Hưởng cổ tức đặc biệt từ KDC, nhà đầu tư bất ngờ bị giải chấp cổ phiếu
Theo thông tin trên thị trường, đã có một số công ty chứng khoán giải chấp cổ phiếu KDC và điều này phần nào tạo thêm áp lực khiến cho cổ phiếu giảm sàn trong ngày 13/08.
- 09-08-2015Chân dung doanh nghiệp: Những quyết định “để đời” của Kinh Đô
- 29-07-2015Ghi nhận doanh thu bán BKD, Kinh Đô lãi gần 6.600 tỷ trước thuế - vượt kế hoạch cả năm
- 27-07-2015Kinh Đô: Ngày 13/8 chốt quyền nhận cổ tức 200% bằng tiền mặt
Khi CTCP Kinh Đô (mã: KDC) thông báo ngày chốt danh sách để trả mức cổ tức đặc biệt với tỷ lệ 200%, cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu cũng như những nhà đầu tư đang “nhăm nhe” chờ tin đều vô cùng hào hứng. Điều này đã tạo nên một phiên giao dịch đột biến với khối lượng vọt lên hơn 8 triệu đơn vị và đóng cửa tại mức giá trần của KDC trong ngày 28/07.
Mức cổ tức đó không chỉ hấp dẫn mà còn thuộc loại “hiếm có” nên đã gây ra sau đó nhiều câu chuyện mà những nhà đầu tư ít kinh nghiệm đã không lường được. Một trong số đó là việc KDC điều chỉnh giá trong ngày chốt quyền trả cổ tức (11/08) khiến cho chỉ số VN30-Index giảm tới 6,57 điểm và đem lại cái nhìn hơi “méo” về chỉ số.
Nhưng không chỉ thế, do mức cổ tức hiếm có này, những nhà đầu tư quyết định lăn chốt KDC (giữ cổ phiếu qua ngày chốt danh sách) đã gặp phải tình huống bị call margin (bán giải chấp) khi giá cổ phiếu điều chỉnh.
Trong ngày hôm qua (13/08), KDC mở cửa ngay trong sắc đỏ. Khi thị trường không thuận lợi, cổ phiếu này đã đóng cửa giảm sàn. Nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự thất vọng và ân hận đối với quyết định lăn chốt của mình, càng “ân hận” hơn trước tình cảnh sau khi được quyền hưởng cổ tức, họ lại đối mặt với việc các công ty chứng khoán call margin dù KDC mới giảm 2 phiên kể từ ngày 11/08.
Có thể lý giải việc KDC bị call margin trong tình huống này qua một ví dụ.
Một nhà đầu tư mở tài khoản tại công ty chứng khoán và theo hợp đồng, tỷ lệ ký quỹ là 50%, tỷ lệ call margin 30%.
Nhà đầu tư có 24,1 triệu đồng và muốn mua 1.000 cổ phiếu KDC tại mức giá 48.200 đồng tương đương 48,2 triệu đồng vào ngày 10/08. Như thế, với tỷ lệ ký quỹ 50%, nhà đầu tư có thể vay công ty chứng khoán 24,1 triệu đồng.
Tại ngày 11/08 – ngày giao dịch không hưởng quyền để trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 200%, giá đóng cửa của cổ phiếu KDC được điều chỉnh xuống còn 28.500 đồng. Sau 2 phiên giảm giá, đóng cửa ngày 13/08, giá cổ phiếu KDC chỉ còn 25.700 đồng.
Khi đó, giá trị chứng khoán của nhà đầu tư là 25,7 triệu đồng và do đã vay CTCK 24,1 triệu đồng nên tiền của nhà đầu tư chỉ còn có 1,6 triệu đồng.
Với số tiền này, tỷ lệ ký quỹ hiện tại của NĐT chỉ có 1,6/25,7 = 6,2% - thấp hơn 30%.
Do đó, NĐT bị call margin, phải nộp thêm tiền ký quỹ hoặc bán cổ phiếu.
Trong khi đó, đến ngày 21/08, KDC mới tiến hành trả cổ tức cho cổ đông.
Điều này hoàn toàn tuân theo nguyên tắc quản trị rủi ro, là thông lệ tại các CTCK. Tuy nhiên, do ít có doanh nghiệp nào trả cổ tức lớn như KDC nên có thể nhà đầu tư chưa gặp phải trường hợp bị call margin sau khi được quyền hưởng cổ tức.
"Nhờ" được quyền hưởng cổ tức mà bị call margin trong khi quá trình từ lúc chốt quyền đến lúc KDC trả cổ tức chỉ hơn 1 tuần - một khoảng thời gian rất nhanh so với nhiều doanh nghiệp khác, nhà đầu tư cũng thấy ấm ức. Đó là chưa kể nhà đầu tư phải trả thuế thu nhập cá nhân cho khoản cổ tức được nhận này.
Giám đốc khối quản lý rủi ro tại một công ty chứng khoán top 5 cho biết, nếu nguyên nhân khiến tỷ lệ an toàn của khách hàng xuống dưới tỷ lệ bị xử lý là do yếu tố khách quan (ví dụ như giá cổ phiếu điều chỉnh do doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt) thì Công ty chứng khoán sẽ hoãn 1 ngày call margin.
Như vậy, ngày 11/08 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức của KDC khiến cho giá điều chỉnh giảm hơn 40% từ 48.200 đồng/cp xuống 28.200 đồng/cp. Ngày 12/08, CTCK chưa “hành động”. Nhưng từ ngày 13/8 trở đi sẽ xử lý khoản tài sản đảm bảo của khách hàng (chính là số cổ phiếu đang nắm giữ). Nếu cổ phiếu đó tiếp tục bị giảm do yếu tố thị trường thì đương nhiên công ty chứng khoán sẽ xử lý theo quy định thông thường, yêu cầu khách hàng nộp thêm tiền ký quỹ hoặc bán cổ phiếu.
Điều này tuân theo hợp đồng ký quỹ của công ty chứng khoán và khách hàng, đã được thỏa thuận ngay từ đầu.
Theo thông tin trên thị trường, đã có một số công ty chứng khoán call margin cổ phiếu này và điều này phần nào tạo thêm áp lực cho KDC khiến cho cổ phiếu giảm sàn trong ngày 13/08.
Tài chính Plus