MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khơi dòng lợi nhuận mới từ TTCK phái sinh

Chứng khoán phái sinh giúp nhà đầu tư thực hiện những mục tiêu khác nhau, như phân tán rủi ro, bảo vệ lợi nhuận hoặc tạo ra lợi nhuận.

Cần thiết

Mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt đề án "Xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam" với quan điểm xây dựng thị trường này theo mô hình tập trung, hoạt động thống nhất dưới sự quản lý của Nhà nước, dựa trên các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, không để thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh tự do hình thành và hoạt động tự phát...

Có thể thấy, ở Việt Nam, TTCK đã có hơn 13 năm hình thành và phát triển, nhu cầu ra đời các sản phẩm phòng vệ cho rủi ro, hay gia tăng lợi ích đầu tư dựa trên các sản phẩm cơ sở (cổ phiếu, trái phiếu) là rõ ràng.

Nhất là trong thời kỳ chứng khoán tăng trưởng nóng, nhà đầu tư và các công ty chứng khoán cũng đã thiết kế ra các sản phẩm phái sinh, nhằm gia tăng công cụ phòng vệ rủi ro và gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, do chưa có hệ thống pháp lý nên chưa cho phép triển khai thực hiện.

Theo ông Diệp Trí Minh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Phương Đông - ORS, TTCK Việt Nam đã và đang hội nhập với TTCK toàn cầu, nên việc có thị trường phái sinh là điều tất yếu. Hơn hết, thị trường sẽ được hưởng lợi khi có thị trường phái sinh, chắc chắn thanh khoản sẽ gia tăng, thu hút thêm những dòng tiền mới.

Tương tự, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam phân tích, tại châu Âu và Mỹ, TTCK phái sinh đã được hình thành khá lâu và là một hình thức đầu tư tài chính được rất nhiều quỹ đầu tư và các ngân hàng đầu tư ưa chuộng.

Các định chế tài chính lớn thường dùng sản phẩm phái sinh như một hình thức đầu tư với chi phí vốn ít nhưng có khả năng mang lại lợi tức cao hoặc mua hay bán sản phẩm phái sinh nhằm mục đích bảo vệ kết quả cho các họat động đầu tư chính của họ. Một số nước phát triển ở châu Á như Hàn Quốc cũng đang phát triển mạnh sản phẩm này.

Thị trường phái sinh ở các quốc gia nêu trên rất đa dạng, thường bao gồm các sản phẩm hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, các loại option như quyền chọn mua, quyền chọn bán... không chỉ dành cho chứng khoán, trái phiếu, ngoại tệ mà còn dành cho các loại sản phẩm hàng hóa như xăng dầu, sắt thép, lúa mì, gạo, cao su...

Việc đa dạng hóa sản phẩm phái sinh cũng như áp dụng trên nhiều mặt hàng đã góp phần tạo nên một thị trường sôi động, hấp dẫn và thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư chuyên nghiệp và tạo nên một dòng vốn đầu tư cực kỳ lớn trên thế giới.

Đối với TTCK Việt Nam, theo ông Phương, việc triển khai đề án sẽ không khó nhưng sẽ cần nhiều thời gian, và chúng ta đã có được những kinh nghiệm quản lý, vận hành từ các quốc gia đi trước. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng đã nghiên cứu kỹ sản phẩm này và đang triển khai một cách rất thận trọng.

Nhưng không dễ dàng

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là việc triển khai sẽ dễ dàng. Trên thực tế, khi các cơ quan quản lý thị trường bộc lộ ý định xây dựng thị trường phái sinh cho đến khi đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã là vài năm.

Trong khoảng thời gian này, nhiều người nghĩ rằng những người xây dựng đề án đã nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của thị trường cũng như các cơ sở hiện có để tạo thành một đề án phù hợp.

Mặt khác, cơ quan quản lý cũng liên tục có những động thái hỗ trợ thị trường và thực hiện rất quyết liệt trong thời gian qua nhưng thị trường vẫn phải chờ đợi để có lộ trình cụ thể về thời điểm ra đời của thị trường phái sinh. Điều quan trọng không phải là chuyện thị trường ra đời nhanh hay chậm mà cần có những khoảng thời gian, các kế hoạch cụ thể để chuẩn bị.

Nói như ông Minh, đối với các công ty chứng khoán, tham gia thị trường phái sinh sẽ đòi hỏi sự đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống, nghiệp vụ. Điều này vừa có tác dụng thanh lọc vừa nâng chất thị trường. Mặt khác, các nhà đầu tư cũng cần nắm rõ thời gian để có thể tiếp cận với các sản phẩm phái sinh nhằm có thêm những công cụ đầu tư, phòng chống rủi ro tốt hơn nữa.

Đồng quan điểm, ông Phương cũng nói rằng, cái khó có thể đến từ việc phải cải tiến hệ thống sao cho phù hợp với công nghệ mà chúng ta đang sử dụng vì các giao dịch về chứng khóan phái sinh khá phức tạp và đòi hỏi độ chính xác cũng như cường độ giao dịch lớn.

Thêm vào đó, kiến thức về các sản phẩm này cũng như nguyên tắc giao dịch còn mới đối với các nhà đầu tư cũng như các công ty chứng khóan nên cần nhiều thời gian để phổ biến kiến thức, qui trình, qui chế đến các thành viên tham gia vào thị trường trước khi triển khai sản phẩm này.

Đơn cử, để áp dụng, Công ty KIS Việt Nam sẽ tận dụng các ưu thế về kiến thức, công nghệ sẵn có từ Công ty KIS Hàn Quốc để phát triển hệ thống và nâng cao kiến thức, nghiệp vụ cho các nhân viên KIS Việt Nam về thị trường này.

Ngoài ra, Công ty KIS Hàn Quốc cũng sẽ đưa chuyên gia sang huấn luyện kết hợp đưa nhân viên Việt Nam sang Hàn Quốc học tập, trao dồi thêm về những kiến thức liên quan đến sản phẩm phái sinh để chuẩn bị chào đón bước ngoặc mới của TTCK Việt Nam...

Quả vậy, về vấn đề này TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thừa nhận, TTCK phái sinh rất nhạy cảm và phức tạp, đồng thời có một hiệu ứng đòn bẩy rất cao. Do vậy, nếu Nhà nước không đưa vào quỹ đạo giám sát, quản lý ngay từ đầu mà để hình thành tự phát thì rủi ro, mặt trái của nó rất lớn.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, các quốc gia trên thế giới đều phải chuẩn hóa các sản phẩm chứng khoán phái sinh để đưa vào niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán, mặt khác họ đều hạn chế hoặc cấm các giao dịch OTC nghiêm ngặt.

"Do vậy, tại Việt Nam, cần phải có nghiên cứu, đề án, hệ thống pháp lý tổng thể cho việc hình thành và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh. Bởi ở Việt Nam, TTCK cơ sở mới hình thành và phát triển chưa thực sự dài, nên sự hiểu biết cũng như sự chịu tác động của rủi ro chưa lớn. Vậy nên, việc hình thành sản phẩm chứng khoán phái sinh cũng phải từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với các điều kiện, nền tảng trong nước, cũng như sự hiểu biết của công chúng đầu tư”, ông Sơn nói.

Theo HÀ LINH

thanhhuong

Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên