MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cùng rớt thảm sau biến cố lãnh đạo bị bắt, OGC vẫn còn hơn JVC

Trong vòng 1 năm qua, ít ra OGC cũng có sự cải thiện trong kết quả kinh doanh và có 2 đợt sóng cho nhà đầu tư "lướt lát". Còn JVC vẫn chìm trong rối bời và giá cổ phiếu vô cùng phẳng lặng.

Khi nhắc lại những cái tên đã làm cho nhà đầu tư khóc không thành tiếng trong năm 2015, không thể không có cổ phiếu OGC của CTCP Tập đoàn Đại Dương và JVC của CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật. 2 đơn vị này có một điểm chung là giá cổ phiếu rơi không phanh sau những sai phạm cá nhân của lãnh đạo.

Tuy cùng rơi xuống mức giá bèo bọt cho đến tận bây giờ nhưng diễn biến sau sự cố của 2 cổ phiếu lại hoàn toàn khác nhau. Có thể nói rằng nhà đầu tư của JVC khi nhìn sang OGC sẽ đều phải ngậm ngùi.

Đây là diễn biến giá OGC trong vòng 1 năm qua:

Còn đây là giá của JVC:

Như đã thấy, JVC vẫn nằm trong khoảng lặng chưa thể phục hồi trong khi ít ra OGC có 2 đợt sóng cho nhà đầu tư lướt lát, nhờ một số động lực.

OGC: Nỗ lực tái cơ cấu cứu lợi nhuận

Sau khi lỗ 2.405 tỷ đồng trong năm 2014 do trích lập dự phòng đầu tư, kết quả kinh doanh của OGC đã phục hồi với phần lớn lợi nhuận có được đến từ hoạt động tài chính, chuyển nhượng dự án.

Cụ thể, báo cáo tài chính năm 2015 tự lập thông báo OGC lãi sau thuế 1.507 tỷ đồng. Sau kiểm toán, con số này giảm đi gần 800 tỷ và còn 681 tỷ đồng do phải trích lập khoảng 864 tỷ đồng cho các khoản dự phòng phải thu quá hạn theo Thông tư 228 của Bộ Tài chính. Báo cáo được kiểm toán nêu đầy ý kiến ngoại trừ, nhưng dù sao kết quả cũng vượt 27% kế hoạch khiến cổ đông thấy được sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc cứu lấy lợi nhuận.

Điểm thuận lợi của OGC là có nhiều tài sản lớn để bán. Theo đó, lợi nhuận trong năm chủ yếu là từ 1.712 tỷ đồng bán toàn bộ cổ phần tại Blue Star – công ty sở hữu Khu đất vành đai khăn tại dự án Đông Nam Trần Duy Hưng vào quý 3/2015. Một dự án đình đám khác của Ocean Group là Lega Fashion House (góp vốn 75%) cũng đã sang tên cho Land Saigon.

Hiện tại OGC còn một số Dự án bất động sản tại các vị trí đẹp ở Hà Nội như Dự án Licogi 19 tại đường Lê Văn Lương, dự án 25 Trần Khánh Dư, dự án Cột Đồng Hồ tại Quảng Ninh, số 10 Trấn Vũ cùng chuỗi khách sạn mang thương hiệu Starcity đã đi vào hoạt động.

Một yếu tố hỗ trợ khác cho cổ phiếu là việc Pyn Elite Fund mua thêm và trở thành cổ đông lớn với số lượng nắm giữ 15,06 triệu cổ phiếu (tương đương 5,02%).

JVC: Có thật là khó khăn đã qua?

Dù hội đồng quản trị JVC tuyên bố giai đoạn khó khăn nhất của công ty đã đi qua, vẫn chưa có nhiều bằng chứng về sự ổn định của JVC. Công ty đã liên tục gây choáng váng cho cổ đông khi đưa ra những con số tài chính đầy nghi ngờ.

Khi công bố BCTC bán niên 6 tháng đầu năm 2015, thay vì mức lợi nhuận sau thuế gần 4 tỷ đồng như báo cáo tự lập trước đó, JVC đã lỗ tới hơn 623 tỷ đồng do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến lên 640 tỷ đồng.

Nhưng khoản tiền mặt tới hơn 400 tỷ vốn đã bị nghi ngờ bấy lâu, tiếp tục khiến người ta bất ngờ hơn nữa khi theo báo cáo được kiểm toán, tại thời điểm 30/9/2015, JVC không còn số dư tiền mặt tại quỹ.

Theo BCTC mới nhất, lũy kế từ đầu năm đến cuối quý 3 (1/1/2015- 31/12/2015), JVC đạt doanh thu thuần 405 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 620 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của JVC lên tới 275 tỷ đồng.

Bên cạnh những con số tài chính thì biến động trong nhân sự cấp cao và cổ đông lớn cũng khó mà lý giải được. Công ty đã âm thầm thay đổi Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc, còn cổ đông chiến lược DI Asian Industrial Fund (DIAIF) thì đã vắng mặt tại ĐHCĐ mà không thông báo. Ông Hosono Kyohei – đại diện của DI đã từ nhiệm vị trí từ khi nào không rõ.

Bổ sung vào những khó khăn của JVC là việc "làm khó" của Vietinbank khi ngân hàng này tỏ ra rất cứng rắn khi buộc JVC phải thanh toán ngay lập tức 235 tỷ đồng và JVC phải thay đổi kế hoạch sử dụng 750 tỷ đồng tiền thu được từ đợt tăng vốn trước đó.

Tú Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên