chứng khoán) nữa nhưng trong danh sách của ủy ban vẫn còn tên là do vướng vấn đề nghĩa vụ trả nợ.

Ông Bằng cho biết hiện ủy ban đang chuẩn bị thay đổi hình thức cho công ty chứng khoán rút khỏi thị trường. Cụ thể, các công ty sẽ phải làm ba việc là chuyển tài khoản nhà đầu tư sang công ty khác, xử lý nợ tồn đọng và làm thủ tục giải thể công ly. Như vậy, công ty chứng khoán sau khi thực hiện các nghĩa vụ trên thì có thể chính thức đóng cửa.

Theo Thanh Thương
Thời báo kinh tế Sài Gòn

phuongmai

Trở lên trên