"Đội lái" trở lại?
Thời gian qua, trên thị trường chứng khoán có rất nhiều cổ phiếu tăng giá miệt mài cả tháng trời mới bị xả hàng.
- 26-09-2013‘Đội lái’ chứng khoán chùn tay vì sợ vào tù?
- 02-12-2013Gấp 3 tài khoản trong 1 tháng: Lòng tham bị kích thích
Cách "làm giá" hay các "đội lái" trên thị trường vẫn thường xuyên diễn ra trong mọi điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Đặc biệt, khi nương theo sóng tăng của thị trường, thì những cổ phiếu bị đánh lên thì khó mà phát hiện có bàn tay vô hình của "đội lái".
Thông thường, "đội lái" là những tay chơi cừ khôi, chuyên nghiệp có hẳn đội ngũ phân tích, nhân định, đánh giá từng cổ phiếu để xây dựng hẳn chiến lược, đánh lên hay đánh xuống rất nhịp nhàng. Theo đó, cổ phiếu đánh lên diễn ra theo quy trình tích lũy, đẩy giá, phân phối và thoát hàng.
Cách làm giá cổ phiếu
Một khi "đội lái" thao túng, tạo sóng cổ phiếu nào thì xác suất sóng tăng gần như là chắc chắn. Các cổ phiếu bị làm giá thường được bơm tiền vào ồ ạt để đặt mua số lượng lớn cổ phiếu. Sau nhiều phiên sẽ lôi kéo thu hút nhiều dòng tiền khác nhau đổ vào săn hàng. Tới thời điểm nhất định thì sẽ bán dần để thu lợi nhuận hoặc bán tháo giá sàn như đang diễn ra ở nhiều cổ phiếu nóng trên thị trường.
Điều oái ăm là trong những đợt làm giá, có khi chính "đội lái" cũng bị "kẹt hàng" khi không thương thảo được với NĐT lớn, nên cũng bị đè giá. Trường hợp như vậy, đôi khi các "đội lái" lại phát động một đợt làm giá mới, đẩy giá cổ phiếu để có thể "thoát hàng".
Trong giai đoạn tích lũy, "đội lái" nắm thông tin tốt, có thể từ "nội gián", rồi tìm nguồn tài chính mạnh để gom hàng triệu cổ phiếu mỗi phiên mức giá thấp nhất. Quá trình này thường diễn ra ở các vùng giá đi ngang (sideway), hoặc không rõ xu hướng tăng hay giảm trong vài tuần hay thậm chí vài tháng. Một khi đã tích lũy đủ đến thời điểm thuận lợi, "đội lái" liên tục đẩy giá lên một cách áp đảo nhằm lôi kéo NĐT càng đông càng tốt để ra hàng.
Sau khi chọn thời cơ tốt để thoát hàng, giá cổ phiếu sẽ đột ngột rớt mạnh. Lúc đó, "đội lái" sẽ quay trở để xả hàng ồ ạt, chôn vùi lực cầu và giá cổ phiếu bắt đầu rơi tự do. Giá rơi rất nhanh khiến "những con cừu non" vào trễ dẫm đạp lên nhau và cũng không còn cơ hội để thoát thân.
Đó là đỉnh cao của quá trình phân phối mà những đầu tư tay mơ tưởng chừng diễn ra theo sóng của thị trường, nhưng hoàn toàn là do đạo diễn của "đội lái" can thiệp.
Đầu tư vào chứng khoán là phải chấp nhận cuộc chơi
Vì vậy, chỉ có NĐT may mắn mua và nắm giữ cổ phiếu đúng thời điểm trước khi "đội lái" đánh lên và nương theo sóng để bán ra thì mới thành công lớn. Chứ cứ đu bám theo sau khi sóng đã tăng mạnh thì khó thể đạt lợi nhuận cao.
Theo các chuyên gia phân tích, quá trình tích lũy của nhiều cổ phiếu đã điễn ra từ lâu. Vì vậy, đây là những thời điểm để "đội lái" bước vào cuộc chơi làm giá từng đợt. Thị trường dự báo vẫn tăng trưởng dài hạn, giao dịch sôi động, thông tin kinh tế vĩ mô có nhiều nét tích cực là cơ hội lý tưởng cho các "đội lái" hoạt động mạnh.
Mặc dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang ráo riết, quyết liệt để loại trừ "đội lái", nhưng trên thực tế, chỉ xử phạt được một vài trường hợp nhỏ lẻ, không đáng kể trên thị trường.
Qua mặt cơ quan quản lý?
Từ đầu năm 2013 đến nay, rất nhiều cổ phiếu giao dịch vô cùng bất thường, tăng lên đột ngột, giảm mạnh bất thường, nhưng UBCKNN cũng mới chỉ xử phạt 6 vụ "thao túng" giá chứng khoán, với tổng số tiền phạt là 1,58 tỷ đồng. Các mã chứng khoán bị "làm giá" là BGM, SPI, CVN, HLG, CLG, TLH, VNH, VHG, KMR...
Như vậy, so với mức lợi nhuận thu được từ việc làm giá thì mức xử phạt vài trăm triệu đồng vẫn chẳng thấm vào đâu. Và, thị trường vẫn có những cổ phiếu, tăng giá miệt mài mà chẳng ai phát hiện ra điều bất thường. Mọi thứ ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp hơn, nên cơ quan quản lý khó mà nhận biết ngay được.
Mặc dù vẫn có những cổ phiếu tăng trần vài chục phiên đến mức lộ liễu, nhưng đa phần "đội lái" biết điều chỉnh nhịp tăng giảm hợp lý, đôi khi làm "chệch hướng" các công cụ phân tích kỹ thuật, khiến NĐT không biết đường nào mà lần.
Vào thời điểm hiện tại, các CTCK làm ăn thua lỗ, việc cho vay đầu tư chứng khoán cũng thận trọng hơn nên "đội lái" phải huy động nhiều nguồn tiền khác nhau để đánh lên.
Hiện giá cổ phiếu đang ở mức thấp, nên chỉ cần vài tỷ đồng có thể tạo sóng bất thường ở một vài cổ phiếu. Hơn nữa, chính các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ cũng chủ động tìm mọi cách để đẩy giá lên, nếu cứ nằm bẹp ở mức thấp thì cũng không thể làm ăn, giao dịch với đối tác, ngân hàng. Cho nên, rất nhiều doanh nghiệp còn cung cấp thông tin tốt vào những thời điểm quan trọng để "đội lái" đánh lên.
Các chuyên gia khuyên rằng để thoát khỏi tay "đội lái" thì phải chế ngự được lòng tham. Nhưng nếu không tham thì sao đầu tư vào chứng khoán, làm sao dám mạo hiểm để tối đa lợi nhuận.
Vì vậy, khi tham gia đầu tư vào chứng khoán là phải chấp nhận cuộc chơi và cách chơi thế nào cho hiệu quả nhất.
Theo Sơn Long