Đấu giá cổ phần vẫn có cửa sống tốt
Hóa chất Cơ bản Miền Nam "hút" được 389 nhà đầu tư tham gia đấu giá trong đó có 3 nhà đầu tư tổ chức trong nước và 3 tổ chức nước ngoài.
Chỉ trong ngày cuối tuần, HoSE và HNX đều công bố 2 kết quả bán đấu giá cổ phần của 2 doanh nghiệp. Đáng chú ý là sự thành công vượt trội của bán đấu giá khác hoàn toàn với thảm cảnh èo uột của thị trường niêm yết trong cùng thời điểm.
Nhiều công ty thành công trong công cuộc bán đấu giá
Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn bán đấu giá 4,04 triệu cổ phần bán đấu giá cổ phần hóa. Dự kiến vốn điều lệ sau cổ phần hóa là 404 tỷ đồng. Kết quả bán đấu giá cuối cùng ra sao chưa có kết quả cuối. Tuy nhiên, có đến 100 nhà đầu tư đăng ký mua trong đó có 4 tổ chức và 96 cá nhân. Tổng khối lượng cổ phần đăng ký mua lên tới 9.053.188 CP trong đó tổ chức đăng ký tới 6,3 triệu cổ phiếu và cá nhân 2,75 triệu cổ phiếu. Thời gian tổ chức đấu giá sẽ là thứ 5 tuần sau, ngày 12/09/2013.
Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSX) thông báo về thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần của Công ty TNHH MTV Hóa chất Cơ bản Miền Nam. 389 nhà đầu tư tham gia đấu giá trong đó có 3 nhà đầu tư tổ chức trong nước và 3 tổ chức nước ngoài. Tổng khối lượng cổ phần đăng ký đạt 27.078.900 CP trong đó tổ chức trong nước đạt 7 triệu cổ phiếu và tổ chức nước ngoài đạt 12 triệu CP. Dù bán với giá khởi điểm 10.500 đồng/CP nhưng số lượng đăng ký mua gấp đôi lượng đăng ký bán đấu giá.
Quan trọng vẫn là chất lượng “hàng hóa”
Trong khi thị trường niêm yết giảm giá nặng nề. Sự thành công của 2 đợt bán đấu giá cổ phần trên cho thấy dòng tiền vẫn tìm bến đỗ an toàn.
Như tại Hóa chất Cơ bản Miền Nam, bản cáo bạch bán đấu giá cổ phần cho thấy kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của công ty giai đoạn 3 năm trước khi cổ phần hóa luôn bảo toàn và phát triển vốn nhà nước giao với lợi nhuận sau thuế lần lượt là 40, 40, 60 tỷ đồng cho các năm 2010, 2011, 2012. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu lần lượt là 13,91%; 12,44% và 19,13%.
Về triển vọng ngành, bản cáo bạch cùng những nghiên cứu cho thấy ngành có nhiều triển vọng trong những năm tới và phù hợp với định hướng phát triển của Nhà nước. Trong định hướng của Nhà nước về chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2010 tầm nhìn 2020 cũng có nhiều định hướng phát triển sản phẩm hóa chất cơ bản.
Còn Cảng Quy Nhơn, dù bán với giá khởi điểm 12.000 đồng/CP nhưng lượng người đặt mua vẫn “nườm nượp”. Nhìn lại hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tại cảng như Đình Vũ (DVP), Viconship (VSC), Đoạn Xá (DXP)…cho thấy: ngành dịch vụ cảng vẫn là miếng ăn béo bở. Bản cáo bạch của Cảng Quy Nhơn cho biết, trong nhiều năm liền, đơn vị luôn là cảng dẫn đầu khu vực Miền Trung và đứng thứ 3 toàn quốc về sản lượng hàng hóa thông qua, xác lập và giữ vai trò là cảng biển quan trọng của tuyến hành lang kinh tế đông-tây, là cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng của khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Lãi 2010, 2011, 2012 của Cảng Quy Nhơn đạt lần lượt là 12, 14 và hơn 15 tỷ đồng. Kế hoạch lãi 5 năm tiếp theo lần lượt là 29, 41, 65, 78 và 91 tỷ đồng. Công ty hiện đang tạo công ăn việc làm cho 825 lao động.
Vậy là, dù kinh tế khó khăn và dòng tiền có vẻ đang “chê” niêm yết thì vẫn nhiều doanh nghiệp tốt vẫn hút được dòng tiền từ đấu giá cổ phần lần đầu nhằm cổ phần hóa. Tiền có vẻ như không thiếu, điều quan trọng là rót vào đâu.
Thanh Hiên