ETFs “made in Vietnam” liệu có đất sống ở Việt Nam?
Theo khảo sát của chúng tôi tại nhiều công ty chứng khoán thì mức độ quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân đối với các ETFs nội rất thấp. Nói nôm na, “dân mình vẫn thích tự đánh hơn”.
- 01-04-2014Quý II/2014: Sẽ có quỹ ETF nội địa đầu tiên
- 01-04-2014Mở đường cho quỹ ETF “made in Việt Nam”
Trong tháng 03/2014, Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (Vietfund Management- VFM) công bố đã nộp hồ sơ lên UBCK xin lập quỹ ETF. Nếu được, đây sẽ là quỹ ETF nội đầu tiên của Việt Nam.
Công tác chuẩn bị cho việc thành lập quỹ ETF nội đã được các cơ quan chức năng rục rịch từ lâu. Đầu năm nay, trong Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2014, lãnh đạo 2 Sở Giao dịch Chứng khoán cũng cho biết đã cơ bản hoàn tất các hạng mục hạ tầng liên quan đến giao dịch thứ cấp chứng chỉ quỹ ETF để bảo đảm sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho các quỹ ETF nội địa ngay trong quý 2/2014.
Quỹ ETF có nhiều ưu điểm. Tính hấp dẫn nổi bật của ETF có thể được gói gọn bởi 3 từ Efficiency, Transparency, Flexibility (Hiệu quả, Minh bạch, Linh hoạt). Việc ra đời của ETFs nội, về cơ bản là điều tích cực, là sự mong muốn của những nhà quản lý phát triển đa dạng sản phẩm cho nhà đầu tư. Nhưng ra đời rồi, sống như thế nào mới là vấn đề.
Mong muốn chỉ là ảo vọng nếu thiếu những chính sách đồng bộ đi kèm
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Điệp – Giám đốc Kinh doanh khối Khách hàng cá nhân của CTCK VNDIRECT, chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh nói: “Mong muốn vẫn chỉ là ảo vọng nếu không có những chính sách đồng bộ đi kèm.”
ETF có 5 chủ thể cơ bản là nhà đầu tư, công ty Quản lý quỹ, rổ danh mục, Chứng chỉ quỹ, thị trường niêm yết. Theo ông Điệp, những cơ chế để vận hành 5 chủ thể này phải được xây dựng chi tiết. Ngoài ra, ở các thị trường nước ngoài, luôn luôn có Nhà tạo lập thị trường. Trong khi đó, khung pháp luật của Việt Nam chưa cho phép thành viên này.
Một trong những yếu tố có thể mang lại sự thành công cho Quỹ ETF là sự hấp dẫn của Chứng chỉ quỹ, hay nói cách khác là tính thanh khoản. Muốn có tính thanh khoản tốt, phải có những giải pháp kỹ thuật kèm theo. Do đặc tính là hoán đổi danh mục chứng khoán cơ sở lấy Chứng chỉ quỹ, cho nên vấn đề thời gian thanh toán cũng là một vấn đề rất khó giải quyết. TTCK Việt Nam đang áp dụng T+3. Đây là điều sẽ gây bất cập trong việc hoán đổi của Nhà đầu tư.
Nỗ lực của Sở GDCK trong việc hoàn thiện hạ tầng giao dịch là điều phải ghi nhận, nhưng bên cạnh đó, điều kiện bắt buộc để hình thành ETF là quy định về hoạt động vay và cho vay chứng khoán. Cho đến nay, các hoạt động vay, mượn cổ phiếu vẫn chưa được cho phép thực hiện chính thức do không có quy định hướng dẫn cụ thể. Chính vì vậy, nhu cầu vay mượn cổ phiếu của các nhà đầu tư không được CTCK hỗ trợ.
So với các nước, quy mô vốn hóa và thanh khoản của thị trường Việt Nam vẫn thấp và đặc biệt là thiếu các công cụ phòng ngừa rủi ro. Một câu hỏi cũng đã được đặt ra là các ETFs nội sẽ đầu tư theo rổ chỉ số nào? Liệu quy định của UBCK có cho phép các quỹ đầu tư dựa trên bộ chỉ số tự xây dựng?
Ông Điệp cho rằng việc ra đời ETF tại Việt Nam có thể còn hơi sớm so với thực lực chung.
Nhà đầu tư thờ ơ
Một số nhà quản lý quỹ đánh giá về ETFs nội với nhiều kỳ vọng vì cho rằng các cá nhân ở Việt Nam sẽ rất ưa chuộng ETF khi chi phí giao dịch ETF thấp và nhà đầu tư không cần nghiên cứu một công ty cụ thể nào đó để chọn lựa cổ phiếu.
Nhưng theo khảo sát của chúng tôi tại nhiều công ty chứng khoán thì mức độ quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân đối với sản phẩm này rất thấp. Những nhà đầu tư nhỏ cho biết họ chưa tìm hiểu về ETFs nội và cũng không có ý định mua chứng chỉ quỹ. Nhiều nhà đầu tư lớn được xếp vào hàng VIP có sự tìm hiểu chuyên sâu và kỹ càng hơn cũng tương tự.
Đại diện cho quan điểm này là ông Trần Tiến Dũng – một nhà đầu tư lớn với hơn chục năm kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông nói: “Nhìn vào hoạt động của các quỹ tại Việt Nam trong quá khứ, tôi không tin rằng họ sẽ hoạt động tốt trong tương lai. Mặc dù quỹ ETFs nhiều ưu điểm hơn so với các quỹ đóng trước đây nhưng tôi cũng không có ý định mua chứng chỉ quỹ nếu các quỹ này thành lập.”
Cũng có những người quan tâm. Một nhà đầu tư (không muốn nêu tên) có tài khoản trên 40 tỷ cho biết anh đã tìm hiểu nhiều về hoạt động của ETF và chờ đợi sự ra đời của các ETFs nội. Tuy nhiên, anh chưa muốn đổ tiền vào mua chứng chỉ quỹ mà sẽ chờ đợi xem hiệu quả hoạt động của các quỹ này như thế nào rồi mới quyết định.
Ông Nguyễn Hồng Điệp – Giám đốc Kinh doanh khối Khách hàng cá nhân của CTCK VNDIRECT, chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh nhận định, hầu hết các nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam đều là nhà đầu tư cá nhân với tính chuyên nghiệp khá thấp và tập quán tự đầu tư đã ăn sâu vào tiềm thức. Nói nôm na là “dân mình vẫn thích tự đánh hơn”.
Nhà đầu tư nội chưa có sự quan tâm, các ETFs Việt Nam có thể hướng đến nhà đầu tư ngoại, thậm chí ETF nội địa còn không bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu 49% của nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng thách thức là nhà đầu tư nước ngoài muốn mua chứng chỉ quỹ ETF nội phải mở tài khoản, đăng ký giao dịch ở Việt Nam. Điều này có thể nói là phiền phức cho nhà đầu tư ngoại hơn nhiều so với việc họ mua chứng chỉ quỹ ETF ngoại niêm yết tại thị trường nước ngoài.
Làm thế nào?
Nhà đầu tư là chủ thể vô cùng quan trọng của ETFs vì rõ ràng để sống được, quỹ phải huy động nhà đầu tư góp vốn vào. Trong tình hình là sự quan tâm của chủ thể này không được như kỳ vọng, có lẽ các quỹ cần tìm cách nâng cao tính hấp dẫn.
Quản lý nhiều khách hàng, ông Nguyễn Hồng Điệp nhận thấy vẫn có những xu hướng tiến bộ hơn đang xuất hiện ngày càng nhiều trong giới đầu tư. Việc đón nhận một sản phẩm mới như ETF Việt Nam, có thể sẽ không quá khó khăn. Nhiều nhà đầu tư cũng có những phản ứng tích cực trước sự ra đời của sản phẩm này. Ông Điệp cho rằng có thể ban đầu chỉ là tò mò, hiếu kỳ nhưng khả năng sự hấp dẫn sẽ tăng cao hơn khi ETF "made in Vietnam" chính thức hoạt động. Nếu ETF không chỉ có rổ danh mục chung (giống hình thức của Van Eck), mà còn có nhiều ETF ngành hơn (ví dụ ETF Dầu Khí, ETF Bất động sản, ETF chứng khoán), thì “chắc chắn tính hấp dẫn, sự gần gũi với NĐT cá nhân, sẽ tăng cao hơn.”