MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

M&A công ty chứng khoán: Giờ đã điểm?

“Năm nay, có hơn 50% công ty chứng khoán sẽ phải tiến hành M&A hoặc sẽ chuyển đổi sang mô hình công ty đầu tư”, ông Nguyễn Sơn Nam, Giám đốc VCP, dự báo.

Năm 2010, hầu hết các công ty chứng khoán Việt Nam đều thua lỗ. Điều đáng nói là tình trạng bấp bênh đã kéo dài từ 2-3 năm nay.

Vì thế, ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Quỹ Đầu tư Vietnam Capital Partners (VCP), chuyên tư vấn về hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A), cho rằng: “Năm nay, có hơn 50% công ty chứng khoán sẽ phải tiến hành M&A hoặc sẽ chuyển đổi sang mô hình công ty đầu tư”.

Xu thế tất yếu

Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, M&A trong lĩnh vực tài chính - chứng khoán hiện đứng đầu Việt Nam về số thương vụ và giá trị chuyển nhượng.

Ông cũng cho biết, xu hướng M&A đã bắt đầu từ năm 2008 khi kinh tế suy giảm khiến hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán gặp nhiều khó khăn. Đến năm 2009 - 2010, hoạt động này đã sôi động hơn và dự báo sẽ được đẩy mạnh trong năm nay.

Gần đây nhất là vào ngày 10.3, Đại hội đồng cổ đông của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) đã thống nhất sẽ chào bán riêng lẻ 11 triệu cổ phiếu cho đối tác Nhật SBI Securities với giá 45.000 đồng/cổ phần trong năm nay. Cuối tháng 2.2011, Công ty Chứng khoán Nikko Cordial (Nhật) cũng đã mua 14,9% cổ phần trong Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI).

Trước đó, nhiều vụ M&A đã diễn ra như việc Công ty Chứng khoán Gia Quyền (EPS) bán 49% cổ phần cho đối tác Hàn Quốc Korea Investment & Securities vào giữa năm 2010. Hay Công ty Chứng khoán Hoa Anh Đào được đối tác Nhật mua 49% cổ phần và đổi tên thành Công ty Chứng khoán Nhật Bản vào quý II/2010.

Hoạt động M&A sẽ được đẩy mạnh trong năm nay còn do yêu cầu tái cơ cấu của thị trường. Hiện nay, có khoảng 105 công ty chứng khoán đăng ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, nhưng tới hơn 50% trong số này đang hoạt động cầm chừng.

“Đã đến lúc thị trường cần cơ cấu lại cho hợp lý hơn. Và nếu chậm trễ thì không còn cơ hội tồn tại trong vòng 2-3 năm tới”, ông Lê Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kim Eng Việt Nam (KEVS), nhận định. Điều này càng thúc đẩy các công ty chứng khoán tìm kiếm đối tác M&A trong năm nay.

4 xu hướng M&A

Ông Sơn, VCP, cho rằng sẽ có 4 xu hướng M&A diễn ra trong năm 2011. Trong đó, sáp nhập để chuyển đổi mô hình thành công ty đầu tư sẽ là xu hướng chính.

Nguyên nhân là doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán đang có xu hướng giảm khiến nhiều công ty chứng khoán chuyển sang tập trung vào mảng tự doanh.

Theo ông Sơn, tổng giá trị giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam mỗi ngày chỉ đạt khoảng 50-100 triệu USD. Với mức phí giao dịch trung bình 0,2% hiện nay thì một năm (khoảng 200 phiên) chỉ đạt 20-40 triệu USD. Nếu so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, doanh thu từ thu phí giao dịch của thị trường Việt Nam nhỏ hơn 20- 40 lần nhưng số công ty chứng khoán lại nhiều gấp 5 lần.

Nếu so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, doanh thu từ thu phí giao dịch của thị trường Việt Nam nhỏ hơn 20- 40 lần nhưng số công ty chứng khoán lại nhiều gấp 5 lần.

Việc chuyển hướng sang tập trung vào tự doanh có thể giúp các công ty tiết kiệm đáng kể chi phí nhân lực môi giới, nhưng ông Sơn cho rằng việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro vì hầu hết các công ty chứng khoán đều thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư.

Xu hướng thứ 2 là đối tác nước ngoài thâm nhập thị trường chứng khoán Việt Nam qua M&A. Tuy nhiên, theo ông Tâm, KEVS, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không chú ý đến các công ty chứng khoán nhỏ.

“Họ đặc biệt quan tâm đến các công ty có mối quan hệ mạnh với các tập đoàn công nghiệp lớn của Việt Nam để có thể tham gia vào quá trình phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của các doanh nghiệp này trong tương lai”, ông nói. Việc Nikko Cordial trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài của PSI, thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, là một ví dụ.

Xu hướng thứ 3 là các công ty chứng khoán có năng lực cạnh tranh thấp sáp nhập với nhau, qua đó bổ sung cho nhau những năng lực còn yếu. Mục đích của họ là trở thành một trong những công ty đứng đầu thị trường về môi giới. Năm 2010, chỉ riêng top 10 công ty chứng khoán đã chiếm 40% thị trường môi giới của cả nước. “Vấn đề lớn nhất hiện nay là tìm được đối tác thích hợp để sáp nhập với mình”, ông Sơn, VCP, nói.

Ngoài ra, còn có một xu hướng khác: các tổ chức tài chính trong nước thâu tóm các công ty chứng khoán. Trước đó, đã có vài ngân hàng làm điều này như việc Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam mua Công ty Chứng khoán Standard rồi đổi tên thành Công ty Chứng khoán Maritime Bank. Tuy nhiên, các chuyên gia không đánh giá cao xu hướng này.

Nguyên nhân một phần là tình hình hoạt động của các ngân hàng năm nay được dự đoán sẽ rất khó khăn. “Cùng với sự khác nhau trong cơ cấu hoạt động, việc thâu tóm các công ty chứng khoán sẽ không mang lại lợi ích chiến lược nào cho các ngân hàng”, ông Sơn lý giải.

Theo Ngọc Dương
Nhịp cầu đầu tư

phuongmai

Trở lên trên