Khó chây ì lên sàn nếu IPO
Khi lên sàn, tính minh bạch được nâng lên UBCKNN cũng sẽ sẽ kiểm soát được những ai đang sở hữu CP ngân hàng, từ đó kiểm soát được sở hữu chéo.
Tại Hội nghị ngành ngân hàng vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các ngân hàng cổ phần đại chúng phải đưa lên sàn chứng khoán, giao dịch công khai minh bạch để khắc phục sở hữu chéo. Những điều này, theo các chuyên gia sẽ có tác động mạnh đến TTCK khi nhiều doanh nghiệp dù đã là đại chúng, phát hành CP ra công chúng nhưng vẫn tìm cách chây ì trong việc niêm yết, đăng ký giao dịch tập trung.
Theo ông Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia tài chính, yêu cầu trên và chế tài pháp luật đi kèm trong việc bắt buộc ngân hàng, công ty đại chúng lên sàn là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế. Khi CP được niêm yết, các doanh nghiệp, ngân hàng buộc phải minh bạch, khôi phục niềm tin của NĐT vốn đã bị ảnh hưởng qua một số vụ vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán vừa qua.
Ở Việt Nam, các ngân hàng hầu như phát hành CP ra công chúng nên yêu cầu đó là thích hợp, cần thiết dù hơi chậm. Nếu như chúng ta làm được điều này cách đây 5 năm, có thể kiểm soát được nợ xấu vốn tăng lên nhiều trong 3 năm qua. Và khi lên sàn, tính minh bạch được nâng lên UBCKNN cũng sẽ sẽ kiểm soát được những ai đang sở hữu CP ngân hàng, từ đó kiểm soát được sở hữu chéo.
Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT HNX, quy định và chế tài cụ thể được đưa ra tại Nghị định 108 thể hiện quyết tâm của Chính phủ, ngành chứng khoán trong việc bảo vệ quyền lợi NĐT, đặc biệt những người đã đầu tư vào công ty đại chúng.
Điều này đồng nghĩa với việc các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ phải xem xét lại nghĩa vụ quản lý doanh nghiệp, trách nhiệm với cổ đông… Những điều này sẽ tạo tín hiệu tích cực cho TTCK Việt Nam thời gian tới.