Đánh cược vào đáy 570 điểm?
Trọn 5 phiên VN-Index tăng điểm liên tục vẫn chưa khiến các chuyên gia yên tâm hoàn toàn trước cơ hội tạo đáy của thị trường...
Trọn 5 phiên VN-Index tăng điểm liên tục vẫn chưa khiến các chuyên gia yên tâm hoàn toàn trước cơ hội tạo đáy của thị trường.
Đánh giá về cơ hội cho VN-Index thực sự tạo đáy quanh ngưỡng 570 điểm, các yếu định lượng vẫn đang chỉ ra sự thiếu chắc chắn: thanh khoản chưa tăng đủ tốt, sức mua không thật sự mạnh dù mặt bằng giá đã thấp hơn trước đó.. Tuy nhiên các yếu tố định tính lại tạo kỳ vọng lớn hơn, chẳng hạn dấu hiệu vĩ mô đang dần tích cực, triển vọng kết quả kinh doanh tốt quý cuối năm…
Hoạt động giao dịch của các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn thể hiện mức độ chấp nhận rủi ro cao hơn. 4/5 người thực hiện mua vào và duy trì mức tỷ trọng cổ phiếu cao, hoặc sẵn sàng mua thêm nếu các tín hiệu xác nhận xuất hiện trong tuần tới. Việc chấp nhận đánh cược vào khả năng tạo đáy của thị trường đã được thực hiện ngay cả khi yếu tố phân tích vẫn chỉ ra các yếu tố thiếu chắc chắn.
Một chút may mắn trong phiên cuối tuần cũng đủ giúp VNIndex tăng sang phiên thứ 5. Trọn một tuần tăng điểm với thanh khoản giảm nhẹ, anh chị đánh giá cơ hội thị trường tạo đáy như thế nào?
Tôi chưa nhìn thấy những dấu hiệu đặc trưng của một vùng đáy, mặc dù đồng ý rằng rủi ro hiện tại đã giảm đi đáng kể so với các tuần trước đó.
Cơ hội để nói đến lúc này chỉ ở một vài cuộc chơi riêng lẻ, mà trong đó nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu vận tải – vốn được kỳ vọng là hưởng lợi nhiều từ diễn biến giá dầu giảm.
Thị trường tạo đáy ở mốc 565 điểm và hồi phục trở lại quanh mốc 580 điểm đầy “Nghi ngờ”. Dòng tiền phân mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và một số cổ phiếu cơ bản tốt có kết quả kinh doanh ấn tượng.
Tuy nhiên, thị trường hồi phục với thanh khoản có thể nói là trung bình chứ chưa có những phiên giao dịch đột biến. Dù sao đi nữa thịu trường tạo đáy thành công và đang khởi đầu cho 1 con sóng tăng điểm khá ít nhất là từ nay cho đến hết năm.
Thị trường có 2 nhịp nhúng dưới 570 điểm để kiểm định đáy và từ từ đi lên với thanh khoản giảm nhẹ. Thông thường, sau giai đoạn giảm mạnh và nhanh thị trường cần có từ 2-3 tuần đi ngang hoặc nhích dần lên cùng với việc xoay vần cổ phiếu để củng cố cho xu thế mới được hình thành.
Thanh khoản chưa tăng lại mức lý tưởng không phải là dấu hiệu đáng lo ngại cảnh báo việc điều chỉnh sắp đến gần trong giai đoạn này. Theo tôi nhà đầu tư nên bình tĩnh nhìn nhận các dấu hiệu vĩ mô đang được chuyển biến tích cực trước khi quyết định việc mua bán cho danh mục của mình.
Tuần vừa qua giới đầu tư tích lũy cổ phiếu khá chủ động nên VNINDEX phục hồi được 2/3 số điểm đã mất ở tuần trước và số lượng cổ phiếu tăng giá chiếm ưu thế trở lại.
Tuy nhiên tôi cảm nhận thấy sức mua không mạnh như nhịp hồi cuối tháng 10 đầu tháng 11, mặc dù giá cổ phiếu nhìn chung đang hấp dẫn hơn lúc đó. Tín hiệu này báo hiệu khả năng bên bán sẽ chiếm ưu thế trở lại trong tuần giao dịch tới và thị trường có thể kiểm tra lại độ vững của tâm lý ở vùng 570 +/-10 điểm.
Thị trường đã có những dấu hiệu của đáy, ví dụ cổ phiếu phân hóa. Dù mức độ tin cậy của các tín hiệu này chưa cao, tôi đặt cược vào xu hướng và dự đoán thị trường sẽ tạo đáy ở vùng 570 điểm.
Rủi ro điều chỉnh và xuyên thủng vùng đáy cũ quanh 565 điểm của VN-Index đã được giảm bớt đáng kể sau những nỗ lực hồi phục khá tích cực của chỉ số trong tuần qua.
Mặc dù vậy, tôi vẫn cần quan sát thêm diễn biến của thị trường trong những nhịp điều chỉnh vào tuần tới để có thể đánh giá với độ tin cậy cao hơn về khả năng tạo đáy của thị trường.
Nhìn chung về mặt cơ bản, trong bối cảnh các thông tin vĩ mô đang tiếp tục được cải thiện cùng với những tín hiệu hồi phục ngày một rõ nét, còn các doanh nghiệp cũng đang cho thấy những chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thì cá nhân tôi vẫn kỳ vọng vào kịch bản thị trường sẽ sớm tạo đáy và quay lại xu hướng tăng điểm ngắn hạn.
Hai nhóm cổ phiếu biến động mạnh tuần này là dầu khí và ngân hàng. Các cổ phiếu dầu khí dừng giảm và cổ phiếu ngân hàng đột ngột tăng mạnh đã tạo nên những chuyển biến tích cực chung. Liệu thị trường có thể trông cậy vào hai nhóm cổ phiếu này hay không?
Nhóm dầu khí đã tăng giá quá mạnh và sau đó là sự điều chỉnh khoảng 30% từ đỉnh. Vì vậy, việc cân bằng và tăng nhẹ trở lại là hoàn toàn dễ hiểu.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đột ngột tăng mạnh do lực mua ròng lớn trở lại của khối ngoại vào nhóm này và xuất hiện nhiều thông tin đến mua bán sáp nhập của các cổ phiếu nhóm này trên thị trường.
Thị trường hiện tại chưa có nhóm cổ phiếu nào thu hút được dòng tiền như các cổ phiếu dầu khí trong giai đoạn quý III và nửa đầu quý IV vừa qua. Vì vậy, chúng ta cần quan sát kỹ sự chuyển động của 2 nhóm cổ phiếu dầu khí và ngân hàng và sự xoay chuyển sang các nhóm cổ phiếu khác có thể xảy ra để xác nhận tín hiệu tích cực có thể từ thị trường.
Chắc chắn là không theo quan điểm cá nhân tôi.
Dòng cổ phiếu dầu khí chắc chắn chỉ là hồi phục tạm thời và sẽ điều chỉnh dần chứ không thể tạo sóng như giai đoạn trước. Nếu chúng ta theo dõi lịch sử diễn biến của các siêu cổ phiếu tăng mạnh rồi điều chỉnh trong quá khứ và nhất là giá dầu hiện nay đang biến động mạnh sẽ tác động đến tâm lý mua vào của nhà đầu tư đến các cổ phiếu dầu khí, chưa nói đến việc các tổ chức đang có xu hướng bán ra các cổ phiếu này.
Còn cổ phiếu ngân hàng thì với lượng cổ phiếu trôi nổi quá lớn trên thị trường kèm theo việc hiếm khi có thể tăng điểm kéo dài nên việc 2 nhóm cổ phiếu này biến động giá tốt tuần qua chỉ có thể phát đi tín hiệu thị trường hồi phục và báo hiệu chân “sóng” kéo dài vài tuần. Giai đoạn sau của quá trình tăng điểm của thị trường chắc sẽ có các cái tên như nhóm cổ phiếu dẫn dắt kiểu như SSI và những cổ phiếu mid cap cơ bản như TCM, PVT…
Đối với các cổ phiếu dầu khí, tôi cho rằng tuần tăng điểm vừa qua của nhóm này dưới góc độ kỹ thuật dường như chỉ mang tính hồi phục kỹ thuật sau một nhịp lao dốc mạnh.
Mặt khác, việc giá dầu vẫn đang duy trì xu hướng giảm trong cả ngắn và trung hạn thì việc các cổ phiếu dầu khí sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng và quay lại xu hướng giảm điểm trong tuần tới đang được đánh giá cao hơn.
Về nhóm cổ phiếu ngân hàng, diễn biến hồi phục trong tuần qua khá ấn tượng với một số thông tin hỗ trợ, cũng như động thái mua ròng khá quyết liệt của khối ngoại.
Mặc dù vậy, về bức tranh hoạt động chung của cả ngành thì tôi chưa nhận thấy những lý do đủ thuyết phục cho một chu kỳ tăng trưởng kéo dài. Hai vấn đề chính của hệ thống ngân hàng là nợ xấu và sở hữu chéo mặc dù đã được xác định là tâm điểm phải xử lý trong thời gian tới nhưng thị trường vẫn cần thêm thời gian để đánh giá được hết mức độ tác động khi Thông tư 09 được áp dụng đầy đủ vào 01/04/2015 (nợ xấu) và vừa được ban hành gần đây là Thông tư 36 chính thức có hiệu lực từ 01/02/2015 (sở hữu chéo).
Tuần vừa qua vẫn có những cổ phiếu dầu khí giao dịch tiêu cực là PVD và PXS nên tôi nghĩ sức ép giảm của nhóm này lên điểm số vẫn lớn. Cổ phiếu ngân hàng mới chỉ ở trạng thái khởi động, chúng tôi chưa nhận thấy tiền gia tăng đều ở nhóm này, ngoại trừ EIB và VCB. Vì vậy còn quá sớm để kỳ vọng cả nhóm sẽ tích cực.
Dầu khí vẫn đang trượt dài theo kênh giá giảm và chưa có dấu hiệu dừng lại, các trường hợp tệ nhất là PVD và PXS – những điểm sáng nhất trong trend tăng trước đó của dòng cổ phiếu này.
Với diễn biến gần nhất trên thị trường dầu khí thế giới, sự kỳ vọng của nhóm này đã bị đẩy xuống mức rất thấp và trái ngược hoàn toàn với trạng thái cách đây vài tháng.
Nhóm ngân hàng thì vẫn cần theo dõi thêm, EIB tăng theo chu kỳ hàng năm (cổ phiếu này thường tăng vào giai đoạn giao thoa giữa 2 năm dương lịch); chỉ có VCB là vẫn đang trong xu thế tăng giá trung hạn, các cổ phiếu ngân hàng còn lại biến động chưa thật sự thuyết phục.
Dù sao thì, ngắn hạn nhóm này vẫn có thể duy trì một vài diễn biến tích cực, trường hợp CTG, SHB có thể tạo ra một vài bất ngờ trong tuần tới.
Trong vòng 2 tuần tới, thị trường sẽ xuất hiện những hoạt động tái cân bằng danh mục của các quỹ ETF và trùng vào thời điểm chốt NAV của các tổ chức. Theo anh chị những sự kiện này có tạo được cơ hội ngắn hạn?
Tôi tin là sẽ có những cơ hội ngắn hạn. Hiện tại tâm lý của giới đầu tư đang khá cân bằng, thậm chí sự lạc quan có phần nhỉnh hơn. Dòng tiền trong thị trường vẫn giữ ổn định, bằng chứng là mặt bằng thanh khoản sàn Tp. HCM vẫn giữ ở 2,000 tỷ đồng/ phiên.
Với 2 điều kiện này, những cổ phiếu có câu chuyện để kể vẫn sẽ hút tiền và nổi trội. Vì vậy, nên giữ cái nhìn độc lập với điểm số để không bở lỡ những cơ hội mười mươi.
Theo như quan sát một số kỳ cơ cấu danh mục gần đây của các quỹ ETF, cơ hội là không nhiều, phải có nhiều kinh nghiệm mới có được những mức lợi nhuận cũng không phải quá lớn ở những “game” này.
Hoạt động tái cấu trúc của các quỹ ETF vào cuối năm không có nhiều điểm đặc biệt ngoại trừ việc bán ra nhiều hơn các mã cổ phiếu trụ cột và chỉ mua ròng chủ yếu tập trung ở SSI.
Theo tôi cơ hội trong ngắn hạn với các cổ phiếu dự kiến mua ròng mạnh của 02 quỹ ETF ngoại luôn luôn có nhưng tôi không kỳ vọng nhiều vào sự biến động này vào quý cuối cùng của năm.
Tôi cho rằng là có, những cổ phiếu liên quan đến danh mục mua vào hoặc được cơ cấu sẽ có biến động mạnh trùng với diễn biến thị trường đang hồi phục. Như vậy chỉ số VN-Index ít nhất cũng có cơ hội tăng lên tiếp chạm quanh mốc 595 – 600 điểm. Đây chính là cơ hội cho thị trường trong ngắn hạn.
Cũng giống như những lần trước, kỳ review của 2 quỹ ETFs và hoạt động đẩy giá các cổ phiếu bluechips để chốt NAV của các quỹ sẽ có tác động nhất định và mang tính phân hóa đến các cổ phiếu liên quan.
Tuy nhiên tôi cho rằng nhà đầu tư đã có khá nhiều kinh nghiệm và yếu tố này thực ra đã được dự đoán và phản ánh dần vào giá từ khoảng một tuần trở lại đây. Những tác động còn lại sẽ không mang tính đột biến và nếu xét đến xu hướng chung của các chỉ số thì mang tính 2 chiều, có cổ phiếu bị bán ra thì cũng có các cổ phiếu khác tương ứng được mua vào và ngược lại.
Tuần này anh chị thực hiện giao dịch như thế nào? Mức phân bổ vốn hiện tại là bao nhiêu?
Theo tôi tỷ lệ phân bổ ngắn hạn dừng lại ở mức 70% danh mục tối đa là cổ phiếu. Tỷ lệ phân bổ danh mục trung và dài hạn vẫn nên ở mức 80%, tập trung chủ yếu vào nhóm ngành hưởng lợi từ việc ký kết hiệp định TPP và FTA trong thời gian sắp tới. Các cổ phiếu đã hoàn thành kế hoạch năm cũng nên xem xét mua lại ở các mức giá hấp dẫn.
Tôi đã dự báo đáy VN-Index ở quanh ngưỡng 565 điểm và đã thực hiện giải ngân thêm vào thị trường ở tuần qua. Tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt đã tăng mạnh vào tuần qua ở các cổ phiếu cơ bản. Tỷ lệ này hiện tại là 90%/10%. Chủ yếu cổ phiếu được giải ngân là nhóm cổ phiếu mip cap cơ bản chứ tôi chưa giải ngân vào những cổ phiếu đầu cơ.
Tuần vừa rồi tôi tăng tỷ lệ cổ phiếu lên 110% vốn đầu tư (dù đầu tuần tôi dự định chỉ giữ tỷ lệ ở 60%). Hành động này xuất phát từ cảm xúc tham lam do phát hiện một số cơ hội lướt sóng ngắn. Cảm nhận tuần tới sẽ bất lợi nếu giữ tỷ lệ cổ phiếu cao nên tôi sẽ giảm tỷ lệ xuống ở đầu tuần, có thể là đưa về 60%.
Nhận thấy một số cơ hội, nhưng tôi vẫn chưa muốn tham gia thị trường vào giai đoạn này và tiếp tục giữ 100% tiền.
Tôi tiếp tục giải ngân thêm 20% cổ phiếu cho phần danh mục ngắn hạn trong những phiên đầu tuần này khi nhận thấy đà hồi phục của các chỉ số có dấu hiệu mạnh dần lên, qua đó đưa tỷ trọng phần danh mục ngắn hạn lên 40%.
Tuy nhiên, khi các chỉ số tiếp tục tăng điểm và tiếp cận các vùng kháng cự ngắn hạn trong 2 phiên cuối tuần, tôi đã thực hiện bán chốt lời phần danh mục cổ phiếu vừa giải ngân này.
Như vậy, tỷ trọng tổng danh mục hiện tại của tôi vẫn giữ nguyên so với tuần trước ở mức 50% cổ phiếu (gồm 30% phần danh mục trung hạn và 20% phần danh mục ngắn hạn).
Tôi dự định sẽ thực hiện giải ngân trở lại để tăng tỷ trọng phần danh mục ngắn hạn lên trong những nhịp điều chỉnh của thị trường trong tuần tới nếu các chỉ số giữ được các vùng điểm hỗ trợ quan trọng trong hệ thống riêng của mình.
Theo Nguyễn Hoàng