MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải mã 2 cổ phiếu tăng giá "chóng mặt"

"Sức nóng" của 2 mã cổ phiếu như MWG, SDI đến từ những phiên tăng giá trần liên tiếp vài chục phần trăm.

Điều gì đã đẩy giá cổ phiếu tăng "chóng mặt" như vậy, có là điều bất thường với cổ phiếu mới niêm yết, hay DN vừa đổi chủ không?

Cổ phiếu MWG - Công ty CP đầu tư Thế giới di động có lẽ là trường hợp gây ngạc nhiên, sửng sốt nhất cho giới đầu tư. Vừa chào sàn hôm 14/7/2014 với giá chỉ 65.000 đồng/cổ phiếu, nhưng cổ phiếu này đã lập tức gây "sốt" khi tăng hết biên độ (+/-20%), đạt mức 81.500 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch đầu tiên. Kể từ đó đến nay, chỉ chừng 2 tháng, giá cổ phiếu MWG đã tăng trần liên tục với tổng mức tăng tới 114,7%, đạt mức giá kỷ lục 175.000 đồng/cổ phiếu (sau 48 phiên giao dịch).

Thanh khoản "cô đặc"

Mức giá MWG này được cho là rất cao và cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay những mã cổ phiếu đạt mức giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu trong khoảng gần 700 mã cổ phiếu niêm yết trên TTCK Việt Nam. Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/9, cổ phiếu MWG giảm nhẹ 0,57%, đóng cửa ở mức giá 174.000 đồng/cổ phiếu.

So với cổ phiếu trong ngành kinh doanh thiết bị công nghệ, Thế giới di động dường như đang "lấn lướt" DN lâu năm. Với 62,71 triệu cổ phiếu lưu hành, giá trị vốn hóa của MWG đạt 10.913 tỷ đồng, vượt xa mức vốn điều lệ khiêm tốn (627,2 tỷ đồng tính đến 30/6/2014).

Các chỉ số tài chính của MWG hiện cũng rất sáng sủa, cụ thể: doanh thu 7 tháng năm 2014 đạt 8.200 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 360 tỷ đồng. Chỉ số P/E đạt 42,69, ROA là 11,44%, ROE là 22,82%.
Tuy nhiên, theo ý kiến của một số NĐT chứng khoán lâu năm, mức giá MWG liên tục được đẩy lên cao không xuất phát từ thanh khoản sôi động hay sức khỏe tài chính DN tốt hơn.

Thực tế ghi nhận với MWG, ngay từ trước khi niêm yết thì cổ phiếu này đã có hiện tượng hạn chế nguồn cung. Mặc dù số lượng cổ phiếu lưu hành rất lớn (62,71 triệu đơn vị) nhưng phần lớn được nắm giữ bởi các cổ đông sáng lập công ty. Lượng hàng bán ra ngoài rất ít, dẫn chứng là tổng khối lượng giao dịch qua các phiên tối đa chỉ là 171.000 cổ phiếu (chỉ 2,7%), còn bình quân chỉ vài chục nghìn đơn vị/phiên.

Không có nguồn hàng ra thị trường nên giá cổ phiếu cứ tăng đều theo giá tham chiếu của phiên trước, cuốn nhà đầu tư "lướt sóng" theo. Và lực mua vào lại càng đẩy giá MWG lên. Thậm chí, có thời điểm Quỹ Mekong Capital đã phải bán ra một lượng nhỏ cổ phiếu để tạo thanh khoản cho MWG. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cổ phiếu MWG đang rơi vào trạng thái "cô đặc", làm giảm tính thanh khoản và minh bạch khi đã niêm yết.

Nhất là khi HĐQT Thế giới di động đã chấp thuận, triển khai kế hoạch phát hành thêm 43,9 triệu cổ phiếu để nâng mức vốn điều lệ từ 627,2 tỷ đồng lên 1.066,2 tỷ đồng. Với cơ cấu cổ đông hiện nay và hạn chế thanh khoản, thì lượng cổ phiếu phát hành thêm này liệu có được đưa ra giao dịch?

Trong vòng 1 tháng qua, cổ phiếu SDI - Công ty CP Phát triển đô thị Sài Đồng (công ty con do Tập đoàn Vingroup sở hữu 94% vốn) cũng có cú tăng giá "ngoạn mục". Công ty Sài Đồng là chủ đầu tư của dự án "đình đám" Vinhomes Riverside (quận Long Biên, Hà Nội), đã có sản phẩm ra thị trường và đang có doanh thu rất lớn.

Giá trị thực?

Không phải là hàng mới trên thị trường để hấp dẫn NĐT "đánh sóng", hay kỳ vọng cổ tức cao, nhưng cổ phiếu SDI có diễn biến giá khá lạ, dù đang giao dịch ở sàn OTC.

Tính từ ngày 14/8 - 23/9, giá cổ phiếu SDI đã tăng mạnh tới 310%, từ mức 25.100 đồng lên 103.000 đồng/cổ phiếu. Phiên giao dịch gần nhất (23/9), giá SDI bình quân đạt 98.400 đồng/cổ phiếu.

Đợt tăng giá sốc này chỉ diễn ra ngay sau khi Vingroup hoàn thành nhận chuyển nhượng 24 triệu cổ phiếu SDI (tương ứng 20% vốn điều lệ) từ cổ đông sáng lập Hanel vào ngày 14/8.
Giá trị thương vụ chuyển nhượng được công bố là 564 tỷ đồng, tương ứng giá chuyển nhượng là 23.506 đồng/cổ phiếu. Trong khi chỉ chừng 2 tháng trước đó, giá cổ phiếu SDI liên tục rớt giá trong hàng chục phiên liên tiếp, từ hơn 42.000 đồng/cổ phiếu, xuống quanh quẩn mức 22.000 đồng/cổ phiếu vào đúng thời điểm "sang tay" nêu trên.

Với 119,99 triệu cổ phiếu lưu hành, SDI đạt giá trị vốn hóa khoảng 11.808 tỷ đồng, đứng thứ 2 sau Tập đoàn Vingroup và đứng đầu trong nhóm công ty con. Gần như nắm sở hữu tuyệt đối tại Công ty Sài Đồng - DN có lợi thế về đất đai, thì cũng là kết thúc không ngoài dự đoán của NĐT về "mối tình" giữa Vingroup và Hanel sau 5 năm gắn bó, phát triển SDI như hôm nay.

Sau khi thương vụ "thâu tóm" xong SDI, cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup (VIC) cũng có sự bứt phá. Từ mức 52.760 đồng, VIC đã tăng thêm gần 11%, lên mức 58.500 đồng/cổ phiếu, sau đó giảm xuống giao dịch ở mức 56.000 đồng/cổ phiếu. Hiện, cả VIC và SDI đều đang là cổ phiếu sáng giá trong lĩnh vực bất động sản.

Để đánh giá chất lượng cổ phiếu và lựa chọn đầu tư lâu dài, NĐT phải xem xét sức khỏe tài chính của DN, mức độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, cổ tức, giá trị tài sản, cũng như triển vọng tăng trưởng trong ngành.

Từ năm 2013 đến nay, Sài Đồng đang chứng tỏ giá trị đồng vốn của NĐT (chủ sở hữu) bỏ ra khi doanh thu năm 2013 đạt 5.019 tỷ đồng, lãi ròng 1.160 tỷ đồng. Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2013 đạt lần lượt 12.608 tỷ và 2.790 tỷ đồng. Mục tiêu năm 2014 của Sài Đồng là 7.842 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 1.518 tỷ đồng.

So với MWG hoạt động ở mảng kinh doanh bán lẻ công nghệ, SDI đang kém lợi thế về tính thời điểm - ở giai đoạn thị trường bất động sản khó khăn, tồn kho cao, thu hồi vốn chậm… Nhưng với việc thay đổi sở hữu vừa qua, nhà đầu tư đang kỳ vọng giá trị cổ phiếu SDI trong tương lai sẽ không kém cạnh VIC.

Theo Hải Hà

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên