MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp đua giải trình vì lợi nhuận đột biến

Tuy nhiên phải thẳng thắn nhìn nhận chất lượng các báo cáo giải trình biến động lợi nhuận của doanh nghiệp trên sàn chứng khoán là chưa cao.

Một loạt doanh nghiệp đã gửi văn bản giải trình lên SGDCK Tp.HCM (HSX) và SGDCK Hà Nội (HNX) từ giữa cuối tháng 7 đến nay. Bởi theo quy định, nếu lợi nhuận sau thuế biến động từ 10% so với cùng kỳ báo cáo năm trước, công ty niêm yết phải nói rõ nguyên do.

Các chuyên gia luôn khuyên nhà đầu tư cần xem xét kỹ lợi nhuận tăng đột biến trong phần giải trình của doanh nghiệp xuất phát từ đâu và mong tìm được điều này từ các báo cáo giải trình, tuy nhiên điều này chưa thực sự đúng.

Lãi tăng trưởng, dễ giải trình

Với hàng loạt lý do như tiết giảm chi phí, sản lượng tăng, tìm cách nâng nguồn thu...được nhiều doanh nghiệp sử dụng để giải thích cho kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý 2/2014 của doanh nghiệp mình.

Quý 2/2014, SHI-Sơn Hà báo lãi 10,4 tỷ, lũy kế 6 tháng lợi nhuận sau thuế tăng 398% so với cùng kỳ lên 13,4 tỷ và đã hoàn thành vượt 34% kế hoạch lợi nhuận. Nguyên nhân là do doanh thu tăng trưởng vì năm nay công ty mở các chi nhánh ngoại tỉnh đồng thời thực hiện tốt chính sách bán hàng mặt khác doanh thu của công ty con tăng 37% do doanh thu cho thuê mặt bằng tăng. Đáng chú ý là khoản thu nhập khác tăng 99% so với cùng kỳ là do công ty nhận được khoản hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay ngắn hạn năm 2013 của UBND thành phố Hà Nội. Doanh nghiệp này là đơn vị hiếm hoi đã có công văn giải trình tương đối chi tiết về các khoản biến động trong BCTC quý 2/2014 so với cùng kỳ.

Do sản lượng đường bán ra quý 2 năm 2014 cao hơn cùng kỳ 6.400 tấn tương đương 74 tỷ đồng, quý 2/2014 SEC-Mía đường Nhiệt điện Gia Lai lãi ròng 20,3 tỷ đồng, tăng mạnh 118% so với quý 2/2013. DIC – Intraco (DIC) công bố mức lãi ròng 3,46 tỷ đồng trong quý 2/2014 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ do mảng vật liệu xây dựng đã có sự tăng trưởng tích cực nhất là lượng tiêu thụ Clinker – xi măng tăng 10% và nguồn vốn đi vay của công ty có lãi suất giảm. Quý 2/2014, TMP-Thuỷ điện Thác Mơ báo lãi gần 70 tỷ đồng tăng 47% so với cùng kỳ do doanh thu tăng 73% nhờ sản lượng điện tăng gần 50 kwh so với cùng kỳ.

CMX-XNK Thuỷ sản Cà Mau công bố BCTC hợp nhất quý 2/2014 với doanh thu 247 tỷ đồng, tăng 68%; lãi ròng 5 tỷ đồng, gấp 4,5 lần cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, CMX ghi nhận 400,3 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 66%; lãi ròng 6,9 tỷ đồng, tăng trưởng 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Có nhiều nguyên nhân được phía công ty đưa ra nhưng lý do chính là do trong kỳ lượng bán tăng và nhu cầu thị trường có sự khác biệt về giá cả giữa hai kỳ. Sau khi báo lỗ khủng 126,7 tỷ đồng trong năm 2013, sang năm 2014 công ty quyết có lãi trở lại với mức lãi ròng 41,6 tỷ đồng – cao nhất kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết.

Nếu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính, sản lượng sản xuất, tiêu thụ tăng lên, chi phí bán hàng cắt giảm, thì tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận mới bền vững. Doanh nghiệp có thể phát huy tiếp ở các kỳ kinh doanh tiếp theo. Tuy nhiên trong quý 2/2014 thị trường chứng kiến nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi từ những hoạt động khác.

Quý 2/2014, PTL-Petroland tiếp tục kinh doanh dưới vốn giống như cùng kỳ, nhưng may mắn thoát lỗ nhờ vào lợi nhuận khác gần 21 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi 5 quý lỗ liên tiếp trước đó. Lợi nhuận khác đạt 20,8 tỷ đồng có được từ thu nhập vi phạm hợp đồng 27,7 tỷ đồng.

Sông Đà 1-SD1 báo lãi 16,36 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2014 nhờ có khoản lợi nhuận khác 20,12 tỷ đồng quý 2/2014, giúp cải thiện các chỉ số tài chính không mấy đẹp sau 2 năm thua lỗ. Trong kỳ SJS cũng có nguồn thu bất ngờ từ phạt vi phạm hợp đồng 50 tỷ đồng của dự án Đà Nẵng mà có lãi ròng 13,8 tỷ đồng, tăng 53% so với quý 2/2013.

MCG-MecoJSC ghi nhận được khoản lãi 10,9 tỷ đồng từ hợp nhất kinh doanh với CTCP Thủy điện Văn Chấn (công ty liên kết MCG nắm giữ 50% vốn điều lệ). Điều này góp phần đưa lãi ròng đạt 23 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ lãi 357 triệu đồng. Lũy kế 6 tháng lãi ròng đạt 28.2 tỷ đồng, thực hiện được 68% kế hoạch năm.

AGF-Agifish trong kỳ cũng có lãi 37 tỷ đồng từ thanh lý công ty con là M&T Seafood giúp đưa doanh thu tài chính đạt hơn 43,8 tỷ đồng, gấp đến 5,3 lần cùng kỳ giúp lãi ròng AGF đạt 45 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ. 

Vì sao lợi nhuận sụt giảm?

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp hồ hởi báo lãi, một số ít đơn vị vấp nhiều khó khăn, phải giải trình nguyên nhân giảm lợi nhuận.

Với mức sụt giảm 36% LNST so với cùng kỳ, nguyên nhân được ACC-Bêtông Becamex cho biết là do thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến việc sản xuất thi công đồng thời do một số công trình thi công còn dở danh chưa nghiệm thu. HDG-Hà Đô cũng có KQKD sụt giảm mạnh trên 40% so với cùng kỳ do các chung cư CT1, CT2, CT3, CT4 tại dự án Nguyễn Văn Công được bán cho cán bộ chiến sỹ với giá thành cùng với sự sụt giảm các khoản thu nhập tài chính và lợi nhuận từ công ty liên kết.

FCM-Fecon Mining cũng có một quý kinh doanh kém khả quan khi cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên tại công văn giải trình triển vọng những tháng cuối năm 2014 sẽ khả quan bởi trong 6 tháng đầu năm do thời gian thi công các dự án kéo dài công ty chưa thể hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu với khách hàng, doanh thu mảng khoáng sản chưa được ghi nhận do CTCP khoáng sản Hải Đăng đang hoàn thiện lắp đặt dây chuyền để đưa vào khai thác.

Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có những phần giải trình rõ rành như trên bởi rất nhiều doanh nghiệp đã có phần giải trình một cách chung chung về lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ là do giá nguyên liệu đầu vào, lãi vay, chi phí phát sinh ở mức cao...

Phân trần lý do lỗ

Quý 2/2014, tình trạng thua lỗ vẫn xảy ra trong đó cá biệt vẫn có những doanh nghiệp lỗ trong nhiều quý liên tiếp. Tuy nhiên so với cùng kỳ, số doanh nghiệp báo lỗ quý 2 năm nay đã giảm mạnh.

VOSCO (VOS) công bố mức lỗ ròng sau hợp nhất hơn 58 tỷ đồng và là quý thứ 3 liên tiếp công ty này không biết đến lãi, theo công văn giải trình nguyên nhân là do thị trường vận tải biển tiếp tục gặp khó khăn. Chỉ số BDI của thị trường tàu hàng khô liên tục giảm điểm trong suốt cả quý 2/2014, đến tuần cuối tháng đã giảm xuống dưới 800 điểm.

VNI-BDS Việt Nam cũng đã báo lỗ 3,85 tỷ đồng trong quý 2/2014, mức lỗ không trầm trọng nhưng kiểm toán viên đã có lưu ý tỷ số thanh toán nhanh và thanh toán bằng tiền của tập đoàn lần lượt là 0,23 và 0,05 lần là khá thấp dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Giải trình về vấn đề này công ty cho biết tỷ số khả năng thanh toán thấp là do hàng tồn kho cuối kỳ khá cao ở các dự án Vinaland Tower, dự án Chợ Phước Long và quyền hợp tác đầu tư của công ty với các nhà đầu tư khác. Tuy các tỷ số thanh toán của công ty thấp nhưng nhờ sự chủ động trong kinh doanh cùng với sự hỗ trợ của chủ nợ, nhà cung cấp nên công ty vẫn hoạt động ổn định và cam kết tiếp tục hoạt động liên tục.

Đọc giải trình thêm…tức

Theo quy định, nếu lợi nhuận sau thuế biến động 10% trở lên so với cùng kỳ báo cáo doanh nghiệp phải giải trình với Sở. Song, có thể thấy quy định này còn mang tính hình thức bởi chất lượng của nhiều báo cáo giải trình là quá thấp. Có nhiều doanh nghiệp lợi nhuận sụt giảm hoặc tăng trưởng nhưng đều trình bày nguyên nhân giống nhau mà không cần đọc giải trình cũng có thể nghĩ ra. Nhà đầu tư đọc giải trình thêm tức bởi những câu giải trình chung chung như do doanh thu sụt giảm nên lợi nhuận gộp giảm, các chi phí tăng cao nên lãi giảm…hay lợi nhuận tăng vì doanh thu tăng.

Ví dụ, đoạn giải trình của SDU-SongDa Urban cho kết quả kinh doanh giảm sút trên 60% là “Hiện tại nền kinh tế đang dần hồi phục, chính sách tài chính có xu hướng tạo thuận lợi cho thị trường bất động sản, lãi vay vốn đã giảm. Vì vậy Quý 2 năm 2014 lợi nhuận sau thuế toàn công ty thực hiện được là 2,5 tỷ đồng so với lợi nhuận sau thuế thực hiện qúy 2 năm 2013 là 6,5 tỷ đồng. Lợi nhuận thực hiện quý 2 năm 2014 chủ yếu từ hoạt động cho thuê văn phòng tại dự án Sông Đà Hà Đông, kinh doanh khai thác dịch vụ tòa nhà Sông Đà Hà Đông và kinh doanh bất động sản dự án Nam An Khánh”, đọc xong đoạn giải trình có phần dài dòng này nhà đầu tư chắc không thể thỏa mãn bởi vẫn chưa biết tại sao lợi nhuận sụt giảm vậy.

Hay như Licogi 16 (LCG), sau nhiều quý lỗ “liểng xiểng”, quý 1/2014, LCG bắt đầu có lãi nhẹ và đến quý 2/2014 lãi ròng đạt 12 tỷ, 6 tháng đầu năm đạt 12,2 tỷ. Với kết quả ấn tượng này được công ty giải trình ngắn gọn là do sự tăng vọt của doanh thu và trích lập dự phòng đầu tư dài hạn tài chính không đáng kể.

Chưa kể rất nhiều doanh nghiệp trên sàn Hà Nội không công bố phần giải trình riêng mà tận dụng một đoạn của báo cáo tài chính để ghi đôi dòng cho có.

Trang Trần

thanhtu

Theo Infonet

Trở lên trên