MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán: Thời… hốt nợ!

TTCK sụt giảm kéo dài không những đã loại nhiều nhà đầu tư ra khỏi cuộc chơi mà còn đẩy một số CTCK đến cảnh "hụt hơi", làm ăn thua lỗ.

Để đảm bảo hoạt động, không ít công ty đã buộc phải cắt giảm mọi chi phí có thể, coi như để "cắt lỗ" và giải pháp cuối cùng là bán công ty cũng đã được tính đến...
 
Còn nhớ cách đây hơn 1 năm, đến dự lễ khai trương hoạt động hoành tráng của một CTCK, bạn bè bắt tay chúc mừng khen anh giám đốc nhạy bén, hợp thời, chuyển từ "đánh" hàng thuỷ sản xuất khẩu sang kinh doanh môi giới chứng khoán...
 
Anh đáp lại bằng những sự hể hả cùng viễn cảnh về nguồn siêu lợi nhuận sẽ mang về sau khi công ty hoạt động... Vừa rồi, nhấp máy gọi đến thì nghe anh thông báo, đã bán 49% công ty cho một đối tác nước ngoài. "Đã qua rồi cái thời hốt bạc... bây giờ thì hốt nợ", anh ngán ngẩm.
 
Khi TTCK sôi động với những "hấp lực" từ lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân đã chuyển sang đầu tư góp vốn thành lập CTCK.
 
Chuyện các ngân hàng thành lập CTCK là điều bình thường; các công ty máy tính, điện tử thành lập CTCK đã là gượng ép... nhưng đến khi các công ty chuyên về trồng rừng, chế biến lâm sản, công ty nuôi tôm cũng xin được thành lập CTCK thì quả là "quá mù hoá mưa".
 
Sự ra đời của hàng loạt CTCK cũng đặt ra nhu cầu tất yếu là nguồn nhân lực. Và câu chuyện một anh công nhân của Công ty khoá Minh Khai sau khi theo học một lớp đào tạo ngắn hạn về chứng khoán đã trở thành nhân viên tư vấn của một CTCK là sự thường.
 
Cái thời, cứ mở CTCK là có lợi nhuận, cứ chơi chứng khoán là thắng tuỳ theo lượng vốn đầu tư, lợi nhuận cứ ùn ùn đổ về đã trôi qua. Sàn giao dịch thưa dần nhà đầu tư, không ít CTCK thua lỗ, anh công nhân cũng chẳng thể quay trở lại với nghề làm khoá...
 
Các khoản thu từ phí giao dịch, thu từ tự doanh, tư vấn giảm trong khi "bão giá" lên cao, mọi chi phí cho hoạt động ngày một lớn đã đẩy không ít công ty vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.
 
Để san sẻ gánh nặng này, "làn sóng" sáp nhập, rao bán cổ phần đang được nhiều CTCK thực hiện. Mới đây CTCP Chứng khoán Âu Lạc chính thức bán 4,9 triệu cổ phần, tương đương 49% vốn điều lệ cho đối tác nước ngoài là Công ty Technology CX (Quần đảo Cayman).
 
Cùng với đó là hàng loạt thương vụ mua bán cổ phần của các CTCK đã thực hiện thành công: CTCP Chứng khoán Việt Nam (VSEC) bán 49% cổ phần cho Ngân hàng Đầu tư RHB của Malaysia với giá trị là 13,3 triệu Ringgit (tương đương khoảng 67 tỷ VND);
 
Công ty TNHH Chứng khoán và Đầu tư Golden Bridge đã mua 6,615 triệu cổ phần, để nắm giữ 49% vốn điều lệ của CTCP Chứng khoán Nhấp và Gọi; Tập đoàn Morgan Stanley của Singapore cũng đã được UBCK cấp giấy phép thành lập liên doanh tại Việt Nam, với đối tác trong nước là CTCP Chứng khoán Hướng Việt (GSI).
 
Theo đó, Morgan Stanley đã đầu tư 145 tỷ đồng mua 14,5 triệu cổ phần, tương đương 48,33% vốn điều lệ của GSI. Sau thương vụ mua bán này, GSI đã được đổi tên thành CTCP Chứng khoán Morgan Stanley Hướng Việt... và hàng loạt thương vụ khác đang được một số CTCK ấp ủ, dự định thực hiện trong thời gian tới.
 
Tất nhiên, với việc rao bán cổ phần này, nhiều CTCK cũng hướng đến việc hợp tác chiến lược với đối tác nước ngoài để tận dụng những thế mạnh của họ.
 
Theo quy định hiện nay, các công ty cổ phần chỉ được bán tối đa khối lượng cổ phần cho đối tác nước ngoài là 49% vốn điều lệ. Với 49% bán cho các đối tác nước ngoài, các CTCK hy vọng sẽ có được sự tiếp sức để vượt khó trong giai đoạn hiện nay. Một ông chủ CTCK bộc lộ, nếu có thể công ty sẵn sàng "buông" hết cho các đối tác.
 
Theo các chuyên gia, việc mua - bán, sáp nhập các CTCK đang diễn ra tại Việt Nam hiện nay là điều tất yếu, sự việc này đã diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. Nhìn chung, phần lớn thương vụ sáp nhập đều xảy ra khi một bên bị đuối sức, cần nâng cao năng lực cạnh tranh.
 
Bên cạnh đó, các chuyên gia chứng khoán cũng cho rằng,với quy mô TTCK còn nhỏ bé và non trẻ của Việt Nam như hiện nay nhưng số lượng các CTCK và chi nhánh đã lên đến xấp xỉ con số 100 là quá nhiều, thực tế chỉ cần khoảng bằng 1/3 số đó.
 
Việc có nhiều các CTCK và không phải công ty nào cũng đạt hiệu quả trong kinh doanh như hiện nay là hệ luỵ của việc chạy đua theo sức nóng của thị trường cách đây hơn 1 năm. Trong sự nhân bản ồ ạt này, không thiếu công ty thiếu thốn đủ mặt như vốn, công nghệ, nhân lực... ra đời nhằm mục đích "hớt váng".
 
Do đó, khó khăn hiện nay chính là thời điểm thanh lọc các CTCK để tìm ra những đơn vị thực sự có tiềm lực, mang đến cho nhà đầu tư sự yên tâm về tính chuyên nghiệp.
 
Theo Quỳnh Sơn
ĐTCK

thanhtu

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên