MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không cho CTCK nhỏ cung cấp dịch vụ T0, UBCK đang “ép” họ tự đào thải?

Có thể dự báo rằng, nếu chỉ cho một nhóm các CTCK có vốn điều lệ trên 800 tỷ (xếp hạng CTCK lớn) được cung cấp dịch vụ này thì khả năng cao là khách hàng sẽ chạy từ CTCK nhỏ sang các CTCK lớn.

Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC ngày 1/6/2011 hướng dẫn về giao dịch chứng khoán đang được UBCK lấy ý kiến các thành viên thị trường, dự kiến kết thúc vào ngày 17/7 tới.

Nội dung nổi bật được thị trường quan tâm trong Thông tư này là cho phép giao dịch mua bán cổ phiếu trong ngày. Nhưng thông tư cũng lại có quy định giới hạn điều kiện đối với công ty chứng khoán được cung cấp dịch vụ này.

Cụ thể, CTCK phải có vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ đạt từ 800 tỷ đồng trở lên tại báo cáo tài chính của năm tài chính gần nhất đã được kiểm toán và báo cáo tài chính bán niên gần nhất đã soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.

CTCK cũng phải đảm bảo đã trích lập đầy đủ các khoản dự phòng theo quy định, và không có lỗ trong 02 năm gần nhất; tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiểu 220% liên tục trong 12 tháng gần nhất trước tháng nộp hồ sơ báo cáo về việc đăng ký môi giới giao dịch mua bán trong ngày.

CTCK được cấp dịch vụ này không đang trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể hoặc đang trong tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, đình chỉ hoạt động, tạm ngừng hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Công ty chứng khoán nhỏ sẽ bị đào thải?

Nếu chiếu theo các điều kiện, chỉ có khoảng dưới 15 CTCK thỏa mãn. Ngay khi bản Dự thảo được công bố, đã có nhiều ý kiến không đồng tình về điều kiện đối với CTCK trong việc cung cấp dịch vụ giao dịch trong ngày, mà nổi bật là tiêu chuẩn về vốn điều lệ.

Tổng giám đốc một CTCK có vốn điều lệ hơn 100 tỷ đồng cho rằng Thông tư 74 sửa đổi không nên đề ra các tiêu chuẩn kép như vậy. Bởi lẽ các văn bản pháp luật đang được áp dụng từ trước đến nay đã có quy định cụ thể về các mức vốn điều lệ tối thiểu để được cung cấp các dịch vụ chứng khoán.

Theo đó, giao dịch mua bán chứng khoán trong ngày cũng là một dịch vụ môi giới, không nên có thêm một quy định về vốn điều lệ tối thiểu cho một hoạt động môi giới mà nên chăng, các CTCK đã đủ điều kiện kinh doanh các nghiệp vụ theo quy định thì đều có thể được tham gia.

Có thể dự báo rằng, nếu chỉ cho một nhóm các CTCK có vốn điều lệ trên 800 tỷ (xếp hạng CTCK lớn) được cung cấp dịch vụ này thì khả năng cao là khách hàng sẽ chạy từ CTCK nhỏ sang các CTCK lớn. Trong thực tế, nhóm CTCK đủ các điều kiện để thực hiện giao dịch T0 như dự thảo Thông tư sửa đổi hiện đang chiếm gần 80% thị phần. Vì thế có thể nói các CTCK này cũng đã đáp ứng phần lớn nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, gần 80 CTCK khác sẽ đứng trước nguy cơ mất 20% thị phần môi giới còn lại.

Một lãnh đạo tại CTCK khác cho rằng, vốn điều lệ không thể hiện hết được toàn bộ định hướng cũng như cách kinh doanh hoạt động của CTCK bởi lẽ mỗi công ty có một thế mạnh và đối với các CTCK nhỏ, họ đã phải tìm lối đi riêng cho mình bằng một dịch vụ cụ thể, có thể là IB, có thể là môi giới. Và không phải CTCK có vốn ít thì sẽ hoạt động không lành mạnh.

“Giai đoạn hiện nay là giai đoạn tập trung phát triển quy mô của TTCK chứ không phải giảm quy mô TTCK xuống. Số lượng CTCK bao nhiêu là đủ? Cần xem xét lại và tính toán kỹ. Nếu chỉ có vài CTCK mà với quy mô thị trường lớn thì nên tạo điều kiện cho CTCK phát triển theo cách riêng của mình.” – Lãnh đạo nói trên nêu ý kiến.

Nên tập trung vào tiêu chuẩn quản trị rủi ro tốt chứ không phải là khả năng xử lý rủi ro

Nhưng nếu UBCK không “chặn” bằng số vốn chủ sở hữu thì nên chọn tiêu chí nào để chặn rủi ro?

Tại cuộc họp mới đây của Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, bà Hoàng Hải Anh – chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc của Chứng khoán Dầu khí (PSI) phát biểu, điều kiện để CTCK được cung cấp dịch vụ T0 nên tập trung vào tiêu chuẩn các CTCK có quản trị rủi ro tốt để rủi ro không xảy ra chứ không nên tập trung vào việc đi tìm các CTCK có khả năng xử lý rủi ro khi đã xảy ra. Vì thế nên bỏ quy định về vốn chủ sở hữu, nên đi vào các chỉ tiêu an toàn tài chính, điều kiện về Báo cáo tài chính.

Có một số ý kiến cho rằng, “nhà đầu tư dám chơi thì cũng biết lượng sức mình” và UBCK nên để các CTCK tự chịu trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng chứ không nên giới hạn như vậy.

Nhưng không thể nói là nhà đầu tư dám chơi thì dám chịu. Trong quá khứ cũng không thiếu những trường hợp các CTCK không được kiểm soát chặt chẽ đã cố tình lách luật cung cấp những dịch vụ vượt quá khả năng tài chính, họ đã “tự chịu trách nhiệm” nhưng gây thiệt hại không hề nhỏ cho nhà đầu tư cũng như thị trường chứng khoán nói chung.

"Nếu muốn đào thải CTCK nhỏ, cũng cần lộ trình hợp lý"

Đa số ý kiến cho rằng, về công nghệ, tất cả các CTCK đều có thể đáp ứng dịch vụ giao dịch mua bán trong ngày. Và thực sự, nếu sử dụng các tiêu chuẩn nói trên để loại các CTCK nhỏ ra khỏi cuộc chơi T0 như một cách để “tái cơ cấu” thị trường chứng khoán thì đó là một việc không công bằng.

Chưa kể, khi không được tham gia vào sân chơi T0 và bị mất khách hàng, các CTCK nhỏ rất có thể sẽ sử dụng các chiêu thức cạnh tranh không an toàn để lôi kéo khách và dẫn đến sự không an toàn cho cả thị trường nói chung. Nếu UBCK muốn các CTCK nhỏ tự đào thải, phải đưa ra lộ trình hợp lý cho họ.

Ông Phan Quốc Huỳnh – Phó Chủ tịch Hiệp hội chứng khoán ý kiến: “Giá như UBCK đưa ra quy định để các CTCK có thể liên kết, hỗ trợ nhau trong nghiệp vụ T0, chứ không nhất thiết phải lấy chỉ tiêu đầu tiên là vốn chủ sở hữu trên 800 tỷ. Ngân hàng còn phải M&A để tăng vốn huống hồ CTCK.”

Quang Huy

Tài chính Plus

Trở lên trên