MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu cơ chìm

Đầu cơ chìm là xu hướng đầu cơ vào những CP có nền tảng cơ bản tốt. Về lý mà nói, nhóm CP này tăng bởi có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, thị phần lớn, thương hiệu mạnh… Nhưng nhìn vào giao dịch theo từng phiên và những chuyển động xung quanh sẽ thấy khá rõ hiện tượng đầu cơ.

Hàng cơ bản

Tháng 10 và 11 là giai đoạn thông tin SCIC thoái vốn tại một loạt công ty niêm yết lớn như Vinamilk (VNM), FPT, Nhựa Bình Minh (BMP)… và phần lớn CP trong nhóm này đã bùng nổ cả về giá lẫn thanh khoản. Một số NĐT mua vào nghĩ rằng đây là những CP hàng đầu, NĐTNN sẽ thích và mua với giá cao, nên mua trước để chờ thời. Từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11, nghĩa là chỉ sau hơn 1 tháng, VNM đã tăng với tỷ lệ 40% từ 100.000 đồng/CP lên 140.000 đồng/CP. Nhưng 1 tháng sau đó là những đợt điều chỉnh rất mạnh, một số phiên NĐTNN cũng xả hàng khiến CP này có những lúc chạm ngưỡng 120.000 đồng/CP trước khi ổn định trở lại quanh vùng 125.000 đồng/CP trong những ngày qua.

Giải ngân vào những CP có hiện tượng đầu cơ chìm có thể rất an toàn, lợi nhuận cũng rất cao, nếu trật sóng cũng không quá khó để thoát ra ngoài. Nhưng trong thực tế, NĐT rất dễ bị yếu tố cơ bản chi phối để rồi nắm giữ và sa lầy bởi trót sử dụng margin với tỷ lệ quá lớn.

Ở đây cần tách bạch 2 vấn đề: VNM là CP tốt, nếu không muốn nói là tốt nhất thị trường, điều này thuộc về nỗ lực của doanh nghiệp, còn chuyện CP này bị đầu cơ lại thuộc về thị trường. Cũng trong giai đoạn VNM tăng từ 10.0 lên 14.0 đã râm ran thông tin về việc một vài CTCK sẵn sàng cho margin CP này “tẹc ga” lên mức 3:7 (có 3 đồng được vay thêm 7 đồng).

Ngoài VNM còn có cả FPT và một số CP khác tùy theo chính sách của CTCK. Với tỷ lệ margin như vậy, thường NĐT sẽ phải đánh ngắn và CTCK cũng khó mà cho vay dài. Nếu số lượng CTCK và NĐT hưởng ứng đông đảo, việc CP bị đầu cơ là tất yếu. Về mặt bản chất, đầu cơ thường nhắm đến những hàng hóa có khả năng sinh lời cao trong ngắn hạn, biến động mạnh, thanh khoản lớn.

Tuy nhiên, với những CP kiểu như VNM, FPT, BMP… đầu cơ có thể núp bóng dưới danh nghĩa mua hàng cơ bản, rủi ro thấp, và cũng với suy nghĩ như vậy NĐT lại càng trở nên “máu” hơn. Xét về tỷ lệ, VNM giảm từ 14.0 xuống 12.0 chỉ tương đương 14%, một tỷ lệ giảm giá không quá lớn, thậm chí quá nhỏ so với việc mất giá những CP đầu cơ kinh điển năm nào như VHG, PVA, PVX, MCG… Nhưng việc đầu cơ với tâm lý yên tâm mà không chuẩn bị sẵn sàng cho những đợt điều chỉnh, cộng với tỷ lệ margin lớn rõ ràng khiến các NĐT bị sốc, khiến một số phiên giao dịch VNM đã bị bán không thương tiếc dù sức mua rất ổn định.

Dễ sa lầy

Nhưng đối với những CP thuộc nhóm mid cap hay penny, điều này lại không đáng lo ngại. Trong vòng 1 năm qua, từ mức 8.0, NCT (CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài) đã tăng gần gấp đôi lên hơn 15.0. Vốn điều lệ của NCT chỉ hơn 261 tỷ đồng, tương đương khoảng 26,1 triệu CP, thanh khoản của CP này cũng chỉ từ vài ngàn đến vài chục ngàn CP mỗi phiên.

Nghĩa là NĐT chỉ cần mua vài ngàn CP cũng có thể khiến giá CP tăng và nhiều người có hành động tương tự sẽ khiến giá tăng mạnh. Không có gì chắc chắn những người mua NCT - CP có EPS khoảng 12.000 đồng/CP - vào loại cao nhất thị trường, đều là đầu tư, cũng có thể có những dòng tiền thấy CP có khả năng tăng nên mua vào.

Một CP cơ bản cũng khá nổi trong thời gian qua là DQC (Điện Quang), CP này mất hơn 2 tháng (từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 11) để tăng từ 5.5 lên 7.1, nhưng chỉ cần hơn 1 tháng để về lại 5.5. Thực tế không ai phủ nhận DQC là một thương hiệu lớn, công ty cũng có hoạt động kinh doanh ổn định, nhưng CP này lại thu hút khá nhiều dòng tiền, cả ngắn lẫn dài hạn.

Nhìn vào biến động tăng-giảm rất mạnh của DQC, nếu CP này có dòng tiền đầu cơ tham gia cũng không có gì lạ. Trường hợp của CAV (Cadivi) cũng khá giống với DQC, sau khi tăng từ 3.5 lên 4.5 từ tháng 9 đến tháng 10 khá ngọt, những đợt “leo núi” tiếp theo của CAV lại rất sốc và chỉ trong khoảng chục phiên gần đây, khi chạm đến đỉnh 5.5 CAV lại rớt mạnh xuống 4.9.

Nói không quá, đầu cơ chìm chính là đỉnh cao của hoạt động đầu cơ. Nói vậy bởi nó có sự mập mờ (yếu tố tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt cho đầu cơ) giữa việc đầu tư và đầu cơ, vì bản chất là CP tốt (phù hợp với đầu tư dài hạn) nhưng cách đánh lại ngắn.

Nhưng cũng bởi vì có cơ bản tốt, nên dòng tiền ngắn này vừa rút ra lại vẫn có những dòng tiền khác tiếp ứng nếu giá còn rẻ. Chính yếu tố cơ bản cũng giúp cho sóng của những CP có hiện tượng đầu cơ chìm thường dài hơi hơn và vì vậy lại càng thu hút các dòng tiền sau này đổ vào. Nhưng đến đây, đẳng cấp trong đầu cơ chìm lại được phân chia rõ rệt. Nếu CP nào có chất lượng thực sự, tin tốt vẫn ra đều đặn thì dù giá CP không còn rẻ vẫn có thể tăng, dù tốc độ có thể chậm lại và NĐT nào muốn thoát ra vẫn an toàn. Còn với những CP sức chỉ có hạn, sau một đợt tăng dài sẽ là chuỗi ngày điều chỉnh mạnh, sau đó chững lại và “ngủ đông” dài không kém, CP cũng hết vị.

Theo Ngọc Trúc

Sài Gòn Đầu tư Tài chính

Trở lên trên