Đại hội cổ đông sắp tới của VNE chờ đón điều gì?
Vừa qua, VNE thông báo đã xin gia hạn họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 sang tháng 5/2015. Với sự thay đổi cổ đông lớn, liệu ĐHCĐ lần này có sự thay đổi nào trong Hội đồng quản trị của công ty hay không?
- 09-04-2015Sau 20 ngày trở thành cổ đông lớn, bà Đinh Thị Bích Phượng đã bán hết số cổ phiếu VNE mua từ SCIC
- 25-03-2015Khải Toàn - doanh nghiệp kín tiếng đứng sau thương vụ mua lại VNECO
- 20-03-2015Công ty Khải Toàn đã nhận gần 11 triệu cổ phần VNE từ SCIC
- 19-03-2015Hé lộ cổ đông cá nhân gom cổ phiếu VNE từ SCIC
Ngày 18/3, SCIC đã hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ 18,9 triệu cổ phiếu VNE của Tổng CTCP Xây dựng điện Việt Nam, thu về 255 tỷ đồng. Số cổ phiếu trên - tương đương 30% cổ phần của VNECO - đã được sang tên cho CTCP Khải Toàn (17,17% cổ phần) và bà Đinh Thị Bích Phượng (7,96 triệu cổ phiếu, tương đương 12,55%).
Tuy nhiên, sau 20 ngày, vào ngày 06/04, bà Đinh Thị Bích Phượng đã bán thỏa thuận đúng 7,96 triệu cổ phiếu VNE vừa mua, cũng với mức giá 13.500 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu này được bán lại cho CTCP Bảo Phước. Và theo đó, Bảo Phước đã trở thành cổ đông lớn thứ 2 của VNE (sau Khải Toàn) với tỷ lệ sở hữu 12,48%.
Như chúng tôi đã từng đề cập, một trong 2 nhà đầu tư mua lại cổ phiếu VNE từ SCIC là CTCP Khải Toàn (Tập đoàn KTG) – một doanh nghiệp chuyên kinh doanh thiết bị điện và thiết bị chiếu sáng.
Ông Đặng Trọng Ngôn – Tổng giám đốc của KTG cho biết, quyết định đầu tư vào Tổng CTCP Xây dựng điện Việt Nam (VNE) phần lớn đến từ chiến lược phát triển dài hạn và tầm nhìn của công ty trong ngành thiết bị điện và bất động sản tại thị trường Việt Nam cũng như khu vực ASEAN.
Tổng CTCP xây dựng điện Việt Nam có thể nói là doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam về Xây lắp các công trình hệ thống lưới điện và trạm biến áp điện đến 500kV. Bên cạnh đó Tổng công ty cũng đầu tư vào nhiều dự án khách sạn lớn cũng như bất động sản tại các vị trí đắc địa tại các tỉnh thành đang phát triển mạnh về du lịch.
“Đây là các ngành nghề kinh doanh hoàn toàn đồng điệu, có giá trị tương hỗ với chiến lược của KTG và nằm trong chuỗi giá trị để 2 doanh nghiệp có những bước tăng trưởng vượt bậc trong tương lai.” – KTG nhận định.
Đánh giá về VNE, ông Ngôn cho rằng mức giá 13.500 đồng so với các chỉ số hiện tại như EPS 1.430đ, P/E 9,42 và giá trị sổ sách /cp khoảng 12.300 đồng là một mức giá rất tốt để đầu tư cho một tổng công ty đứng đầu ngành tại Việt Nam.
“Hơn nữa, thị trường ngành điện tại Việt Nam hiện đang tăng trưởng hấp dẫn và còn rất nhiều tiềm năng.”
Còn nhớ, ngay từ giữa tháng 7/2014 – một thời gian khá dài trước khi SCIC thông báo thoái vốn khỏi VNE, theo xu hướng tăng giá của cổ phiếu những doanh nghiệp trong danh sách SCIC thoái vốn, giá cổ phiếu VNE đã đi lên không ngừng từ mức giá dưới 6.000 đồng lên 14.000 đồng ở hiện tại – khá sát mức giá bán cho KTG vào tháng 3/2015. Và chỉ 1 tuần sau thông báo bán 18,9 triệu cổ phiếu VNE thì SCIC đã bán hết.
Theo KTG, cổ phiếu tăng giá là việc của thị trường, còn việc đàm phán mua lại khoản đầu tư VNE hoàn toàn thực thiện theo quy trình đấu thầu của SCIC và mức giá đã được các công ty tư vấn cũng như SCIC đưa ra theo các văn bản luật pháp quy định. Chia sẻ với chúng tôi, đại diện KTG cho biết họ đã mất khá nhiều thời gian để phân tích, đánh giá và đi đến quyết định cuối cùng.
Ông Ngôn nhắc lại, chiến lược của KTG là đầu tư vào các công ty sản xuất và xây lắp điện để đảm bảo chuỗi giá trị cũng như đa dạng hóa các sản phẩm trong ngành.
Ngoài nhà máy sản xuất các sản phẩm về thiết bị điện và chiếu sáng tại Đồng Nai, KTG là sáng lập viên và nhà đầu tư vào các công ty như Nhựa Tiền Phong phía Nam, Công ty Dây & Phích cắm Trần Phú, Công ty Hệ thống Công Nghiệp LS Vina. Như vậy, việc đầu tư vào VNE nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng các nhóm sản phẩm trong ngành điện. Và có thể thấy, tất cả các doanh nghiệp này đều nằm trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm trong ngành điện.
Còn Bảo Phước, theo thông tin của chúng tôi, công ty có hoạt động kinh doanh chủ yếu là phân phối các sản phẩm thiết bị điện mang thương hiệu của AC (Anh), Comet (Thái Lan) - các mặt hàng mà Khải Toàn cũng đang phân phối. Bên cạnh đó, Bảo Phước còn là Chủ đầu tư các Dự Án về resort, khách sạn tại Việt Nam mà tiêu biểu là Dự Án Fusion Suites Đà Nẵng.
Chưa biết Bảo Phước và Khải Toàn có mối quan hệ với nhau hay không, nhưng việc có 2 doanh nghiệp đều hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị điện và bất động sản mua toàn bộ 18,9 triệu cổ phiếu VNE từ SCIC (tức tổng tỷ lệ sở hữu tại VNE gần 30%) khiến cho nhà đầu tư có thể "mường tượng" ra một bức tranh mới của VNE trong thời gian tới.
Vừa qua, VNE thông báo đã xin gia hạn họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 sang tháng 5/2015. Liệu ĐHCĐ lần này sẽ có sự thay đổi trong Hội đồng quản trị của công ty hay không? Có sự thay đổi nào trong định hướng phát triển và các kế hoạch kinh doanh của công ty hay không? Và cổ phiếu VNE liệu có cơ hội tăng giá như giai đoạn trước hay không? Thị trường đang chờ đợi.
>> Khải Toàn - doanh nghiệp kín tiếng đứng sau thương vụ mua lại VNECO
Bảo Ngọc
Trí Thức Trẻ