Khi 3.000 tỷ/phiên trở nên... đơn giản
Các chuyên gia có quan điểm trái chiều về thị trường sẽ tăng tiếp hay đây đang là giai đoạn phân phối đỉnh.
- 14-02-2014PVX được mua mạnh giá trần, thị trường quen với các phiên giao dịch 3.000 tỷ
- 14-02-2014Premium của VNM ETF lên tới 11%, khối ngoại mua ròng 5 phiên liên tiếp
Đó cũng là tâm trạng chung của các chuyên gia trong tọa đàm hàng tuần “Xu thế dòng tiền” của VnEconomy, khi tỏ ra quan ngại về quy mô thanh khoản quá cao trong tuần này, với những nhận định khá bi quan về triển vọng thị trường trong ngắn hạn.
Một mặt bằng thanh khoản mới
Nhà báo Nguyễn Hoàng (VNEconomy):
Ấn tượng mạnh trong tuần giao dịch này phải nói đến quy mô của dòng tiền trên thị trường. Trên 14 ngàn tỷ đồng được giao dịch trong 5 phiên giao dịch tuần qua, và thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua những nỗi lo lắng cũng như hy vọng trái ngược, khi chứng kiến quy mô giao dịch chưa từng có như vậy trong nhiều năm.
Đã có không ít những nhận xét về một khả năng phân phối trên thị trường, quan điểm của anh chị như thế nào? Cảm giác của anh chị về quy mô của dòng tiền hiện tại, đặc biệt khi phải đối diện một phiên giao dịch như ngày 11/2?
Ông Nguyễn Hữu Việt (Giám đốc nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán IRS)
Tôi cho rằng đang xảy ra quá trình phân phối ngắn hạn.
Một vài đặc trưng của quá trình này có thể nêu ra như sau : dòng tiền có xu hướng chuyển dịch từ nhóm cổ phiếu dẫn sóng (nhóm tăng đầu sóng – các cổ phiếu dầu khí, các cổ phiếu vốn hóa lớn) sang nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao hơn (các cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, và penny thị giá thấp); quy mô dòng tiền đột ngột tăng mạnh và liên tục duy trì ở mức cao cũng là một đặc trưng thường thấy ở giai đoạn phân phối.
Ví dụ minh họa rõ nét nhất về giai đoạn này và các đặc trưng của nó là thời điểm tháng 4/2012, và tháng 2/2013 - đây là thời điểm mà thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao, các cổ phiếu đầu cơ tăng mạnh trong khi các cổ phiếu tăng từ đầu sóng bị chốt lời và chững giá.
Ông Lê Đức Khánh (Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư tại Công ty Chứng khoán MSBS)
Dòng tiền liên tục được đẩy vào thị trường trên cả hai sàn HSX và HNX với thanh khoản trung bình phiên trên hai sàn cũng gần 2.500 tỷ đồng/phiên. Hiện tại không phải là các phiên phân phối khi mà các nhóm cổ phiếu đang tăng điểm luân phiên để kéo chỉ số VN-Index lên.
Giai đoạn này tôi có thể gọi là giai đoạn 2 của quá trình “bùng nổ theo đà” do nhiều mã cổ phiếu được mua gom mạnh với thanh khoản lớn. Thị trường đã nằm trong giai đoạn 2 của xu hướng tăng giá và nó sẽ vẫn phải đi đến cuối chặng đường và chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục đi lên các tầm cao mới do dòng tiền đang duy trì ở mức cao.
Ông Phạm Tiến Dũng (Trưởng bộ phân nghiên cứu thị trường của Công ty Chứng khoán BVSC)
Với mặt bằng lãi suất thấp, chuyển biến tích cực trong bối cảnh kinh tế cùng kỳ vọng về chính sách, tôi cho rằng một mặt bằng thanh khoản mới đang được thiết lập, và chúng ta phải quen dần với các phiên có khối lượng và giá trị giao dịch lớn.
Tuy vậy, do tốc độ tăng quá nhanh của giá, và thanh khoản trong thời gian ngắn nên nhiều khả năng thị trường sẽ sớm bước vào nhịp điều chỉnh giảm.
Bà Hồ Huyền (Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán VNDS)
Hiện tượng 11/2 có thể gây ra những lo ngại về phân phối đỉnh, nhưng thực tế 3 phiên sau đó đã cho thấy đó là thời điểm đánh dấu một mặt bằng thanh khoản mới cho thị trường. Việc đạt giá trị giao dịch mỗi phiên 3.000 tỷ trở nên rất đơn giản trong tuần vừa qua.
Thanh khoản tăng, giá tăng là những tín hiệu tốt cho thấy thị trường có khả năng tiếp tục tăng trưởng. Lưu ý là thanh khoản tăng nhưng mỗi phiên lại tập trung vào một số nhóm cổ phiếu khác nhau, nên sự phân hóa vẫn sẽ tiếp tục chi phối thị trường.
Ông Trần Hữu Phúc (phụ trách Phòng môi giới tại Hội sở chính Công ty Chứng khoán VCBS)
So với giá trị giao dịch bình quân của toàn thị trường trong năm 2013 (khoảng 1.400 tỷ đồng/phiên), giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường trong tuần vừa qua đã đạt con số kỷ lục gấp khoảng 2 lần.
Điều này cho thấy thị trường đang bước vào giai đoạn tăng trưởng khá nóng, đặc biệt trong bối cảnh quy mô giải ngân của khối ngoại tăng mạnh như giai đoạn quý 1/2013.
Trong diễn biến này, nhiều mã cổ phiếu bluechips như GAS, DPM, FPT đã lần lượt vượt qua mức giá cao kỷ lục trong vòng 2-3 năm trở lại đây trong khi kết quả kinh doanh của cả năm 2013 đã được hé lộ ở gần hết các cổ phiếu trụ cột.
Điểm đáng chú ý là dòng tiền vẫn đang xoay vần và nâng dần mặt bằng của nhiều nhóm cổ phiếu đi lên, do đó, sự điều chỉnh nếu xảy ra sẽ là cơ hội tốt để mua vào nhiều cổ phiếu tốt.
Theo Nguyễn Hoàng