MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

DN niêm yết: "Thay thầy" có "đổi vận"?

Chưa khi nào tại các DN niêm yết lại có sự thay đổi mạnh mẽ về đội ngũ nhân sự cao cấp, từ HĐQT đến ban điều hành như năm nay.

Thay đổi lãnh đạo, chủ đề nóng mùa đại hội

Cuộc “thay máu” lãnh đạo tại CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS) thu hút sự quan tâm lớn của dư luận thời gian qua bởi những ồn ào, căng thẳng kéo dài xung quanh mâu thuẫn nội bộ DN trước đó. Mọi chuyện chỉ ngã ngũ khi tại cuộc họp ĐHCĐ bất thường, đa số cổ đông đã bỏ phiếu miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT đối với ông Phan Ngọc Diệp và sau đó HĐQT đã thống nhất bầu ông Hồ Sỹ Hùng làm Chủ tịch kể từ ngày 17/4/2012. Một số NĐT đã tỏ ra tiếc nuối cho ông Phan Ngọc Diệp, một trong những người đầu tiên gây dựng nên DN này đã không còn trụ lại được. Tuy nhiên, điều mà cổ đông quan tâm và chờ đợi nhất có lẽ HĐQT và Ban lãnh đạo mới của SJS sẽ làm gì để Công ty ngày càng phát triển.

CTCP Đầu tư và xây dựng Bưu điện - PTIC (PTC) cũng vừa có thông báo thay đổi đội ngũ lãnh đạo. Cụ thể, ông Đậu Minh Lâm được bầu làm Chủ tịch HĐQT PTIC kể từ ngày 4/5/2012. Trước đó ít ngày, ĐHCĐ PTC đã thông qua việc thay đổi Ban lãnh đạo và ông Đậu Xuân Khánh được bầu làm Tổng giám đốc, thay cho ông Nguyễn Duy Bắc Việt, trước là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PTC.

Nhìn chung, trong năm nay, tại nhiều ĐHCĐ của các DN niêm yết, vấn đề nhân sự trở nên nóng hơn bao giờ hết. Trao đổi với ĐTCK trước thềm Đại hội, thành viên HĐQT của một DN niêm yết trên sàn HOSE cho biết, một nhóm cổ đông lớn của Công ty chuẩn bị khởi kiện Chủ tịch HĐQT (đại diện cho cổ đông nhà nước) vì vị chủ tịch này đã “âm thầm” bán hết cổ phiếu (hơn 40%) cho một đối tác khác sai nguyên tắc. Dĩ nhiên, nhóm cổ đông này lo ngại, đối tác mới sẽ có một chân trong HĐQT và câu chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều.

Có thể nói, số DN “thay máu” hoàn toàn đội ngũ lãnh đạo khá nhiều, nhưng thay đổi một số thành viên HĐQT, ban lãnh đạo hoặc ban kiểm soát cũng đếm không xuể. Có thể kể đến rất nhiều cái tên như CTCP Đường Biên Hòa (BHS), CTCP Hóa An (DHA), CTCP Xây dựng số 2 (VC2), CTCP Bao bì dầu thực vật (VPK), CTCP Vận tải biển Hải Âu (SSG), CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (RAL), CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền (KDH), CTCP Đầu tư và xây dựng Thành Nam (CSC), CTCP Lương thực thực phẩm Vĩnh Long (VLF), CTCP Hóa chất Việt Trì (HVT)…

Mới đây, ĐHCĐ CTCK Tràng An (TAS) bầu lại HĐQT. Điều đáng nói là ông Lê Hồ Khôi, người thành lập TAS, Chủ tịch HĐQT TAS lại nằm trong số 4/5 thành viên HĐQT cũ xin từ nhiệm. Tại công ty này, hiện có một nhóm cổ đông Trung Quốc sở hữu tới hơn 40% cổ phần do ông Dương Hiểu Đông làm đại diện. Nhiều khả năng, ông Dương Hiểu Đông sẽ là người thay thế ông Lê Hồ Khôi giữ chức Chủ tịch HĐQT. Thực tế, thời gian trước, TAS thường xuyên vi phạm nghĩa vụ thanh toán giao dịch chứng khoán và không hoàn trả tiền vay quỹ hỗ trợ thanh toán đúng thời hạn theo yêu cầu của VSD nên Công ty bị đình chỉ hoạt động lưu ký tạm thời trong vòng 1 tháng (từ 8/5 đến 8/6/2012). Do vậy, lãnh đạo TAS cho biết, Công ty kỳ vọng, sự tham gia của cổ đông mới sẽ mang lại sức mạnh về tài chính và quản trị tốt hơn cho TAS trong thời gian tới.

Thay đổi để nâng cấp quản trị DN

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho rằng, mỗi DN có một tình trạng “sức khỏe” về quản trị và tài chính riêng, nên lý do “thay máu” lãnh đạo ở từng DN niêm yết cụ thể chỉ người trong cuộc là hiểu rõ nhất. Tuy nhiên, tựu trung lại, việc thay đổi vị trí lãnh đạo của các DN niêm yết xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản, đó là thay đổi để phù hợp với định hướng phát triển, hay do áp lực từ cổ đông lớn…

Năm qua được coi là một năm khó khăn đỉnh điểm với các DN và càng khó khăn với các DN có hệ thống quản trị chưa tốt. Do vậy, để tái cơ cấu DN thành công, vượt qua những khó khăn của giai đoạn suy thoái kinh tế, bước sang một giai đoạn tăng trưởng mới, đòi hỏi nhiều DN phải thay đổi cách thức quản trị DN bằng việc thay đổi người điều hành DN.

Theo bà Lan, vấn đề quản trị DN cần phải đặt lên hàng đầu, vì đây mới là cái gốc để phát triển DN. Hiện tại, HNX đang triển khai áp dụng Hệ thống Quản lý thông tin (CIMS) dành cho DN niêm yết. Trên thực tế, khi một DN thay đổi về đội ngũ lãnh đạo cấp cao, nghĩa là sẽ thay đổi định hướng phát triển, kèm theo sự thay đổi về cách thức quản trị DN. Nếu như có một “khung” quản trị chung cho các DN, sẽ giúp các DN thực hiện những chuẩn mực quản trị công ty, hướng tới sự phát triển bền vững của thị trường.

    Theo Hải Vân
    ĐTCK

    duchai

    Trở lên trên