“Cứng” và “mềm” để nâng quản trị công ty niêm yết
Phó tổng giám đốc HNX nói chủ sở hữu Nhà nước phải tiên phong trong việc thực hiện tốt các quy định về quản trị công ty...
- 08-06-2015Hủy niêm yết, "bản án" lơ lửng
- 03-06-2015Chuyên gia Mỹ chia sẻ về quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam
- 25-04-2015Chưa ngã ngũ vai trò quản lý chung cư của ban quản trị
“Chủ sở hữu Nhà nước phải tiên phong trong việc thực hiện tốt các quy định về quản trị công ty bằng cách yêu cầu các công ty mà họ góp vốn sở hữu thực hiện các quy định và thông lệ quản trị công ty”, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) Nguyễn Vũ Quang Trung nói với VnEconomy.
Vừa tham dự hội nghị tham vấn sáng kiến quản trị công ty khu vực Đông Nam Á diễn ra mới đây, ông Trung cho rằng những kinh nghiệm quốc tế là đặc biệt hữu ích trong việc tăng cường chất lượng quản trị tại những doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, khi mức sở hữu vốn của nhà nước vẫn còn chi phối, tránh tình trạng “bình mới, rượu cũ”.
“Cứng” và “mềm”
Ông thấy các tổ chức quốc tế và đại diện nhà đầu tư nước ngoài đã có đánh giá thế nào về các nỗ lực trong các vấn đề quản trị công ty tại Việt Nam?
Tại hội nghị này, chúng tôi thấy rằng các tổ chức nước ngoài cũng như trong nước đều nhận định tình hình quản trị công ty của Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định những năm gần đây.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán cùng hai sở giao dịch đã và đang áp dụng cưỡng chế “cứng” và “mềm” nhằm thúc đẩy quan trị công ty cho các công ty đại chúng.
Đối với biện pháp cưỡng chế thực thi “cứng” truyền thống, nhiều văn bản pháp luật được ban hành có đề cập tới vấn đề quản trị công ty, đưa ra các quy định tối thiểu về quản trị công ty để các công ty đại chúng thực thi.
Trong thời gian tới, để phù hợp với điều kiện và nhu cầu phát triển của thị trường và các công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán dự kiến sẽ trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 52/2012/TT-BTC và Thông tư 121/2012/TT-BTC nhằm rút ngắn khoảng cách về trình độ quản trị công ty của các doanh nghiệp Việt Nam so với thế giới.
Bên cạnh đó, biện pháp cưỡng chế “mềm” cũng dần được áp dụng.
Việc phát hành các tài liệu hướng dẫn về quản trị công ty, xây dựng chỉ số quản trị công ty, chỉ số môi trường, xã hội và quản trị (ESG), đánh giá và xếp hạng quản trị của các doanh nghiệp… sẽ khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết áp dụng các thông lệ tốt về quản trị công ty trên thế giới song song với việc tuân thủ các quy định “cứng” đã ban hành.
Với các nỗ lực từ phía cơ quan quản lý, các doanh nghiệp niêm yết cũng đã dần dần ý thức về vai trò của quản trị công ty trong hoạt động tài chính.
Một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng các thông lệ tốt về quản trị công ty trên thế giới như thực hiện công bố báo cáo phát triển bền vững hàng năm, công bố thông tin bằng tiếng Anh, áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS… để tiếp cận được các nguồn vốn nước ngoài.
Về phía HNX, việc đánh giá công bố thông tin và minh bạch trong hai năm vừa qua đã cho thấy nỗ lực của HNX trong việc thúc đẩy quản trị công ty tới từng doanh nghiệp niêm yết.
Vậy theo ông, việc thực thi quản trị công ty trên thị trường chứng khoán hiện nay đang gặp những khó khăn nào? Những sáng kiến quốc tế cụ thể nào chúng ta có thể áp dụng được ngay?
Về phía cơ quan quản lý, việc giám sát thực hiện quản trị công ty của các công ty đại chúng theo Thông tư 121/2012/TT-BTC, hay yêu cầu quản trị công ty trong Luật Doanh nghiệp đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bên, đặc biệt là sự phối hợp của Bộ/Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán và các sở giao dịch. Thêm vào đó, điều kiện niêm yết trên hai sở hiện tại không bao gồm các quy định về quản trị công ty.
Bản thân các công ty đại chúng cũng chưa ý thức và cam kết cao trong việc áp dụng các thông lệ quản trị công ty tốt.
Các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ chỉ thực hiện các quy định về quản trị công ty một cách tối thiểu khi yêu cầu thay vì dựa trên tinh thần hợp tác.
Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc hoàn thiện khung pháp lý về quản trị công ty, Việt Nam vẫn còn thiếu một bộ tiêu chuẩn quốc gia về quản trị công ty góp phần tạo ra sự linh hoạt cho môi trường quản trị.
Nhiều kinh nghiệm quản trị quốc tế đã được thảo luận và chia sẻ nhằm thúc đẩy quá trình thực thi quản trị công ty trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đối với cơ quan quản lý, hoàn thiện khung pháp lý để phân công, phân cấp rõ ràng và có sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện và giám sát quản trị công ty của các doanh nghiệp.
Đồng thời, do nhà nước nắm giữ số lượng cổ phiếu lớn trên các doanh nghiệp niêm yết, chủ sở hữu nhà nước phải là cơ quan tiên phong trong việc thực hiện tốt các quy định về quản trị công ty.
Mặt khác, để nâng cao nhận thức của nhà đầu tư và các công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán đã và đang thực hiện kế hoạch xây dựng Viện Quản trị công ty có vai trò đào tạo quản trị công ty, có thể cung cấp các quản trị viên đủ điều kiện và năng lực cho doanh nghiệp niêm yết.
Ngoài ra, hiện tại, HNX đang thực hiện nghiên cứu và xây dựng lộ trình quản trị công ty, bộ chuẩn mực về quản trị công ty, chỉ số quản trị công ty, chỉ số xanh, quy chế nội bộ… dành cho các doanh nghiệp niêm yết.
Sẽ dần phải thay đổi
Một vấn đề đang được quan tâm là chất lượng quản trị của các doanh nghiệp Nhà nước. Theo ông, hội nghị đã đưa ra các bài học kinh nghiệm nào để nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp đã cổ phần hóa?
Năm 2014 đã có 143 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa trong khi năm 2013 chỉ có 74 doanh nghiệp. Mục tiêu của năm 2015 là 289 doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa.
Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lớn đã thực hiện cổ phần hóa như Cảng Hải Phòng, Vinatex, Vietnam Airlines, Đạm Cà Mau, Mobifone…
Tuy nhiên trên thực tế, việc niêm yết các doanh nghiệp này vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chịu tác động của khủng hoảng kinh tế năm 2008, sự thiếu minh bạch thông tin và giới hạn nắm giữ đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Sự ra đời của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam. Đây là tổ chức thực hiện quyền cổ đông của Nhà nước trong doanh nghiệp Nhà nước, giúp giảm thiểu xung đột lợi ích giữa chủ sở hữu là Nhà nước và các cơ quan quản lý thị trường.
Với việc chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, đăng ký giao dịch/niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, thay đổi cơ cấu sở hữu, các doanh nghiệp nhà nước sẽ dần phải thay đổi phương thức điều hành, nghĩa vụ của công ty đại chúng, tiếp cận với cách quản trị công ty hiện đại, tăng cường công khai minh bạch thông tin doanh nghiệp và quan trọng là những điều này giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Theo các chuyên gia nước ngoài, để tăng cường tình hình quản trị của doanh nghiệp Nhà nước, cơ quan quản lý cần phân tách chức năng sở hữu và chức năng quản lý của Nhà nước, để từ đó hoạch định hiệu quả phương hướng phát triển của doanh nghiệp, cần tăng cường hoạt động tự chủ thông qua hội đồng quản trị độc lập.
Như tôi đã đề cập tới ở trên, chủ sở hữu nhà nước phải tiên phong trong việc thực hiện tốt các quy định về quản trị công ty bằng cách yêu cầu các công ty mà họ góp vốn sở hữu thực hiện các quy định và thông lệ quản trị công ty.