MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khất nợ cổ tức: Dễ nên nhờn!

Do kinh doanh thua lỗ hoặc bị nợ đọng lớn, nên nhiều doanh nghiệp (DN) chẳng còn tiền mặt để chia cổ tức, dù đã liên tục thất hứa.

 Cổ đông phải "cắn răng" chịu thiệt hại vì giá cổ phiếu xuống thấp, không có cổ tức, lại chuốc thêm bực mình vì những chiêu trò khất nợ của DN.

Tình trạng DN chây ỳ, không trả cổ tức các năm 2010 - 2012 đang diễn ra phổ biến ở một số lĩnh vực như xây dựng, bất động sản, vật liệu xây dựng… Ngay cả những công ty lớn, kinh doanh có lãi vẫn tìm cách trì hoãn kế hoạch trả cổ tức, khất nợ hết lần này đến lần khác, bất chấp cổ đông phản đối dữ dội.

Nợ "quá tam, ba bận"

Công ty CP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (mã SMA) có lẽ không ngại "làm xấu" hình ảnh DN khi liên tục sai hẹn trả cổ tức tới… 5 lần. Mới đây, công ty này dự kiến sẽ trả cổ tức năm 2011 bằng tiền mặt ở mức 14% vào ngày 2/12. Nhưng đến hẹn, Công ty lại xin khất nợ đến cuối tháng 12, khiến các cổ đông không khỏi bức xúc, xót xa. Lý do khất nợ mà SMA đưa ra vẫn là "nguồn thu bị trễ", nên không có tiền mặt chi trả cổ tức, khoảng 22,5 tỷ đồng.

Thực tế, kết quả kinh doanh của SMA thời gian qua không có đột phát, lợi nhuận lẹt đẹt ở mức rất thấp. Doanh thu 9 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 212,6 tỷ đồng, lợi nhuận vỏn vẹn chỉ 5,74 tỷ đồng. Trong khi đó, công nợ của SMA hiện vẫn còn rất lớn, nên khả năng cân đối nguồn tiền để trả cổ tức hiện khó khăn. Suốt 2 năm qua, cổ đông SMA rất sốt ruột, chỉ mong công ty thanh toán hết cổ tức của năm 2011, chứ chưa dám mơ đến cổ tức của năm 2012 và 2013.

Cổ đông của Công ty CP Đầu tư hạ tầng và đô thị Dầu khí PVC (mã PTL) cũng thất vọng, chán nản vì cổ tức của năm 2011 bị trì hoãn tới 4 lần. Theo thông báo của PTL, do khách hàng chưa chuyển tiền trả nợ như cam kết, nên Công ty "bí" tiền mặt, không có nguồn khác chi cổ tức. Tháng 6/2013, PTL đã hứa sẽ trả tiền cho cổ đông, nhưng sau đó lại sai hẹn và xin lùi thời hạn đến tận… tháng 12/2014. Có nghĩa, cổ đông PTL sẽ phải chờ thêm 1 năm nữa mới được nhận cổ tức của năm 2011. Còn cổ tức năm 2012 có lẽ sẽ phải chờ "dài cổ"!

Thế nhưng, bi đát nhất là trường hợp Công ty CP Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex (VCR), vì hiện vẫn nợ cổ tức năm 2010. Hay Công ty CP Vật liệu Xây dựng Đà Nẵng hoãn cổ tức (tỷ lệ 6,5%) vì lý do phải giải trình nguồn tiền với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo lãnh đạo một số DN, năm nay, nhiều DN rất khó có thể thực hiện chia cổ tức như dự kiến vì kết quả kinh doanh bết bát, lợi nhuận rất thấp hoặc thua lỗ, công nợ chồng chất... Hơn nữa, DN đã rất chật vật mới cầm cự được trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sản xuất kinh doanh trì trệ kéo dài suốt 3 năm qua.

Do đó, mục tiêu trước mắt là đảm bảo việc làm, lương cho người lao động, duy trì hoạt động công ty. Còn các khoản chi thưởng, phúc lợi, cổ tức… tạm hoãn lại hoặc chia nhỏ thành nhiều đợt thanh toán để giảm áp lực tài chính. Các DN cũng đang cân nhắc các phương án trả cổ tức cho cổ đông: có thể trả bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu, hoặc tiếp tục… khất nợ!

Phạt HĐQT nếu sai hẹn cổ tức

Kế hoạch chi cổ tức hàng năm của DN được tính toán dựa trên các chỉ tiêu kinh doanh, được đưa ra Đại hội đồng cổ đông biểu quyết, nhất trí thông qua. Trong đó, quy định rõ tỷ lệ chia cổ tức, phương thức thanh toán (tiền mặt, cổ phiếu), thời gian dự kiến chi trả… Nếu có những thay đổi về chính sách cổ tức, DN phải thông báo cho cổ đông, nhà đầu tư theo quy định.

Anh Dũng - một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán, cho rằng việc chây ỳ, khất nợ rồi không chịu thanh toán cổ tức là tình cảnh chung của các công ty niêm yết trên sàn. Cổ đông đã phải chịu "thiệt đơn, thiệt kép" khi mua cổ phiếu của DN, như không thu được đồng lời nào, giá cổ phiếu từ vài chục nghìn đồng giờ tụt xuống vài nghìn, rẻ hơn cả rau muống.

"Tiền mua cổ phiếu lẽ ra đem gửi ngân hàng, mua vàng hoặc ngoại tệ còn được tiền lãi "đẻ" ra, đỡ xót ruột", anh Dũng nói và chỉ ra một số điểm bất hợp lý trong quy định trả cổ tức hiện nay. Đó là hội đồng quản trị (HĐQT) công ty chỉ ra thông báo hoãn việc trả cổ tức, mà không xin ý kiến của Đại hội đồng cổ đông; không công bố thông tin rõ ràng… đã đẩy cổ đông vào thế bị động, buộc phải chấp nhận. Trong khi đó, quy định hiện hành lại chưa có chế tài xử lý DN vi phạm nghĩa vụ trả cổ tức cho cổ đông. Cho nên, DN cứ "vô tư" viện đủ các lý do để trì hoãn việc trả cổ tức, chiếm dụng tiền của cổ đông.

Liên quan đến vấn đề quản trị công ty đại chúng tại Việt Nam, Nhóm công tác quản trị và minh bạch, Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) vừa đưa ra đề xuất: cần áp dụng các biện pháp xử phạt với thành viên HĐQT nếu không chi trả cổ tức đúng thời hạn. Chính sách cổ tức và các thông tin về việc chi trả cổ tức trong 3 năm phải được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của DN tại mọi thời điểm. Biện pháp này sẽ phần nào đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông, nhất là nhóm cổ đông thiểu số.

"DN khất nợ cổ tức làm cổ đông bị thiệt hại, chưa kể nhiều chiêu trò khác gây mất niềm tin cho cổ đông. Dù cổ đông có kiện đòi cũng không ăn thua vì cổ đông nhỏ "thấp cổ, bé họng" nên không đủ số phiếu (tỷ lệ biểu quyết) để áp đảo nhóm cổ đông lớn, gồm các thành viên trong HĐQT", anh Dũng thở dài nói.

Theo Thu Hằng

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

Trở lên trên