MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Chứng khoán BSC: Quý 1 ước tính lãi 8 tỷ, dư nợ cho vay ký quỹ trên 600 tỷ

Năm 2015, BSC đặt mục tiêu bù đắp lỗ lũy kế với doanh thu kế hoạch là 299,7 tỷ đồng và lợi nhuận 98,1 tỷ đồng – tăng 30% so với năm 2014.

Ngày 11/04/2015, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2015.

Năm 2014, BSC đã đạt kết quả kinh doanh vượt mức kế hoạch năm. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 75,3 tỷ đồng – tăng gần 4 lần so với năm 2013 và gần bằng 3 lần kế hoạch. Thị phần môi giới của BSC có năm tăng trưởng thứ 3 liên tục từ năm 2012. Thị phần môi giới cổ phiếu bình quân năm 2014 là 3,5% - tăng 13% so với năm 2013 và vượt 17% so với kế hoạch.

Kết quả này đã đưa BSC vào top 10 Công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất. Bên cạnh đó, BSC cũng đứng đầu top 10 thị phần môi giới trái phiếu.

Hoạt động nổi bật của CTCK này trong năm 2014 chính là hoạt động tư vấn tài chính với doanh thu 91,7 tỷ đồng – tăng 3,3 lần so với năm 2013. Năm qua, công ty đã thực hiện tư vấn IPO Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Vietnam Airlines, tư vấn phát hành trái phiếu cho Vinacomin, Hùng Vương…

Năm 2015, BSC đặt mục tiêu bù đắp lỗ lũy kế với doanh thu kế hoạch là 299,7 tỷ đồng và lợi nhuận 98,1 tỷ đồng – tăng 30% so với năm 2014.

Như chúng tôi đã đưa tin trước đó, theo kiến nghị của cổ đông lớn là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), BSC đã bổ sung nội dung tăng vốn điều lệ. Theo đó, BSC đề xuất tăng vốn điều lệ từ mức 865 tỷ đồng hiện tại lên mức tối thiểu 1.500 tỷ đồng. Tùy theo sự quan tâm của nhà đầu tư, BSC có thể xem xét tăng vốn lên mức 2.000 tỷ đồng nếu thuận lợi.

Lộ trình tăng vốn cụ thể như sau:

- Năm 2015: Phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư tài chính tăng vốn điều lệ lên tối đa 1.000 tỷ đồng. Như vậy trong năm nay công ty dự kiến phát hành 13,5 triệu cổ phiếu. Giá phát hành không dưới mệnh giá. Cổ phiếu dự kiến phát hành trong quý 2/2015.

- Năm 2016: Phát hành riêng lẻ đợt 1 cho nhà đầu tư chiến lược từ 20 - 22 triệu cổ phiếu, tương đương 16,7 - 18% vốn điều lệ sau phát hành.

- Năm 2017: Phát hành riêng lẻ đợt 2 khoảng 30 triệu cổ phiếu, tương đương 19,7 - 20% vốn điều lệ sau phát hành.


10h, ĐHCĐ bước vào phần thảo luận:

1. Trong báo cáo thù lao của HĐQT có vấn đề là họp cũng được thù lao 2 triệu đồng. Thành viên HĐQT đã được cổ đông tin tưởng giao cho nhiệm vụ làm việc, việc họp là trách nhiệm. Cũng có nhiều cách họp như họp trực tuyến, đỡ được khoản tiền họp này đi.

Bà Trần Thị Thu Thanh – Phó TGĐ: Mức chi này đã duy trì 3 năm qua. Mức chi cho chủ tịch HĐQT có 5 triệu đồng/tháng, thành viên khác là 3 triệu. Những thành viên chuyên trách đang hoạt động cùng công ty thì hưởng chế độ lương thưởng phúc lợi như công ty và không nhận thù lao. Mức thù lao chỉ đối với thành viên k chuyên nhiệm.

Mức thù lao 2 triệu/cuộc họp tính ra chỉ 42 triệu đồng/năm. Đó là con số không lớn, chiếm tỷ lệ nhỏ trong chi phí của công ty. Chúng tôi họp không nhiều (4 lần/năm), và khi họp là họp những vấn đề rất quan trọng và phải nghiên cứu rất nhiều vấn đề.

Ông Đỗ Huy Hoài – Tổng Giám đốc: những phiên họp như vậy là theo thông lệ hiện nay và chi phí cũng không lớn. Mong cổ đông thông cảm.

2. Thị phần môi giới kế hoạch năm nay là 3,5% không cải thiện so với năm trước. Vậy có thể đặt một con số cao hơn hay không?

Ông Lê Quang Huy – Phó TGĐ: Báo cáo có nhấn mạnh đây là mục tiêu tối thiểu. Ngoài ra có mục tiêu đi kèm là nằm trong top 10 thị phần môi giới cổ phiếu. Trong khi đó, cạnh tranh trong top 10 đang ngày càng khốc liệt. Quý I vừa qua, các công ty có thị phần trên 4% mới lọt vào top 10. Như vậy, tỷ lệ này là dự kiến, còn mục tiêu chính của BSC là lọt vào top 10.

3. Trong Báo cáo KQKD 2014, tôi có băn khoăn về việc dự phòng giảm giá cổ phiếu chưa niêm yết tăng 151 tỷ mà lợi nhuận trước thuế của công ty là 75 tỷ, tức riêng dự phòng đã gấp đôi LNTT? Đầu tư 370 tỷ vào cp chưa niêm yết mà đã dự phòng mất 200 tỷ rồi, vậy năm 2015 có dự phòng thêm hay không? Trong khoản dự phòng này còn có dự phòng phải thu 12 tỷ nữa. Đó là khoản gì?

Ông Lê Quang Huy – Phó TGĐ: về dự phòng cổ phiếu OTC, công ty trích lập đúng chuẩn mực kế toán, Đây là những khoản đã tồn tại từ trước năm 2011, thời điểm đó BSC đã báo cáo ĐHCĐ về việc trích lập dự phòng.

Trong kế hoạch lợi nhuận 2015, luôn luôn có phần dự kiến dự phòng để đảm bảo an toàn cho hoạt động, không chỉ dự phòng cho cổ phiếu OTC mà cả danh mục cổ phiếu niêm yết.

Về khoản phải thu 12 tỷ, đó là khoản phải thu từ hoạt động cho vay ký quỹ, đó không phải khoản lớn so với dư nợ trên 600 tỷ đồng cho vay ký quỹ của BSC.

4. KQKD quý I năm nay bao nhiêu?

Ông Lê Quang Huy – Phó TGĐ: Lợi nhuận trước thuế ước tính khoảng 8 tỷ đồng.

Bảo Ngọc

Minh Trang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên