Dư âm ĐHCĐ Viglacera: “Chia cổ tức hơi ít”
Lần Đại hội cổ đông thứ 2 sau khi Tổng Công ty Viglacera IPO lần đầu kể từ tháng 7/2014, nhưng Ban lãnh đạo Viglacera đã phải đối diện với sức ép về vấn đề cổ tức.
- 20-04-2015Trực tiếp ĐHCĐ Viglacera: Tăng vốn điều lệ lên 3.070 tỷ, niêm yết cổ phiếu trong năm 2015
- 04-02-2015Viglacera Hạ Long (VHL): Năm 2014 lãi ròng 83,5 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm
- 16-01-2015Viglacera Đông Triều: Tiết kiệm chi phí, quý 4/2014 lãi ròng gần 2 tỷ đồng
- 12-11-2014Doanh nghiệp họ Viglacera: Nỗ lực cán đích
- 31-10-2014Viglacera lãi hơn 126 tỷ đồng trong quý 3
- 09-07-2014Viglacera Đông Triều: Doanh nghiệp đầu tiên báo lỗ quý 2
- 02-07-2014ĐHCĐ Viglacera: Cổ đông lớn thứ 2 từ chối tham gia HĐQT
Tóm tắt:
-Nhiều cổ đông nhỏ lẻ cho rằng cổ tức 2,5% mà Tổng Công ty cam kết chia trong năm 2014 và dự kiến năm 2015 là 3,5% là quá ít.
-Lý giải về về điều này, Chỉ tịch HĐQT Viglacera cho rằng các chỉ tiêu công ty mẹ có thể tốt nhưng theo quy định mới của Thông tư 200, khi hợp nhất thì phải bù trừ lợi nhuận, do đó vấn đề này có thể kéo dài nhiều năm 2015, 2016 thậm chí là 2017.
Vấn đề được quan tâm nhiều nhất của các cổ đông trong buổi ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của Tổng Công ty Viglacera –CTCP diễn ra vào sáng 20/04/2015 chính là cổ tức, tiếp đến là lộ trình niêm yết, cổ đông chiến lược, và những vấn đề liên quan đến tình hình hoạt động kinh doanh của Viglacera…
Mặc dù kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm 2014 sau khi cổ phần hóa khả quan, hầu hết các chỉ tiêu quan trọng đều vượt kế hoạch đề ra từ 17% đến 88%.
Trong đó, đặc biệt là lợi nhuận đạt hơn 270 tỷ đồng tăng 74%, doanh thu và đầu tư xây dựng cơ bản tăng 17%, lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt 5,5%, lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần đạt 7,7%, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 790 đồng/cp, đảm bảo cổ tức 6 tháng cuối năm 2014 đạt 2,5% đúng theo cam kết mà ĐHCĐ lần thứ nhất đã giao.
Tuy nhiên, nhiều cổ đông cho rằng các chỉ tiêu kinh doanh đều tăng trưởng, đặc biệt là lợi nhuận tăng trưởng cao nhưng cổ tức thì hơi ít, và bày tỏ mong muốn cổ tức cao hơn.
Cũng giống với một vài công ty khác đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2015 như Hà Đô Group (HDG), Nhà Từ Liêm (NTL),…vấn đề kinh điển trong công ty cổ phần là cổ tức đều thu hút được sự quan tâm của cổ đông. Tuy nhiên, gần như vấn đề này cũng chỉ đem ra Đại hội thảo luận “cho vui” bởi gần như quyết định cuối cùng thì vẫn là đại diện của lãnh đạo công ty, cổ đông lớn. Các cổ đông nhỏ lẻ cũng chỉ có ý kiến rồi lại chìm theo Nghị quyết Đại hội.
Có nhiều lý do khác nhau về vấn đề cố tức thấp, hay không có cổ tức tùy thuộc vào từng công ty và đều được xem là chính đáng. Chẳng hạn ở Nhà Từ Liêm hay Hà Đô thì Ban lãnh đạo công ty cho rằng cần có tiền để đầu tư phát triển, nên lợi nhuận năm 2014 không chia cổ tức hoặc ở mức thấp. Còn ở Viglacera, ông Luyện Công Minh-Chủ tịch HĐQT Viglacera lại có cái nhìn khác.
“HĐQT rất muốn nâng mức cổ tức lên cao, nhưng căn cứ vào tình hình hiện nay thì mức cổ tức 2014 là 2,5% theo đúng cam kết, và năm nay cũng chỉ 3,5%. Điều này có thể không làm hài lòng các cổ đông.” Ông Minh nói.
Lý giải về điều này, ông Minh cho biết 2014 Viglacera chuyển đổi thành công ty cổ phần, vấn đề chia cổ tức hiện nay theo chính sách mới lại phụ thuộc vào kết quả kinh doanh hợp nhất. Trong khi đó, nhiều công ty con có số lỗ lũy kế lớn, vấn đề này đã tồn tại nhiều năm.
“Các chỉ tiêu công ty mẹ có thể tốt nhưng theo quy định mới của Thông tư 200, khi hợp nhất thì phải bù trừ lợi nhuận, do đó vấn đề này có thể kéo dài nhiều năm 2015, 2016 thậm chí là 2017. Con số bù trừ này khoảng 300 tỷ đồng, nên không thể xử lý một sớm một chiều.” Đây là nguyên nhân chính dẫn đến cổ tức thấp.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Minh nhiều công ty hoạt động kinh doanh thất thường, có năm lỗ nặng nhưng cũng có năm lãi cao. Nhưng đa phần các công ty con khi có lợi nhuận đều đem chia hết, có năm cổ tức lên tới 70%, 100%,…Với điều kiện như vậy, thì việc định hướng cổ tức của Tổng Viglacera là phải tăng dần dần. Hiện tại chưa đáp ứng được kỳ vọng của cổ đông nhưng về lâu dài sẽ tăng lên cùng với giá cổ phiếu cũng sẽ tăng.
Bên cạnh vấn đề cổ tức, nhiều cổ đông của Viglacera cũng đặc biệt quan tâm đến lộ trình niêm yết. Về vấn đề này, ông Luyện Công Minh không tiết lộ cụ thể thời điểm. Tuy nhiên, ông Minh cũng cho biết hiện nay Viglacera đang chuẩn bị các thủ tục, và đã sẵn sàng niêm yết cổ phiếu vào quý 3 năm 2015.
Đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ trong năm 2015 từ 2.645 tỷ đồng lên 3.070 tỷ đồng cũng được khá đông cổ đông quan tâm đến đối tác chiến lược khi mà Bộ Xây dựng (chủ sở hữu 91,48%) rất muốn năm 2015 Viglacera giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước xuống 75%.
Theo ông Minh việc tăng vốn lên 3.070 tỷ nằm trong kế hoạch của năm 2014, năm 2015 cần phát hành thêm khoảng hơn 400 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án là bởi đợt đầu IPO chưa bán hết. Đối với việc chọn cổ đông chiến lược thì Viglacera đều quan tâm đến cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, không phân biệt. Tổng Công ty chú trọng đến 3 tiêu chí của cổ đông chiến lược là tiềm lực vốn, công nghệ và tổ chức thị trường.
Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn-Tổng Giám đốc Viglacera, hiện cũng đã có một số cổ đông chiến lược nước ngoài quan tâm. Ngay như trong đợt đầu IPO thì cổ đông nước ngoài lại là cổ đông mua phần lớn cổ phần, đó là một quỹ từ Singapore.
Bằng việc tăng vốn, nguồn vốn sẽ được Viglacera dùng đầu tư các dự án đang trong quá trình triển khai. Trong đó, KCN tập trung đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật các dự án khu công nghiệp hiện có với tổng quỹ đất 977 héc-ta. Khởi công mới các dự án trọng điểm với tổng quỹ đất 949 héc-ha gồm KCN Phú Hà (Phú Thọ), KCN Phong Điền, KCN Yên Phong mở rộng; Chuẩn bị đầu tư một số KCN gồm KCN Thuận Thành (Bắc Ninh), KCN Tiền Hải (Thái Bình) KCN Hạ Vàng (Hà Tĩnh) và phát triển nhà ở xã hội và chung cư cao cấp.
Nhật Minh
Tài chính Plus