Đây là "mánh" ngân hàng có thể lách quy định giới hạn tiền đổ vào chứng khoán
Thông tư 36/2014 của NHNN đã siết khá mạnh nguồn vốn từ các NH đổ vào thị trường chứng khoán. Nhưng đây có thể là cách Ngân hàng và công ty chứng khoán cùng phối hợp, đi 1 đường vòng để bơm tiền vào chứng khoán mà không bị "thổi còi". Họ làm thế nào?
Nghị quyết HĐQT thông qua phương án phát hành trái phiếu Đợt 1 năm 2016 của Công ty chứng khoán S. cho hay, công ty chứng khoán này sẽ phát hành tối đa 300 trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu để huy động tối đa 300 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 2 năm theo hình thức phát hành riêng lẻ thông qua đại lý phát hành, trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Mục đích phát hành là để bổ sung nguồn vốn cho vay ký quỹ chứng khoán.
Người mua, theo điều khoản phát hành trái phiếu của công ty Chứng khoán S, có thể dùng trái phiếu làm tài sản đảm bảo để vay vốn tại ngân hàng S.
Mấu chốt ở chỗ này. Công ty chứng khoán S với ngân hàng S là cùng 1 chủ. Ngân hàng “đứng sau” với tỷ lệ sở hữu gần 5%. Chủ tịch HĐQT của công ty chứng khoán S. cũng là của ngân hàng S.
Nếu người mua trái phiếu "cùng một nhà" với ngân hàng, thì điều đó có nghĩa tiền ngân hàng đã thông qua người mua trái phiếu để đổ vào công ty chứng khoán thực hiện việc cho vay ký quỹ chứng khoán dưới hình thức mua trái phiếu.
Đây không phải lần đầu tiên Chứng khoán S. phát hành trái phiếu. Trong năm 2015, Chứng khoán S. đã 2 lần huy động vốn trái phiếu. Tại thời điểm cuối năm 2015, Chứng khoán S. vẫn đang theo dõi khoản vay nợ dài hạn là Trái phiếu S...-BOND với số tiền 580 tỷ đồng.
Huy động vốn trái phiếu không phải chỉ Công ty Chứng khoán S. làm. Cuối năm 2015, dư nợ trái phiếu tại 1 công ty Chứng khoán V là 472 tỷ đồng; tại công ty chứng khoán hàng đầu khác là 687,5 tỷ đồng…
Một trào lưu phát hành trái phiếu của các công ty chứng khoán xuất hiện vào cuối 2014, đầu 2015. Tiền ngân hàng liệu có đến công ty chứng khoán thông qua con đường vòng này không?
Trí Thức Trẻ