Cuối năm, sao vẫn chưa trả nợ cổ tức?
Kể từ khi chốt danh sách trả cổ tức cho năm tài chính 2010 vào ngày 01/07/2011 với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt (mỗi cổ phiếu nhận được 2.000 đồng) thì đến nay, S96 vẫn chưa chịu trả cổ tức cho cổ đông sau nhiều lần trì hoãn.
Một năm trước, vào ngày 30/12/2013, CTCP Sông Đà 9.06 (mã chứng khoán: S96) đã thông báo về việc xin điều chỉnh thời gian trả cổ tức năm 2010 đến ngày 31/12/2014 với lý do chưa thu xếp được nguồn tiền.
Xin nhắc lại, đây là khoản nợ cổ tức của năm 2010. Kể từ khi chốt danh sách trả cổ tức cho năm tài chính 2010 vào ngày 01/07/2011 với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt (mỗi cổ phiếu nhận được 2.000 đồng) thì đến nay, S96 vẫn chưa chịu trả cổ tức cho cổ đông sau nhiều lần trì hoãn. Trước đó, S96 đã từng xin gia hạn trả cổ tức vào ngày 29/06/2012 thành ngày 29/12/2012, rồi tiếp tục gia hạn thêm 1 năm, tức ngày cuối cùng của năm 2014.
Từng là một siêu cổ phiếu với mức tăng gần 600% trong hơn 1 tháng (từ 08/09/2009 – 19/10/2009), S96 đã bị hủy niêm yết vào ngày 30/05/2014 với lý do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2013. Tuy sau đó đã quay lại niêm yết trên Upcom vào ngày 21/08/2014 nhưng thị giá của S96 chưa bao giờ lên quá 4.000 đồng.
Là cổ đông của S96, không thể không bức xúc. Nhưng đây không phải trường hợp duy nhất. CTCP thiết bị Phụ tùng Sài Gòn (mã: SMA) từng nổi tiếng với 10 lần xin hoãn khoản cổ tức bằng của năm 2011. Tháng 7/2012, SMA thông báo trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2011 tỷ lệ 14% nhưng sau 2 lần trả nhỏ giọt 1%/lần, công ty vẫn còn 12% cổ tức nợ cổ đông.
Tại ĐHCĐ thường niên năm nay, đại diện phía SCIC, ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó chủ tịch HĐQT lên tiếng đề nghị công ty trả nợ cổ tức cho SCIC trong tháng 7/2014. Ngoài ra, tổ chức này còn "đòi" tỷ lệ cổ tức năm 2013 là 4,4%. Nhưng tiếp tục nửa năm đã trôi qua, SMA chưa có động tĩnh gì mới.
Có thể kể ra đây một cái tên không kém cạnh trong việc chây ì trả cổ tức. Đó là CTCP Đầu tư và Phát triển Vinaconex (mã: VCR) với thành tích giữ cổ tức năm 2010 của cổ đông đến ngày 31/03/2015 (theo thông báo mới nhất).
Còn CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí PVC (Petroland – mã chứng khoán: PTL), sau khi trì hoãn trả cổ tức năm 2011 đến cuối năm 2014, lại tiếp tục ra thông báo điều chỉnh kế hoạch chi trả cổ tức năm 2011. Theo đó, thay vì thanh toán toàn bộ 4% bằng tiền mặt vào ngày 19/12/2014, Petroland điều chỉnh làm 2 đợt thanh toán, mỗi đợt 2% vào 19/12/2014 và 19/6/2015.
Đó là những doanh nghiệp chiếm dụng cổ tức quá lâu, lâu đến nỗi cổ đông cũng “chán không muốn đòi”. Còn nếu xin khất cổ tức với thời gian ngắn hơn thì cũng không phải là ít. VHG, SD2, SKS, DXL, DXV… là những doanh nghiệp từng phải thay đổi lịch trả cổ tức như đã hẹn.
Lý do mà các doanh nghiệp đưa ra tất nhiên là chưa thu xếp được nguồn tiền. Cũng không có gì khó hiểu khi nguồn tiền của doanh nghiệp bị kẹt bởi hầu hết các cổ phiếu của những doanh nghiệp này nằm trong diện cảnh báo do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ, do lỗ liên tục và thậm chí như S96 là phải rời sàn HNX. Khi dòng tiền cho hoạt động kinh doanh còn không đủ thì việc thu xếp tiền trả cổ tức cho cổ đông là một điều quá khó khăn.
Có những doanh nghiệp khi đói vốn, không có tiền trả cổ tức đã tính đến phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu. Song nghĩ đến những doanh nghiệp mà thị giá cổ phiếu rau dưa trà đá như vậy được phát hành thêm cổ phiếu, cổ đông không khỏi nghẹn lòng.
Việc doanh nghiệp khất nợ cổ tức thực sự làm ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông và làm mất niềm tin vào doanh nghiệp. Dù rằng, có thể ban lãnh đạo cũng quá khó khăn chứ chẳng ai muốn nợ cổ tức, nhưng cho đến nay, chưa hề có chế tài xử lý các doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ trả cổ tức cho cổ đông. HĐQT chỉ cần ra một thông báo về việc hoãn trả cổ tức, không cần xin ý kiến của Đại đồng cổ đông, không cần giải trình chi tiết lý do (ngoài lý do truyền thống là chưa thu xếp được nguồn tiền) …
Đó không phải là điều vô lý hay sao?
>> Cổ tức - Kẻ ăn không hết người lần chẳng ra
Bảo Ngọc
Tài chính Plus