MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

DN niêm yết: Đi dở, ở không xong

Thị trường chứng khoán (TTCK) thời điểm này không dễ kiếm tiền như trước nên niêm yết không còn là mối quan tâm hàng đầu của DN.

Bỏ sàn và… bị sàn bỏ

Phiên 6-12, giá trị giao dịch (GTGD) tại HNX đạt khoảng 260 tỷ đồng, trong đó GTGD những cổ phiếu (CP) thuộc rổ chỉ số HNX30 đạt 150 tỷ đồng. Thời gian gần đây, 30 CP có giá trị vốn hóa lớn, thanh khoản cao nhất sàn HNX chiếm đến 2/3 GTGD tại HNX, còn lại là 350 CP khác. Thống kê trên cho thấy chỉ số ít DN niêm yết có thể tiếp cận với dòng tiền trên TTCK, trong khi nhiều DN khác gần như đứng ngoài cuộc.

Nếu bản thân DN không muốn niêm yết, nhưng vì một lý do nào đó vẫn ở lại sàn có thể dẫn đến rủi ro là các hoạt động như công bố thông tin, sổ sách kế toán chỉ mang tính chất đối phó và điều này làm tổn hại đến cổ đông. Vậy nên, cơ quan quản lý cần nâng cao các chuẩn mực về minh bạch, từ đó thanh lọc, tạo nên sự khác biệt giữa DN niêm yết và không niêm yết. Theo đó, chỉ DN có thực lực, có chiến lược nghiêm túc mới có thể trụ lại sàn.

Luật sư Trần Minh Hải,

Giám đốc Công ty Luật Basico

Cụ thể, năm 2010, KBT niêm yết 2,3 triệu CP tại HNX và từ đó đến nay CP này thường xuyên rơi vào trạng thái mất thanh khoản. Sau 3 năm niêm yết, vốn điều lệ của KBT tăng thêm vỏn vẹn 7 tỷ đồng và ngày 28-11 vừa qua công ty đã tự nguyện hủy niêm yết tại HNX.

Điểm lưu ý là KBT vẫn làm ăn có lãi, không vi phạm các quy định của cơ quan quản lý về minh bạch thông tin, tức vẫn còn đầy đủ điều kiện để ở lại sàn. Vậy tại sao công ty lại chọn cách ra đi?

Thuận lợi đối với KBT khi ở lại sàn là có thể phát hành CP với khối lượng lớn để tăng vốn điều lệ, mở rộng kinh doanh, nhưng vì đây là CP có thanh khoản kém, cũng không phải CP đầu cơ, trong khi công ty có quy mô nhỏ, chưa kể có khi công ty không có ý định. Xem ra niêm yết hay không niêm yết xem ra cũng chẳng khác gì nhau.

Từ khi niêm yết gần 23 triệu CP tại HOSE, NHW (Ngô Han) luôn đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu khá tốt, lợi nhuận cũng đạt mức khá. Nhưng 3 năm nay, vốn điều lệ của NHW không thay đổi.

Trong cơ cấu cổ đông của NHW hiện nay, riêng bà Ngô Thị Thông, Chủ tịch HĐQT cùng 2 người con đã nắm giữ khoảng 70% cổ phần, ngoài ra BIDV cũng nắm gần 11% cổ phần của NHW. Từ cơ cấu này, có thể thấy lượng CP trôi nổi của NHW ra bên ngoài khá ít ỏi, được thể hiện rõ nét qua nhiều phiên không có giao dịch, hoặc nếu có cũng chỉ vài chục, vài ngàn CP.

Tháng trước, NHW đã công bố ý định hủy niêm yết. Có vẻ sau 3 năm niêm yết, NHW chợt nhận ra mình không cần TTCK và TTCK cũng không mặn mà với NHW.

Năm 2010, khi chuẩn bị niêm yết, Pomina (POM) được nhiều NĐT quan tâm, bởi lẽ trong ngành thép, công ty là đối trọng thực sự với Hòa Phát (HPG). Nhưng đến thời điểm này, trong khi HPG luôn là CP được thị trường quan tâm, thị giá cao gấp 3 lần POM, chắc chẳng ai ngó ngàng đến POM.

Trong 10 phiên gần nhất, có đến 5 phiên POM không có giao dịch. Trong cơ cấu sở hữu của POM, cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH TM&SX Thép Việt (TV) nắm gần 63% cổ phần, chưa kể đến một loạt cổ đông thuộc gia đình họ Đỗ, những người đã sáng lập ra TV và POM.

Với cơ cấu đậm đặc và gắn kết như vậy, khả năng xuất hiện những thương vụ M&A đối với POM khó xảy ra. Nhưng nếu chỉ đầu tư thuần túy cũng chẳng ai muốn mua CP của một DN mà vai trò của một hoặc một nhóm cổ đông quá lớn như vậy.

Đến nay không quỹ đầu tư nào sở hữu 5 hay 10% cổ phần của POM, dù công ty có đủ điều kiện để thu hút cổ đông lớn. Mới đây, TV tiếp tục công bố sẽ mua thêm 5,6 triệu CP POM để tiếp tục nâng sở hữu của mình lên, đã khiến nhiều người tự hỏi POM là công ty đại chúng hay… công ty gia đình?

Muôn trùng áp lực

Ai cũng thấy những lợi điểm của việc niêm yết, nên trong chừng mực nào đó, việc hủy niêm yết giống như cuộc ra đi trong thất bại. Nhưng trong hoàn cảnh nhiều DN đang phải gồng mình để tồn tại, sẽ còn có nhiều lựa chọn đáng giá hơn việc ở lại sàn.

Hiện nay những lợi ích của niêm yết như huy động vốn, nâng cao hoạt động, minh bạch hóa thông tin, quảng bá DN chỉ thiết thực với các công ty lớn, có tiềm năng thực sự, không rầm rộ trên diện rộng như giai đoạn 2007-2008. Dòng vốn từ các tổ chức đầu tư hầu hết chảy vào DN lớn, DN nhỏ không tận dụng được bao nhiêu sẽ rút niêm yết. Các TTCK lớn trên thế giới, niêm yết được xem là chuẩn mực trong hoạt động DN. Khi công ty đủ điều kiện niêm yết, ban lãnh đạo sẽ đưa ra phương án lên sàn, hoặc cổ đông sẽ yêu cầu để nâng cao vị thế DN.

Ông Hoàng Thạch Lân,

Giám đốc Môi giới CTCK MHBs

Cuối năm 2007, Descon (DCC) niêm yết 10,3 triệu CP tại HOSE và chỉ 3 năm sau bị một nhóm cổ đông thâu tóm. DCC có một số lợi thế nhất định trong hoạt động kinh doanh, có tài sản nhưng cơ cấu cổ đông ban đầu không quá vững chắc nên dễ dàng trở thành đích ngắm cho hoạt động thâu tóm.

Hiện nay trên sàn không ít DN cũng “hao hao” như DCC, nên cũng không loại trừ khả năng có thể bị thâu tóm. Vì thế hiện nay hiếm DN nào công bố ý định hủy niêm yết để tránh thâu tóm.

Bên cạnh nỗi lo thâu tóm, những vấn đề liên quan đến minh bạch, công bố thông tin tuy nhỏ nhưng có thể trở nên nặng nề đối với một số DN. Ngày 26-8, Cáp Nhựa Vĩnh Khánh (VKC) đã gửi công văn đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HNX để giải trình việc chênh lệch lợi nhuận sau thuế giữa báo cáo tài chính (BCTC) tự lập và BCTC kiểm toán 6 tháng đầu năm 2013.

Chênh lệch này chỉ dừng ở mức độ hơn 100 triệu đồng, một con số không quá lớn đối với DN và cũng không quá quan trọng với cổ đông. Trường hợp của VKC, một công ty nhỏ sản xuất dây cáp và ống nhựa có vốn điều lệ 130 tỷ đồng, những năm qua đều có lợi nhuận, chia cổ tức… là tốt, những vấn đề khác như chênh lệch chút ít số liệu, có thể xem như lỗi nhỏ, xuề xòa cho qua. Nhưng đã niêm yết không thể… xuề xòa.

Điều này thể hiện kỷ cương, kỷ luật của TTCK và DN phải tuân thủ; đồng thời cũng tạo nên gánh nặng cho DN khi có vấn đề gì phải lập tức công bố, không thực hiện sẽ bị phạt.

Có thể kể ra một loạt báo cáo, công bố thông tin mà DN phải thực hiện, bao gồm BCTC, báo cáo quản trị, báo cáo thường niên, công bố triệu tập ĐHCĐ, các nghị quyết của HĐQT các giải trình khi xảy ra những sự kiện bất thường…

Việc nhiều DN ngày càng minh bạch một cách chuyên nghiệp, công bố đầy đủ, bài bản, hình thức tốt, đã gây áp lực lớn cho các DN. Thí dụ, chi phí để in 500-1.000 cuốn BCTC có nội dung hay, trình bày đẹp lên đến 100-200 triệu đồng; tổ chức ĐHCĐ tại TPHCM hay Hà Nội tốn từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. DN nhỏ, tất nhiên không thể kham những chi phí lớn như vậy nên phải tiết chế. Nhưng nếu các cổ đông chất vấn hay ý kiến cũng khó ăn khó nói.

Cải thiện kinh doanh nhờ hủy niêm yết!

Hồi tháng 7, STL (Sông Đà Thăng Long) bị hủy niêm yết bắt buộc do khoản lỗ lũy kế 174 tỷ đồng đã vượt quá vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Nhưng từ khi xuất hiện trên UPCoM ngày 12-11, STL trở thành “ngôi sao” của sàn này khi liên tục có những phiên tăng trần/giảm sàn, biến động giá rất mạnh.

Từ mức giá 3.000 đồng/CP ngày chào sàn, STL đã tăng lên gần 6.000 đồng chỉ sau hơn chục phiên. Một số DN như Mekophar, Vitaly hay Cadovimex cũng đã phát ra những tín hiệu về việc cải thiện kinh doanh sau khi hủy niêm yết.

Ngoài ra, có DN dù chưa niêm yết, nhưng công bố thông tin rất chuyên nghiệp, BCTC, thông báo chia cổ tức, báo cáo thường niên đều được tải lên mạng, trình bày rõ ràng. Những điều này đã tạo ra cảm giác hủy niêm yết, thậm chí không niêm yết vẫn có những điều tích cực, chỉ cần DN nỗ lực vì lợi ích cổ đông.

Nhưng cũng cần nhấn mạnh rằng đây chỉ là những trường hợp thiểu số và về mặt dài hạn chưa chắc đã tốt. Không niêm yết, có nghĩa DN mất đi một kênh để quảng bá công ty, thương hiệu, đồng thời giảm luôn tính cạnh tranh với DN cùng ngành, cùng sàn.

Gần đây, HNX công bố một chương trình có tên là “tạo hàng”. Theo đó, HNX gặp gỡ các công ty đại chúng có ý định niêm yết ngay từ đầu để tìm hiểu các khó khăn. Cán bộ của HNX sẽ phối hợp cùng đơn vị tư vấn niêm yết để hỗ trợ DN chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN.

Động thái này tuy… hơi muộn (vì đã có những DN bỏ sàn) nhưng có còn hơn không, vì sẽ giúp cho DN hiểu rõ hơn việc niêm yết, như cần phải chuẩn bị những gì, từ kế hoạch kinh doanh, cho đến việc công bố thông tin, giao tiếp các cổ đông…

Theo Ngọc Thanh

phuongmai

Sài Gòn đầu tư

Từ Khóa:
Trở lên trên