MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Èo uột như thị trường… UPCoM

Thị trường đăng ký giao dịch cổ phiếu (UPCoM) trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) đi vào hoạt động từ tháng 6/2009 với kỳ vọng thay thế thị trường giao dịch chứng khoán phi tập trung (OTC).

Tuy nhiên, đến nay số DN đăng ký giao dịch vẫn quá ít ỏi so với hàng nghìn công ty đại chúng đang đứng ngoài sàn.

Quyết định 51/2014/QĐ-Ttg ban hành mới đây của Thủ tướng Chính phủ đã quy định việc DNNN IPO sau 90 ngày phải lên giao dịch tại UPCoM đã mở ra cơ hội cho sàn này tăng lượng hàng hóa. Tuy nhiên, với một cơ chế vận hành thiếu hấp dẫn, những quy định hành chính cũng khó ép DN vào sàn UPCoM.

Tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2014, HNX đánh giá thanh khoản trên thị trường UPCoM tăng so với năm 2013, bình quân khối lượng giao dịch đạt 2,12 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt 20,5 tỷ đồng/phiên (tăng 6,6 lần về khối lượng giao dịch và 10,1 lần về giá trị giao dịch so với năm 2013).

Trên thực tế, so sánh với mức độ vốn hóa thị trường UPCoM (36,5 nghìn tỷ đồng) và so sánh với hai sàn niêm yết, giá trị giao dịch của sàn UPCoM vẫn rất nhỏ bé.

Những cổ phiếu ngủ đông!

Theo thống kê của Sở GDCK Hà Nội, trong 5 phiên gần nhất trên sàn UPCoM có xấp xỉ 100 DN (trong tổng số 167 DN đăng ký) không có giao dịch nào. Trong đó, nhiều cổ phiếu không có giao dịch trong thời gian vài phiên liên tục.

Tình trạng mất thanh khoản của đa số cổ phiếu diễn ra trong thời gian dài khiến sàn này không hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư; công ty đại chúng. Ít có DN lên giao dịch tại sàn này có hoạt động huy động vốn - một trong những mục tiêu quan trọng nhất của công ty đại chúng.

Lý giải tình trạng giao dịch èo uột của sàn này, nhiều nhà đầu tư cho rằng nguyên nhân sâu xa là cơ chế giao dịch không thực sự hấp dẫn. Mua bán tại UPCoM không có sự khác biệt lớn so với hai sàn niêm yết.

Với mục tiêu thay thế thị trường OTC nhưng những yếu tố vốn là “linh hồn” tạo nên sự hấp dẫn không được sàn UPCoM áp dụng. Đơn cử như việc giao dịch bị giới hạn trong biên độ hẹp (+- 10%) cùng với cơ chế thanh toán không linh hoạt, bó cứng trong thời hạn T+3. Trong khi đó, trên thị trường OTC, giao dịch không có biên độ và không giới hạn thời gian thanh toán.

Việc tìm kiếm hàng tốt, quy mô lớn cho UPCoM là hết sức khó khăn, vì thường những DN này lại đủ điều kiện lên niêm yết nên sẽ chọn sàn giao dịch tập trung. Ngược lại, việc thu hút các DN nhỏ có thanh khoản yếu lên UPCoM không tạo được vị thế và sức hấp dẫn cho sàn UPCoM.

Giải pháp tạo hàng

Nhằm thúc đẩy cổ phần hóa, tháng 9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-Ttg quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN.

Theo nội dung Quyết định này, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, DN CPH phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Đối với DN đã chính thức chuyển thành Công ty CP trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phối hợp đôn đốc DN hoàn tất việc thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết.

Thực thi đầy đủ những quy định trên có thể tạo ra hiệu ứng kép. Một là tăng tính hấp dẫn cho các DN cổ phần hóa, hai là tạo hàng cho thị trường UPCoM. Vấn đề đặt ra là chưa có chế tài đủ mạnh để ép các DN lên sàn này sau khi thực hiện IPO.

Hiện có nhiều tên tuổi lớn như Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Habeco), Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) vẫn đứng ngoài sàn mặc dù thực hiện CPH nhiều năm nay. Nhiều DN thuộc ngành giao thông thực hiện IPO đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa lên đăng ký giao dịch hoặc niêm yết.

Đại diện một CTCK cho rằng, để tạo tính thanh khoản, tăng mức độ hấp dẫn cho UPCoM, cần tháo gỡ những quy định giao dịch vốn bó cứng hoạt động của thị trường này trong nhiều năm nay.

Trước hết, cần nới biên độ giao động giá, tìm cách rút ngắn thời gian thanh toán, buộc các DN công bố thông tin như thị trường niêm yết…

Lên đăng ký giao dịch như một nhu cầu tự thân của DN, UPCoM “hóa” thị trường OTC vẫn là giấc mơ xa vời của HNX nếu không xử lý những vấn đề trên.

>>Mở đường cho sự hấp dẫn của UPCoM 

Theo Hà Bình

thanhhuong

Thời báo Kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên