Doanh nghiệp nhà nước ì ạch thoái vốn ngoài ngành
Tính đến hết năm 2013 tài chính-ngân hàng vẫn còn đọng nhiều vốn nhất với giá trị 15.242 tỉ đồng, bất động sản 3.808 tỉ đồng, bảo hiểm 1.544 tỉ đồng.
Hội nghị phổ biến một số chính sách mới về thoái vốn, bán cổ phần, đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán (do Bộ Tài chính tổ chức) vừa diễn ra vào ngày 9-10 tại Hà Nội.
Nhiều đại biểu cho rằng trong năm 2014-2015, áp lực thoái vốn, cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là rất lớn. Trong khi đó việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành ở các DNNN hiện nay được đánh giá là chậm và ì ạch.
Theo báo cáo của Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), trong năm lĩnh vực nhạy cảm cần thoái vốn ngoài ngành (gồm chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, tài chính-ngân hàng và bất động sản), tính đến hết năm 2013 tài chính-ngân hàng vẫn còn đọng nhiều vốn nhất với giá trị 15.242 tỉ đồng, bất động sản 3.808 tỉ đồng, bảo hiểm 1.544 tỉ đồng.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính DN, cho biết trong năm 2014 kế hoạch thoái vốn DNNN là 3.568 tỉ đồng, năm 2015 là 16.367 tỉ đồng. Chín tháng năm 2014, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thoái vốn 3.488 tỉ đồng, gấp 3,6 lần năm 2013. Tuy tỉ lệ thoái vốn có tăng nhưng đây là một áp lực khá lớn cho các bộ ngành và DNNN. “So với yêu cầu, con số thoái vốn đầu tư ngoài ngành đến nay chưa đạt, một số đơn vị tiến hành chậm, ì ạch” - ông Tiến đánh giá.
Theo ông Tiến, nguyên nhân dẫn đến sự ì ạch đó là do thị trường mới hồi phục nên còn những khó khăn; các đơn vị e ngại thoái vốn giá thấp nên vẫn còn tâm lý sợ trách nhiệm, muốn bảo toàn vốn; cuối cùng là trách nhiệm của người đứng đầu ở DN chưa quyết liệt. Do vậy các bộ cần đốc thúc các DNNN trực thuộc nhanh chóng thực hiện việc thoái vốn các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành.
Đặc biệt, Chính phủ đã có Quyết định 51/2014 về một số nội dung thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN có hiệu lực từ 1-11-2014. Theo đó DNNN được thoái vốn dưới mệnh giá và giá trị sổ sách. Đây được xem là biện pháp để giải quyết điểm nghẽn trong quá trình cổ phần hóa DNNN hiện nay. Việc thoái vốn dưới mệnh giá/giá trị sổ sách kế toán phải dựa trên nguyên tắc hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất.
“Vấn đề cần làm là giám sát các DN có thực hiện những nội dung của Chính phủ đề ra hay không, chỉ cần thực hiện được các yêu cầu này, quá trình thoái vốn sẽ nhanh hơn rất nhiều. Miệng nói mà không làm hay có tư tưởng du di muốn giữ lại vốn của lãnh đạo DN thì rất khó thực hiện” - ông Tiến nêu quan điểm.
Năm 2015, DNNN phải thoái vốn ngoài ngành trên 16 nghìn tỷ đồng
Theo Trà Phương