MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dư thừa dầu mỏ toàn cầu và nỗi buồn của GAS - PVD

Các khách hàng của GAS đều thấy giá bán giảm và doanh thu đi xuống do khủng hoảng giá dầu, vì vậy GAS cũng đã phải chịu biên lợi nhuận giảm khi bán hàng.

Giá dầu đã giảm gần 30% từ đầu năm 2015 và giảm hơn 60% từ mức đỉnh năm năm trong năm 2011. Đầu năm nay, khi giá dầu hồi phục tới hơn 60USD/thùng, thị trường tin rằng sẽ tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên hiện nay giá dầu lại giảm về ngưỡng 40USD/thùng. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng giá dầu có thể giảm xuống 20USD. Điều này làm số lượng giàn khoan dầu hoạt động trên thế giới giảm mạnh và hạn chế rõ rệt dòng tiền đầu tư vào ngành này.

Ngày 19/8 trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao ngay giảm 4,3% xuống mức 40,80 USD/thùng, mức thấp nhất tính từ tháng 3/2009, lại một mức thấp kỷ lục mới trong 6,5 năm qua. Cùng với mức giá gây choáng váng này, giá cổ phiếu nhóm dầu khí trên thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 20/08/2015 đã lao đầu đi xuống với việc giảm sàn của GASPVD khiến cho VN-Index rực lửa.

Giá dầu không thể trở lại ngưỡng 100 USD/thùng

Trong báo cáo đặc biệt do CTCK VPBS vừa công bố, các chuyên gia nhận định, xét về dài hạn, có một số yếu tố sẽ khiến giá dầu không thể về ngưỡng đỉnh cao trong quá khứ khoảng trên $100/thùng. Trong ngắn hạn, VPBS thấy có ba lý do ảnh hưởng đến xu hướng giá hiện nay, mà hầu hết đều nhắm vào nguồn cung như sau:

(1) OPEC từ chối giảm sản lượng để bảo vệ giá bán.

(2) Công nghệ mới của Mỹ có tên là bẻ gãy thủy lực, nghĩa là sử dụng nước để chiết xuất dầu và khí đốt tự nhiên từ đá phiến, đã chứng minh là phương pháp mới, có tính kinh tế và là giải pháp thay thế đảm bảo an ninh năng lượng, có khả năng thay đổi cục diện toàn ngành. Hiệu quả giàn khoan đang được cải thiện, chi phí giảm và các doanh nghiệp Mỹ đang mở rộng hoạt động khoan ở những nơi họ có nhiều giếng hơn.

(3) Các thỏa thuận hạt nhân I-ran gấn đây sẽ cho phép quốc gia này tiếp tục xuất khẩu ra thị trường thế giới. Sau khi thỏa thuận hạt nhân hoàn tất, I-ran có thể tăng sản lượng khoảng 500.000 thùng/ngày trong một tuần sau khi lệnh trừng phạt chấm dứt và khoảng một triệu thùng/ngày trong một tháng sau đó.

Nỗi buồn của GAS và PVD

Tổng công ty khí Việt Nam (mã: GAS) là công ty đầu ngành trong ngành dầu khí Việt Nam và có vốn hóa thị trường lớn nhất. GAS tham gia vào toàn bộ dây chuyền sản xuất bao gồm mua sắm thiết bị, xuất nhập khẩu, vận tải, chế biến/chế biến sâu, lưu trữ, các dịch vụ chuyên sâu và thương mại. GAS cũng tham gia sâu vào các hoạt động đầu tư thượng nguồn.

 

 

Các khách hàng của GAS đều thấy giá bán giảm và doanh thu đi xuống do khủng hoảng giá dầu, vì vậy GAS cũng đã phải chịu biên lợi nhuận giảm khi bán hàng. Giá bán khí gas tự nhiên trung bình giảm 18,5% so với năm ngoái, trong khi giá bán khí LPG giảm 31,8% so với năm ngoái do giá dầu thế giới giảm và cạnh tranh gia tăng trên thị trường.

Trong khi đó, giá đầu vào trung bình trong nửa đầu năm 2015 của GAS theo ước tính của VPBS chỉ giảm khoảng 11,2% so với năm ngoài, ảnh hưởng mạnh đến biên lợi nhuận gộp của GAS. Trong nửa đầu năm 2015, lợi nhuận ròng sau thuế đạt 5,2 nghìn tỷ đồng, giảm 19% so với năm ngoái và biên lợi nhuận ròng đạt 16,5% so với mức 18,8% trong nửa đầu năm 2014.

Với xu hướng giá dầu tiếp tục giảm trong 6 tháng cuối năm 2015, biên lợi nhuận của GAS sẽ tiếp tục co lại mặc dù hai dự án ống dẫn khí mới bắt đầu đi vào hoạt động trong thời gian này, đóng góp thêm hơn 8% vào sản lượng bán gas hiện nay của GAS.

Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành là Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan dầu khí (mã: PVD). PVD được coi là nhà thầu khoan hàng đầu tại Việt Nam. Hoạt động kinh doanh chính của PVD bao gồm dịch vụ khoan và các dịch vụ liên quan đến khoan như cung ứng nguồn nhân lực, khai thác gỗ bùn, kinh doanh các loại ống chạy, và cho thuê công cụ khoan.

PVD hiện nay chiếm 70% thị phần trong nước về mảng dịch vụ khoan và 55-90% thị phần về mảng dịch vụ liên quan đến khoan dầu khí.

Trong nửa đầu năm 2015, phí thuê giàn khoan trung bình của PVD giảm 8%, hiện ở mức 135.000 – 140.000 USD/ngày. Ngoại trừ giàn khoan số 5 yêu cầu mức phí thuê 205.000 USD/ngày từ 2009 đến giữa 2015 đã giảm còn 190.000 USD/ngày do đây là giàn khoan dịch vụ nửa chìm nửa nổi chuyên dụng.

Ban quản trị cho rằng mức phí thuê sẽ còn giảm trong Q3/2015 nếu giá dầu tiếp tục đi xuống, tuy nhiên sẽ vẫn ở mức trên 120.000 USD/ngày trong năm 2015. Lợi nhuận ròng nửa đầu năm 2015 đạt 1.012 tỷ đồng, giảm 23,8% so với năm ngoái do giá dầu giảm, khiến phí thuê giàn khoan trung bình theo ngày của PVD thấp hơn và khối lượng công việc cũng giảm sút.

Một điểm sáng đối với PVD – theo VPBS đánh giá – là sẽ ghi nhận lợi nhuận ròng 200 tỷ đồng từ công ty liên doanh với Baker Hughes trong Q4/2015.

 

Mai Linh

VPBS

Trở lên trên