EVN xin “cơ chế đặc thù” để cổ phần hoá 3 tổng công ty
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt cơ chế đặc thù trước cổ phần hoá đối với 3 Tổng công ty Phát điện (Genco).
"Kẹt" vốn đầu tư ngoài ngành tại 4 công ty
Theo Đề án tái cơ cấu EVN giai đoạn 2012 - 2015, EVN sẽ phải thực hiện thoái vốn và giảm vốn tại 7 Công ty cổ phần (CTCP) đến hết năm 2015.
Đến hết năm 2014, Tập đoàn đã hoàn thành công tác thoái toàn bộ vốn ở 3 doanh nghiệp bất động sản (CTCP Đầu tư xây dựng Điện lực Việt Nam, Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina và Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực miền Trung) với hình thức đấu giá công khai với giá trị cổ phiếu bằng hoặc cao hơn mệnh giá. Đã thực hiện giảm vốn ở 4 CTCP còn lại.
Luỹ kế đến hết tháng 8 tháng 2015, tại CTCP Bảo hiểm Toàn cầu (GIC) EVN đã chuyển nhượng 1 triệu cổ phần (CP) của EVN cho Công ty International ERGO, giảm tỷ lệ sở hữu của EVN từ 22,5% xuống còn 20% vốn điều lệ của GIC.
Hiện nay, EVN đang bổ sung hồ sơ công bố thông tin về thoái vốn tại GIC theo yêu cầu của UB Chứng khoán Nhà nước và triển khai thực hiện các bước thoái vốn tiếp theo theo quy định ngay sau khi Bộ Công thương phê duyệt mức giá khởi điểm để bán đấu giá cổ phần của EVN tại GIC.
Tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), đã chuyển nhượng 25,2 triệu CP của EVN cho CTCP Xuất nhập khẩu Hà Nội (Geleximco), giảm tỷ lệ sở hữu của EVN từ 21,27% xuống còn 16,02% vốn điều lệ của ABBank. Hiện tại, EVN chỉ còn lại vốn là phần lợi nhuận được chia bằng cổ phiếu, tiền mặt tại ABBank.
Tại CTCP Chứng khoán An Bình (ABS), các thủ tục thoái toàn bộ vốn của EVN theo phương án đấu giá công khai toàn bộ 11,49 triệu cổ phần theo phê duyệt của Bộ Công Thương đã được EVN triển khai từ năm 2014.
Tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance), đã chuyển nhượng 58,75 triệu CP của EVN tại EVNFinance, giảm tỷ lệ sở hữu của EVN từ 40% xuống còn 16,5% vốn điều lệ của EVNFinance.
Hiện tại, EVN đang làm việc với các nhà đầu tư về việc mua thỏa thuận 3,75 triệu cổ phần của EVN tại EVNFinance (chiếm 1,5% vốn điều lệ của EVNFinance) để đảm bảo tỷ lệ nắm giữ 15% vốn điều lệ tại Cty theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.
Tính đến hết tháng 8/2015, tổng giá trị thoái vốn, giảm vốn ngoài ngành nghề kinh doanh chính của EVN đạt 958,318 tỷ đồng.
Về việc giảm vốn tại các doanh nghiệp phục vụ trực tiếp ngành nghề kinh doanh chính, EVN cho biết, đã báo cáo Bộ Công Thương về phương án thoái vốn tại CTCP Cơ điện miền Trung (CEMC) và được Bộ Công thương thông qua chủ trương thoái vốn của EVN tại CEMC, đề nghị EVN thực hiện thoái vốn theo phương thức giao dịch khớp lệnh quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định số 51/2014-QĐ-TTg ngày 15/9/2014.
Ngày 1/9 vừa qua, EVN đã hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn tại CEMC với tổng số lượng giao dịch 1.020.000 CP, thu về 37,9 tỷ đồng. Ngày 3/9/2015, EVN đã có công văn số 3697/EVN-QLV gửi UB Chứng khoán Nhà nước báo cáo kết quả thoái vốn tại CEMC.
Xin cơ chế đặc thù
Đáng lưu ý trong việc cổ phần hóa các Tổng Công ty Phát điện (Genco), EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt cơ chế đặc thù trước cổ phần hoá đối với 3 Tổng công ty phát điện này.
Được biết, cổ phần hóa 3 Genco gặp khó khăn khi các công ty này được hình thành nhằm phù hợp với lộ trình hình thành thị trường phát điện cạnh tranh.
Nhiệm vụ của các Genco là quản lý vận hành, sản xuất điện và tiếp tục đầu tư phát triển các dự án nguồn điện mới, sau khi lành mạnh tài chính sẽ thực hiện cổ phần hóa.
Tuy nhiên tình hình tài chính của các Genco khó khăn trong việc thu xếp vốn cho các dự án, khó hấp dẫn các nhà đầu tư khi thực hiện cổ phần hóa.
Ngoài ra, trụ sở của các Genco ở xa các trung tâm kinh tế, tài chính, khó khăn trong công tác quản lý, điều hành các đơn vị thành viên nằm rải rác tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
EVN từng cho rằng, tại các Genco có khó khăn trong giao dịch với các Bộ, ngành và các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước; khó thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao.
BizLive