MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Game thoái vốn - cuộc chơi chưa bao giờ hết hấp dẫn

Năm 2016, cuộc thoái vốn lịch sử tại SCIC dự kiến sẽ sớm diễn ra với giá trị bán có thể lên đến 4 tỷ USD.

Sự hấp dẫn của những cổ phiếu do nhà nước thoái vốn

Năm 2015, Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã bán vốn thành công tại 120 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 116 doanh nghiệp), thu về 4.491 tỷ đồng trên giá vốn 1.682 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 2,7 lần. So với năm 2014, kết quả bán vốn năm 2015 gấp 2,32 lần về giá trị, gấp 1,6 lần về số lượng.

Rất nhiều doanh nghiệp sau khi được nhà nước bán cho tư nhân, giá trị đã tăng phi mã.

Một trong những siêu cổ phiếu trong sóng thoái vốn phải kể đến là VEF của Triển lãm Giảng Võ. Tiến hành IPO với mức giá chỉ tương đương mệnh giá, chỉ sau 2 tháng lên sàn Upcom, thị giá đã tăng gấp 4, đạt hơn 41.000 đồng trong phiên giao dịch cuối cùng của Tháng 2.

 

Giá trị của Triển lãm Giảng Võ đã tăng gấp 4 từ khi lên sàn vào cuối tháng 12/2015
Giá trị của Triển lãm Giảng Võ đã tăng gấp 4 từ khi lên sàn vào cuối tháng 12/2015

 

Hẳn nhà đầu tư vẫn chưa quên 30 phút giành giật mua 122 triệu cổ phiếu GEX – Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) trong thương vụ Bộ Công Thương bán vốn tại Tổng công ty này với tổng giá trị giao dịch đạt trên 2.100 tỷ đồng.

Giá trung bình được mua vào chỉ 17.700 đồng . Và sau 2 tháng khi cuộc thoái vốn lịch sử diễn ra GEX đã tăng lên gần 24.000 đồng, có thời điểm tăng lên 26.500 đồng, tương đương tăng trưởng gần 50%.

Hay như cổ phiếu của CTX Holdings sau khi được SCIC thoái vốn với giá bình quân vào khoảng 20.000 đồng đã tăng giá lên mức 27.700 đồng, tăng 38% chỉ trong tuần đầu tiên giao dịch sau thoái vốn.

Theo các chuyên gia tài chính, việc các nhà đầu tư bên ngoài mua lại khối lượng lớn cổ phiếu của các công ty trên là nhắm tới khối lượng tài sản (ở đây là bất động sản) mà các công ty đó sở hữu . Sau quá trình chuyển đổi công-tư, các công ty vào tay chủ sở hữu tư nhân, khả năng khai thác tài sản hiệu quả hơn sẽ giúp giá trị các tài sản được gia tăng một cách đáng kể sau khi được định giá lại.

Cuộc đua săn cổ phiếu doanh nghiệp thoái vốn

Năm 2016, cuộc thoái vốn lịch sử tại SCIC dự kiến sẽ sớm diễn ra với giá trị bán có thể lên đến 4 tỷ USD. Với giá trị thoái vốn lớn, ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc Chứng khoán SJC cho rằng phải có sự tham gia của khối ngoại mới có thể hấp thụ hết được. Chủ tịch UBCKNN mới đây đã khẳng định đang xúc tiến với Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư để sớm ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 60 để khơi thông dòng vốn ngoại.

Việc thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp được thoái vốn tăng mạnh mẽ đã thiết lập một xu hướng đầu tư chạy đua săn những cổ phiếu này. Cuộc đua ấy sẽ ngày càng quyết liệt khi được sự hưởng ứng của cả khối nội và ngoại. Hầu hết các chuyên gia trên thị trường chứng khoán đều nhận định, giá cổ phiếu sẽ biến động mạnh mẽ ngay sau khi tên người chủ sở hữu mới xuất hiện.

 

Một số tổng công ty lớn đã bán cổ phần chi phối cho tư nhân
Một số tổng công ty lớn đã bán cổ phần chi phối cho tư nhân

 

Trong thời gian đó, hàng loạt thương vụ bán vốn nhà nước với quy mô tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.

Công ty Thống Nhất (GTN) đã mua 75% cổ phần của Tổng Công ty Chè Việt Nam – Vinatea và tiếp tục để mắt tới những tổng công ty lớn khác như Tổng công Chăn nuôi hay Tổng công ty Lâm nghiệp. Hay những thương vụ mà phía tư nhân đã bỏ ra cả nghìn tỷ đồng để mua doanh nghiệp nhà nước như Khách sạn Kim Liên, Gelex và Vinamotor. Trước đó, Công ty Bamboo Capital (Mã: BCG) cũng đã nhanh tay mua lại phần vốn sở hữu của nhà nước tại hai doanh nghiệp là Công ty Đầu tư phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi) và Công ty ô tô 1-5 và dự định năm 2016 đưa cả hai công ty niêm yết trên sàn chứng khoán.

Rõ ràng, giá trị của nhiều công ty nhà nước sau khi bán vốn cho tư nhân đã có sự thay đổi lớn, mục tiêu cuối cùng là nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt. Xu hướng này đang diễn ra và chắc chắn sẽ được nâng tầm khi nhiều cuộc thoái vốn lịch sử đang được giới đầu tư chờ đợi.

Minh Quyết

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên