MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hướng đi nào cho các công ty chứng khoán ?

Trước khó khăn của TTCK và đặc thù ngành chứng khoán Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ xuất hiện làn sóng giải thể và mua bán sát nhập công ty mạnh mẽ.

Thoái trào

TTCK Đài Loan thời điểm cao nhất có 278 công ty, sau đó sụt giảm còn 48 công ty. TTCK Thái Lan trước đây cũng có tới hơn 200 CTCK, sau đó giảm xuống còn hơn 50 công ty.

Việc ngành chứng khoán Việt Nam đang phải tự tái cơ cấu là điều tất yếu.

Việc thị trường Việt Nam có quá nhiều công ty chứng khoán đã được nêu ra từ lâu nhưng cho đến nay câu chuyện tái cơ cấu, mua bán, sáp nhập mới có những tín hiệu đầu. Khởi đầu là VIX ngừng kinh doanh, chuyển khách hàng sang chứng khoán VPBank. Mới đây VIC tuyên bố bán toàn bộ cổ phiếu VIX, tương đương 75% cổ phần VIX.

Ngày 02/03, Chứng khoán Kim Long tuyên bố kế hoạch chuyển đổi, rút khỏi kinh doanh chứng khoán. Theo chủ tịch công ty chứng khoán Kim Long, ông Hà Hoài Nam, công ty thực sự bế tắc với phát triển dịch vụ môi giới của công ty. Thoái lui được coi là cách để bảo toàn vốn, chờ đợi cơ hội trong tương lai.

Giảm dần tự doanh, đầu tư môi giới

Từ ngày 01/04, thông tư 226 sẽ chính thức áp dụng, với mục đích kiểm soát an toàn tài chính các công ty chứng khoán. Theo đó những cổ phiếu thuộc danh mục tự doanh của công ty sẽ tùy theo những điều kiện khác nhau mà có tỷ lệ rủi ro khác nhau. Từ đó để tính toán tỷ lệ giữa vốn khả dụng của công ty với tổng tài sản có rủi ro.

Vì thế nhiều công ty đã giảm dần tỷ trọng tự doanh để đáp ứng những yêu cầu của thông tư 226, cũng là cách tránh nguy cơ bị đưa vào diện kiểm soát nếu tỷ lệ an toàn tài chính không đảm bảo. SSI chuyển hết tự doanh sang công ty quản lý quỹ từ tháng 6/2011, VND đã thanh toán 300 tỷ giá trị cổ phiếu OTC.

Trong khi mảng tự doanh gặp phải bất lợi từ biến động của thị trường cũng như chính sách, các công ty cố gắng mở rộng thị phần. Công ty chứng khoán Ngân hàng Công thương mới đây đã tuyên bố kế hoạch mở thêm các phòng giao dịch, điểm giao dịch dựa trên cơ sở hạ tầng của ngân hàng mẹ. Tuy nhiên trong bối cảnh giao dịch ảm đạm của thị trường hiện nay, mở rộng thị phần môi giới đối với cáccông ty chứng khoán có thể coi là là bất khả thi. 

Hiện nay 10 công ty dẫn đầu thị phần môi giới đã chiếm 50% thị phần, còn lại 50% dành cho 95 công ty. Cuộc đua giành thị phần khốc liệt , cũng là một lý do để chứng khoán Kim Long từ bỏ kinh doanh chứng khoán.

Đẩy mạnh tư vấn doanh nghiệp

Năm 2011 kinh tế vĩ mô được dự báo khó khăn, thị trường chứng khoán sẽ ảm đạm, thanh khoản kém. Các công ty chứng khoán nỗ lực tìm hướng đi để tồn tại và chờ đợi thời cơ.

Nhiều công ty chứng khoán đã công bố kế hoạch kinh doanh tập trung chủ yếu vào mảng tư vấn doanh nghiệp. Đơn cử như CTS trong đại hội cổ đông của mình, các lãnh đạo đã giao 50% chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận của công ty là đến từ mảng tư vấn doanh nghiệp.

Với lợi thế là công ty chứng khoán của một ngân hàng lớn tại Việt Nam có mạng lưới khách hàng doanh nghiệp rộng khắp cả nước, CTS hy vọng sẽ tận dụng tối đa mối quan hệ này. Mục tiêu của CTS trong năm 2011 là lọt vào top 5 các công ty CK doanh thu tư vấn nhiều nhất trên thị trường.

Ngay năm 2010 trong xu thế đi xuống của thị trường nhiều công ty chứng khoán đã có doanh thu khá từ mảng tư vấn. Dẫn đầu là FPTS với 188 tỷ, tiếp đến là SSI, SBS lần lượt 108 tỷ và 73 tỷ. Trước đó năm 2009, doanh thu từ tư vấn của các công ty như FPTS, SSI chỉ khoảng 50-54 tỷ. Cá biệt SBS doanh thu tư vấn của năm 2009 chỉ 7 tỷ.

Một số công ty chứng khoán có doanh thu tư vấn là chủ yếu, bù lỗ cho những mảng kinh doanh khác như WSS. Riêng quý 4 công ty lỗ tới 41 tỷ đồng nhưng hoạt động tư vấn đã bù lỗ, giữ cho công ty có lãi 14,45 tỷ sau thuế.

Công ty chứng khoán

Doanh thu từ dịch vụ tư vấn (tỷ đồng)

Năm 2009

Năm 2010

SSI

FPTS

SBS

WSS

50

54

7

17

108

188

73

52







Đẩy mạnh dịch vụ tư vấn giúp các công ty có được khoản lợi nhuận tốt do dịch vụ tư vấn đòi hỏi chi phí không nhiều. Tư vấn có thể được coi là nguồn doanh thu hiệu quả, ổn định với công ty chứng khoán trong điều kiện thị trường khó khăn.

Tuy nhiên việc có những hợp đồng tư vấn tốt cũng không phải đơn giản. Có thể thấy ở đây ngoài SSI, WSS thì các công ty có đột biến trong dịch vụ này đều là công ty con của tập đoàn, hay ngân hàng.

Lợi thế là công ty con của tập đoàn giúp các công ty chứng khoán có những hợp đồng tư vấn lớn từ khách hàng của tập đoàn, giữa các công ty thành viên. Đây có thể coi là cách luân chuyển lợi nhuận giữa các công ty con. Trong nhiều trường hợp thì việc chuyển lợi nhuận mang ý nghĩa khác như đảm bảo tính hiệu quả kinh doanh của công ty con trong mắt các nhà đầu tư.

Hướng đi nào cho các công ty chứng khoán

Hiện nay với 102 công ty có giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán, có 30 công ty vốn điều lệ nhỏ hơn 100 tỷ đồng, khoảng 41 công ty vốn điều lệ từ 100- 400 tỷ đồng

Đối với công ty còn lại vốn điều lệ trên 500 tỷ, hoặc là công ty chứng khoán của các ngân hàng, tập đoàn lớn. Được sự hỗ trợ từ công ty mẹ, có tiềm lực tài chính là lợi thế của 30 công ty dạng này. Những công ty này sẽ tránh được việc bị thâu tóm, hay giải thể.

Các công ty chứng khoán nhỏ, kinh doanh kém dường như chỉ có 2 lựa chọn: giải thể hoặc bán toàn bộ cho đối tác khác. Có 2 đối tượng cũng vẫn còn quan tâm đến những công ty dạng này là tập đoàn tài chính nước ngoài hoặc trong nước.

Đối tác nước ngoài quan tâm vì họ muốn vào TTCK Việt Nam nhưng để xin được giấy phép là rất khó bởi nhiều rào cản như pháp lý, hay quy tắc thị trường khác. Ví dụ là Morgan Stanley mua lại chứng khoán Hướng Việt, tập đoàn Kenanga mua chứng khoán Vàng.

Với những đối tác trong nước do chưa có đơn vị kinh doanh chứng khoán nên mua công ty có sẵn để nhanh chóng tham gia thị trường. Navibank mua chứng khoán E-Việt là trường hợp điển hình.

Nếu các công ty chứng khoán nhỏ, kinh doanh thiếu hiệu quả, không tìm được đối tác mua lại trong năm nay thì rất khó để tiếp tục tồn tại.

Xu hướng mua bán, sáp nhập công ty chứng khoán với nhau có thể sẽ đến với phân khúc trung bình của thị trường. Các công ty ở phân khúc này gặp khó khăn nhưng chưa đến mức không thể tiếp tục. Tuy nhiên nếu khó khăn kéo dài thì số phận của những công ty này cũng khá mong manh.

Các công ty thuộc nhóm trung bình có thị phần nhất đinh, rất cần vốn để mở rộng hoạt động, tăng sức cạnh tranh, nhưng phải tối ưu được chi phí. M&A là lựa chọn phù hợp bối cảnh như thế.. Quan trọng là lãnh đạo CTCK cần xác định rõ việc sáp nhập không phải là đánh mất quyền lợi của một nhóm nào, mà đem lại cơ hội mới cho công ty phát triển.

Nhiều chuyên gia tư vấn M&A dự đoán, khởi đầu quý 2 sẽ có lác đác thông tin công bố thay đổi chủ sở hữu công ty chứng khoán. Đến cuối năm việc mua bán, sáp nhập sẽ thực sự bùng nổ nếu như tình hình chung không có biến đổi khả quan.

Mỗi công ty tùy theo điều kiện sẽ phải lựa chọn một giải pháp để tồn tại. Trên TTCK, ai có thể tồn tại đến cuối, người đó sẽ thành công.

Cao Sơn

tungdn2

Trở lên trên