MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không thể vào là thắng

Trong 10 phiên gần nhất, VN Index vẫn có điểm số tích cực khi đang trụ trên mốc 580 điểm, hướng đến 600 điểm, thanh khoản mỗi phiên ở mức cao với giá trị giao dịch tầm 3.000-4.000 tỷ đồng.

Nhưng diễn biến trong từng phiên lại có thể khiến cả bên bán lẫn bên mua đều… lỗ và NĐT rất dễ mất kiểm soát.

Sóng trồi lên, dập xuống

Phiên 28-2, sau 9 giờ 30, VN Index bắt đầu giảm khá mạnh và “lún” xuống mốc 581 điểm, đồng nghĩa với mốc 580 điểm có khả năng bị xuyên thủng. Nhưng ít phút sau chỉ số này đã bật tăng trở lại mốc 587 điểm, chưa kịp để cho NĐT hứng khởi lại giảm xuống gần 583 điểm.

Đầu giờ chiều, VN Index tiếp tục quay lại vùng nguy hiểm 580 điểm và lúc này trạng thái bi quan lại được đẩy lên cao, đặc biệt một số CP vào loại nóng của thị trường nằm trong nhóm ngành bất động sản bị điều chỉnh khá mạnh. VN Index lại giảm xuống 581 điểm vào khoảng 13 giờ 30 và NĐT một lần nữa phải lo lắng.

Người đang giữ CP muốn bán ra, người muốn mua lại thấy giá còn có khả năng rẻ nên ngập ngừng, cả những người đã mua CP trong ngày hoặc CP chưa đủ T+3 cũng cảm thấy “dợn”. “Thị trường đang lập đỉnh, cần thận trọng giảm bớt CP nóng trong danh mục” - một nhân viên môi giới dày dạn kinh nghiệm nói trong tâm trạng phân vân.

Bán cũng có thể lỗ, mua chưa chắc có lãi, vậy giữ CP thì sao? Cho đến giờ những ai biết chọn CP, mua rồi giữ chừng 5-10 phiên có thể thu được lợi nhuận. Nhưng với diễn biến của thị trường hiện nay, việc giữ được CP trong từng phiên cũng có thể gọi là “cực hình” vì phải theo thị trường. Thị trường có 3 trạng thái là mua, bán, và giữ, quả thực là không thể thắng thị trường.

Tuy nhiên, vẫn còn một “phe” khá gan lỳ khi cho rằng thị trường rồi sẽ ổn. Viện dẫn của họ là nhìn vào các trụ của thị trường như BID, GAS, VNM, BVH… mặc dù giá đang giảm (dẫn đến VN Index giảm) nhưng dư bán giá tham chiếu có khối lượng tương đối thấp, chỉ vài chục ngàn và có thể bị “nuốt” hết bất cứ lúc nào. Gần đến 14 giờ, phe “bìm bịp” (mong TTCK tăng) có vẻ đã đúng, khi VN Index bắt đầu hồi phục trở lại, với 3 trụ chính là GAS, BVH, MSN.

Cho đến trước đợt khớp lệnh định kỳ để xác định giá đóng cửa (từ 14 giờ 30 đến 14 giờ 45) VN Index tăng hơn 4 điểm lên 591 điểm, những CP nóng cũng trở về sắc xanh và ai cũng đinh ninh hôm nay thị trường sẽ bứt phá để có thể trụ lại trên mốc 590 điểm. Nhưng bước vào 15 phút khớp lệnh định kỳ, nhiều người đã “choáng váng” khi lệnh ATC (bán với giá đóng cửa) - cũng có thể hiểu là lệnh bán bằng mọi giá - được tung ra, thị trường đã đẩy một vài mã có giá trị vốn hóa lớn từ tăng trở về… giá sàn.

Trong khoảng 5 phút cuối, bắt đầu các lệnh mua giá thấp mới chặn bên dưới kèm thêm một lượng lớn lệnh ATC mới kéo một số CP về tham chiếu hoặc tăng lại. Tính sơ, chỉ trong 1 phiên NĐT đã có ít nhất 3 lần đứng tim, nhưng đó mới là theo dõi toàn thị trường, còn nếu theo từng CP có khi bi kịch còn nhiều hơn nữa.

Kịch tính thị trường

Phiên 28-2 là phiên tiêu biểu cho diễn biến của TTCK trong nửa cuối tháng 2, nhiều kịch tính, cảm xúc, tưởng có lãi, cuối cùng lỗ, nhưng rồi lại lời. Diễn biến của thị trường đang buộc những ai giữ CP sẽ phải bán giá thấp, còn người nào muốn mua phải mua giá cao.

Lý do bắt nguồn từ một xu hướng có tên là “theo thị trường”. Trong một phiên giao dịch, kể cả khi VN Index giảm điểm vẫn có một số CP tăng trần, nhưng đây chỉ là số ít và CP cũng chỉ là hàng midcap hoặc penny, không thu hút nhiều thanh khoản. Còn lại, những CP có thanh khoản lớn, đồng thời là điểm nóng của thị trường kiểu như PVX, HAG, SSI và một số mã bất động sản khác sẽ buộc phải theo thị trường.

Khi VN Index giảm, “hàng nóng” từ chỗ tăng trần sẽ phải xuống tham chiếu, thậm chí có “giá đỏ” (giảm) và ngược lại, chỉ cần VN Index hơi “xanh” (tăng điểm) những CP này sẽ bật rất mạnh. Điều này đã được minh chứng trong phiên 27-2, dù VN Index chỉ giảm hơn 2 điểm xuống 587 điểm nhưng vẫn có nhiều CP phải “nằm sàn”.

Ngay cả tại một số CP mà NĐT có cảm giác vẫn có thể “tăng hỗn” giờ đây cũng đã “ngoan” hơn nhiều, hiếm có chuyện đi ngược thị trường. Cho nên, khi nhìn CP giảm, có giá tốt nhưng nhìn lại VN Index cũng giảm sẽ chẳng ai dám mua. Để cho chắc ăn cứ đợi thị trường tăng rồi “vào hàng”, nhưng hơi nghiệt ngã có khi mua xong giá sẽ lại giảm. Dù rằng phải đến T+3 mới biết lãi hay lỗ, nhưng mua xong CP giá giảm ngay có thể khiến nhiều người bị mất tinh thần.

Trở lại với phiên kỷ lục về thanh khoản trên cả 2 sàn với 400 triệu CP và 5.500 tỷ đồng giá trị giao dịch vào ngày 20-2. Khi đó, dù không ở trạng thái cực độ, nhưng các nhận định thận trọng, bi quan cũng xuất hiện khá nhiều. Và sẽ không ngạc nhiên nếu có những người đặt cược vào việc thị trường sẽ lao dốc mạnh.

Nếu đúng như vậy còn gì lãi hơn là mượn hàng để bán sau đó mua trả lại (cover). Cần nhấn mạnh một điều là UBCKNN đã rất mạnh tay xử lý hoạt động bán khống và sau một vài vụ có lẽ các CTCK cũng chùn xuống không dám làm liều. Nhưng đâu đó vẫn có những lời rỉ tai, dù chưa chứng thực được, rằng vẫn còn có thể “mượn hàng”.

Còn nhớ, trong văn bản của UBCKNN về việc cấm bán khống cũng có ghi chi tiết về việc CTCK không được đứng ra làm trung gian để kết nối NĐT có nhu cầu mượn và NĐT có hàng. Nhưng nếu CTCK nghiêm chỉnh vẫn xảy ra trường hợp NĐT có thể tự thỏa thuận, mượn hàng của nhau để short (bán khống).

Cẩn thận với bán khống

Phiên 20-2, những ai có thể short tại thời điểm VN Index đạt 584 điểm rồi sau đó cover lại trong phiên hoặc phiên 21-2 bảo đảm có lãi. Nhưng khả năng này xem ra rất khó vì khi VN Index đạt 584 điểm khí thế như vũ bão, ai cũng nghĩ thị trường còn tăng nữa, liệu mấy ai dám đi ngược?

Đến khi thị trường giảm cũng giảm quá nhanh, trong trường hợp mượn CP để short có lẽ cũng không kịp tính toán hay thỏa thuận. Sang đến phiên 21-2, những ai đánh cược TTCK sẽ xuống mạnh và short cuối cùng không thành công vì VN Index chỉ giảm chưa đến 0,5 điểm và CP cũng chỉ giảm nhẹ vài “lai” (vài trăm đồng). Nếu như ai đó không cover hàng sau khi short trong ngày 21-2 mà đợi đến 24 hoặc 25-2 để TTCK giảm tiếp càng phá sản, vì đơn giản là thị trường 3 ngày đầu tuần đã “ùn ùn” tăng, VN Index trong 3 phiên đầu tuần tăng gần 20 điểm, từ 570 điểm lên gần 590 điểm. Ai đó lỡ dại short sẽ lỗ chắc vì phải cover với giá cao. Liệu rằng sau 2 lần thất bại đến phiên 27 và 28-2, dù thị trường giảm ai còn có gan short?

Trên đây chỉ là một trong số nhiều giả thiết, nhưng cũng phần nào thấy được viễn cảnh u ám nếu ai đó muốn short. Trong một chừng mực nào đó, short vào những thời điểm như hiện nay của TTCK, biến động tăng giảm cực kỳ khó đoán định chẳng khác nào đánh bạc, rủi ro rất cao. Những NĐT đã từng short, hoặc có ý định short thường là NĐT pro nhiều kinh nghiệm, nên chắc đều nắm điều này. Nên có lẽ, ngoài việc UBCKNN đã xử phạt nghiêm khắc, chính sự rủi ro, thua lỗ cũng sẽ góp thêm phần làm cho NĐT phải chùn tay.

Theo NGỌC TRÚC

trangntm

Sài Gòn đầu tư

Trở lên trên