Hụt thu từ môi giới, nhiều CTCK bị giảm mạnh lợi nhuận
Thanh khoản èo uột quý 3 đã khiến hàng loạt công ty chứng khoán bị giảm mạnh nguồn thu môi giới. Hệ quả là lợi nhuận cũng bị giảm sâu.
Mùa báo cáo tài chính quý 3 đã và đang đi vào giai đoạn cao điểm. Như thường lệ, công ty chứng khoán vẫn thường dẫn đầu thị trường về thời gian công bố thông tin. Đến thời điểm hiện tại, nhiều CTCK lớn đã rục rịch công bố kết quả kinh doanh.
Hụt thu từ môi giới
Hụt thu từ môi giới là điều dễ thấy nhất trong quý 3 này. Thực tế, thị trường chứng khoán đã chứng kiến một quý 3 ảm đạm thời gian qua. Không có nhiều bứt phá của thị trường, thanh khoản thấp khiến nhà đầu tư “ngại” giao dịch. Và, điều tất yếu là doanh thu môi giới chứng khoán của các công ty chứng khoán giảm mạnh so với cùng kỳ. Báo cáo tài chính của các công ty top đầu môi giới thể hiện rõ nhất vấn đề này.
Chứng khoán HSC (mã HCM)-top 2 môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE-đã công bố kết quả kinh doanh quý 3 với doanh thu môi giới giảm gần 14% so với cùng kỳ, còn chưa đầy 75 tỷ. Lũy kế 9 tháng, nguồn doanh thu môi giới của công ty cũng giảm hơn 13%.
Với tỷ trọng nguồn thu không quá phụ thuộc vào môi giới, VnDirect vẫn giữ được mức tăng trưởng tổng doanh thu 36% cho kỳ quý 3/2015 so với cùng kỳ dù rằng doanh thu môi giới giảm đến 15%. Lũy kế 9 tháng, VNDS cũng bị giảm 23% nguồn thu môi giới, chỉ đạt gần 105 tỷ đồng.
Công ty chứng khoán hiện đang đứng đầu bảng xếp hạng thị phần môi giới là SSI cũng không tránh khỏi “nỗi buồn” thanh khoản của chung thị trường. Theo SSI, tâm lý thận trọng của Nhà đầu tư trong quý 3 lo ngại về tỷ giá, giá dầu giảm và đàm phán TPP đã dẫn đến thanh khoản thị trường thấp và là nguyên nhân ảnh hưởng tới doanh thu của Công ty. Doanh thu môi giới quý 3/2015 của SSI chỉ còn gần 84 tỷ, giảm 11% so với cùng kỳ và lũy kế 9 tháng giảm 9%, đạt hơn 217 tỷ.
Mảng môi giới của Chứng khoán Thiên Việt (TVS) vốn dĩ đã không lớn nhưng quý 3 vừa rồi cũng sụt giảm gần 60% so với cùng kỳ dù 6 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh mảng hoạt động này.
Ngay cả công ty chứng khoán vừa và nhỏ lâu nay mảng môi giới đạt nguồn thu không đáng kể nay lại tiếp tục sụt giảm sâu. Chứng khoán Phương Đông (ORS) chỉ còn 360 triệu đồng doanh thu môi giới quý 3, giảm mạnh so với mức 610 triệu đồng cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đạt 1,07 tỷ đồng, cùng kỳ đạt 1,7 tỷ.
Hay như chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS), trong bản giải trình nguyên nhân lợi nhuận quý 3 sụt giảm sâu (96%), công ty này cho hay, ngoài lý do chi phí hoạt động kinh doanh và quản lý doanh nghiệp tăng, công ty còn chịu tác động của yếu tố thị trường. Diễn biến thị trường chung quý 3/2015 khiến doanh thu môi giới của công ty giảm là một phần lý do khiến công ty đạt lợi nhuận không như mong muốn.
Như chứng khoán Hải Phòng (HPC), hàng loạt kế hoạch lớn chưa thấy thực hiện được nhiều mà thay vào đó là kết quả kinh doanh không mấy khả quan. HPC giảm mạnh doanh thu trong đó mảng doanh thu từ hoạt động môi giới quý 3 chỉ còn 2,13 tỷ, chưa bằng một nửa cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đạt 5,8 tỷ trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt gần 14 tỷ.
Công ty chứng khoán vừa và nhỏ khác là VIG-Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt nam; Công ty chứng khoán SJC (SJCS), Chứng khoán Hòa Bình (HBS), Chứng khoán SHB (SHBS) cũng không nằm ngoài thảm cảnh chung của thị trường.
Lợi nhuận giảm sâu
Doanh thu môi giới thông thường là một mảng thu trọng yếu của các công ty chứng khoán đứng ở top 10 môi giới. Và, một khi nguồn thu này bị ảnh hưởng thì không lấy gì làm ngạc nhiên khi mà lợi nhuận cũng bị giảm mạnh.
Như HSC, lợi nhuận quý 3 năm nay chưa bằng một nửa cùng kỳ và tính chung cả năm cũng không mấy khả quan hơn khi con số lợi nhuận chỉ chưa đầy 145 tỷ, giảm 55%.
Khác với HSC, Chứng khoán VnDirect có cơ cấu doanh thu cân bằng hơn nên dù doanh thu môi giới giảm mạnh nhưng công ty vẫn ghi nhận lợi nhuận quý 3 hơn 46 tỷ đồng, tăng 6% so với quý 3/2014. Lợi nhuận 9 tháng cũng tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, “nỗi buồn môi giới” khiến kế hoạch doanh thu, lợi nhuận cả năm 2015 của VNDirect mới chỉ đạt chưa đầy 65%.
Đối với SSI, doanh nghiệp này nhờ doanh thu khác vẫn tốt nên lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong quý 3 và 9 tháng vẫn đạt mức tăng trưởng 9% và 13% so với cùng kỳ.
Còn APS, dù trong năm nay công ty lên kế hoạch tuyển dụng rầm rộ với mức lương trên 5.000 USD/tháng cho giám đốc điều hành nhưng kết quả kinh doanh cho thấy lợi nhuận của công ty hiện đang rất thấp, thậm chí, 9 tháng đầu năm lãi chỉ bằng ¼ năm ngoái.
Cũng như nhiều công ty chứng khoán khác, HPC bị sụt giảm mạnh lợi nhuận từ mức 6,6 tỷ quý 3 năm ngoái còn 304 triệu đồng quý 3 năm nay. 9 tháng đầu năm nay, công ty vẫn còn gánh khoản lỗ 9,35 tỷ, cùng kỳ lãi 12,88 tỷ.
Lợi nhuận năm ngoái đã eo hẹp, năm nay, cùng việc giảm nguồn doanh thu môi giới, lợi nhuận của SHBS cũng giảm sâu so với cùng kỳ, đạt hơn 30 triệu đồng (cùng kỳ 911 triệu đồng). Giải trình nguyên nhân lợi nhuận thấp, SHBS cũng cho biết, công ty đã tích cực đẩy mạnh hoạt động tư vấn và môi giới nhưng do tình hình chung giao dịch trên thị trường chứng khoán khá trầm lắng và xu hướng giảm điểm nên lợi nhuận thấp.
Quý 3 vừa qua có lẽ là một quý buồn của công ty chứng khoán bởi lẽ thị trường chung lình xình đã khiến nguồn thu môi giới eo hẹp hẳn. Đó là chưa kể đến việc doanh thu thu lãi margin cũng bị ảnh hưởng nặng nề khiến lợi nhuận của công ty chứng khoán sụt giảm.
Trí Thức Trẻ