Khi bên bán hành động
Sau khi một số cổ phiếu tăng giá mạnh, các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ đã tiến hành bán ra. Đây là động thái rất đáng theo dõi trong giai đoạn hiện nay.
Nếu tính từ đầu năm 2013 đến nay, cổ phiếu này đã tăng giá từ hơn 10.000 đồng/cổ phiếu lên hơn 15.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 50%. Ngày 30/5, HĐQT của VSH cũng phê duyệt việc bán ra 4 triệu cổ phiếu quỹ VSH với giá bán dự kiến từ 12.000 - 15.000 đồng/cổ phiếu và giao cho tổng giám đốc chọn thời điểm thích hợp.
Tài chính Dầu khí (PVFC-PVF) đã đăng ký bán ra 5 triệu cổ phiếu PPC (Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại) từ ngày 27/5 - 25/6. Thời gian qua, PPC là một trong những cổ phiêu tăng nhanh và tăng mạnh nhất thị trường, từ đầu năm 2013 đến hết tháng 5, cổ phiếu này đã tăng gấp đôi từ khoảng 13.000 đồng/cổ phiếu lên xấp xỉ 27.000 đồng/cổ phiếu.
Ngoài PVFC, thành viên ban kiểm soát của PPC cũng đăng ký bán ra 20.000 cổ phiếu từ ngày 3/6 - 2/7. Mặc dù thời hạn bán ra là 1 tháng nhưng với thanh khoản lên đến vài triệu cổ phiếu mỗi phiên thì có lẽ chỉ cần 1 - 2 phiên là lượng cổ phiếu của cổ đông nội bộ này sẽ nhanh chóng được thị trường tiêu thụ.
Chỉ trong vài phiên giao dịch từ ngày 21/5 - 24/5, Công ty CP CNG Việt Nam (CNG) đã hoàn tất việc bán ra 100.000 cổ phiếu GAS (PVGas). Với việc GAS đã tăng vượt mức giá 60.000 đồng/cổ phiếu trong tuần vừa qua, một loạt các cổ đông nội bộ của công ty như kế toán trưởng, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc… đã tiến hành bán ra.Tháng 11/2010, PVGas đã bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với giá đấu giá bình quân 31.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nếu mua trong đợt IPO hơn 2 năm trước và bán ra vào những ngày cuối tháng 5 vừa qua thì tiền lãi thu về cũng đã gần tương đương số tiền bỏ ra. Còn nếu tính từ mức giá chào sàn HoSE hơn 1 năm trước là 36.000 đồng/CP và phiên đầu tiên đóng cửa ở mức 41.000 đồng/CP thì GAS cũng tăng rất đáng kể.
Thường khi các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ bán ra cổ phiếu, câu hỏi đặt ra ở đây là liệu áp lực nguồn cung có thể chặn đà tăng giá của cổ phiếu hay cổ phiếu đã đạt đỉnh rồi hay không? Thực tế, việc bán đỉnh hay mua đáy luôn là thách thức cho tất cả các nhà đầu tư, bất kể nhỏ hay lớn.
Cổ đông nội bộ nếu bán ra với khối lượng nhỏ, vì mục tiêu cá nhân như giải quyết tài chính thì cũng khó lòng tác động đến cung cầu. Cổ đông có đôi chút khác biệt khi lượng cung hàng lớn có thể ảnh hưởng đến cán cân cung cầu. Nhưng nếu vẫn còn những cổ đông lớn khác với sức mua mạnh thì cổ đông lớn bán ra cũng khó có thể thay đổi đột ngột xu hướng của cổ phiếu.
Ngoài ra, nếu thị trường hưng phấn, lượng bán ra của cổ đông lớn nếu không quá lớn cũng khó lòng gây ra những tác động mạnh. Năm 2009, đã từng có trường hợp một số quỹ đầu tư bán ra một vài cổ phiếu được xếp vào hàng blue chips của thị trường, nhưng sau đó những cổ phiếu này vẫn tăng giá rất mạnh.
Thực tế, khi cổ đông lớn tiến hành bán ra, thì ngoài yếu tố giá cả, thanh khoản cũng là một yếu tố quan trọng. Khi thị trường diễn biến tích cực, việc đẩy mạnh cung hàng sẽ rất dễ dàng, thậm chí còn không ảnh hưởng đến giá cả. Ngày VIAC bán ra 2,53 triệu VSH cũng là ngày cổ phiếu này tăng trần và khớp đến 4 triệu đơn vị. Có nghĩa là khi cổ đông lớn bán ra, ngoài yếu tố giá tốt, thì thanh khoản cũng rất tốt.
Hơn nữa, việc cổ đông lớn bán ra cũng có thể mang ý nghĩa tích cực đó là "hạ nhiệt" độ nóng của cổ phiếu, cổ phiếu sẽ đi ngang, hoặc điều chỉnh. Nhưng điều này cũng góp phần gia tăng mức độ tích luỹ cho thị trường, là cơ hội để cho các cổ đông lớn khác tham gia. PPC, GAS hay VSH đều là những cổ phiếu có tình hình kinh doanh khả quan, dòng tiền ổn định.
Trừ trường hợp thị trường chung diễn biến tiêu cực, và có những yếu tố bất thường, còn lại, khả năng các cổ phiếu này sau khi bị cổ đông lớn bán ra và giảm cực mạnh cũng rất khó xảy ra. Khi giảm về một mức giá hợp lý, sẽ có lực mua xuất hiện tạo nên sự cân bằng. Nói tóm lại, muốn xác định ảnh hưởng khi cổ đông lớn, cổ đông nội bộ bán ra, cần xem xét rất nhiều yếu tố, từ thị trường, doanh nghiệp, lượng bán ra so với cán cân thanh khoản của thị trường…
Theo Khiêm An