MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một năm buồn của "cổ phiếu Gia Lai"

Những doanh nghiệp lớn đặt trụ sở tại Gia Lai đang niêm yết như Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai đã có một năm kinh doanh không thực sự thành công và giá cổ phiếu giảm mạnh xuống dưới mệnh giá.

Phiên giao dịch 5/1/2016 đánh dấu cột mốc đáng buồn với cổ đông Hoàng Anh Gia Lai khi cổ phiếu HAG lần đầu tiên rơi xuống dưới mệnh giá 10.000đ, mức thấp kỷ lục kể từ khi niêm yết vào năm 2008.

Trong suốt cả năm 2015, dù TTCK Việt Nam đã có không ít những nhịp sóng tăng mạnh nhưng đồ thị cổ phiếu HAG gần như chỉ một chiều đi xuống. Với mức giá 9.600đ được thiết lập vào đầu năm 2016, HAG đã giảm tới hơn 50% so với thời điểm trước đó 1 năm, một mức giảm mà không nhiều nhà đầu tư có thể nghĩ tới.

Tại mức giá này, P/E của HAGL chỉ còn ở mức 6 lần và bằng 45% so với giá trị sổ sách. Vốn hóa của HAGL hiện chỉ bằng 1/3 so với công ty con HAGL Agrico – đạt hơn 20.500 tỷ đồng – công ty con phụ trách mảng nông nghiệp của HAGL.

Nếu như đầu năm 2015, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại HAG lên tới 34% thì hiện nay, con số này chỉ còn khoảng 14%.

Cũng có một năm giao dịch “bi đát”, DLG của Đức Long Gia Lai hiện chỉ ở quanh ngưỡng 6.500đ, giảm tới 37% so với thời điểm đầu năm 2015. Mức giá này của DLG chỉ còn nhỉnh hơn đôi chút so với vùng đáy được thiết lập vào những năm 2012; 2013.

Một cổ phiếu Gia Lai khác là QCG của Quốc Cường Gia Lai hiện chỉ giao dịch quanh ngưỡng 5.000đ, tương ứng mức giảm 50% so với cách đây 1 năm. Đây là điều khá buồn cho cổ phiếu từng nằm trong Vn30 và được sự quan tâm của không ít quỹ đầu tư.

Cổ phiếu Gia Lai có một năm lao dốc
Cổ phiếu Gia Lai có một năm "lao dốc"

Kết quả kinh doanh không mấy thuyết phục

Có nhiều yếu tố khiến cổ phiếu doanh nghiệp sụt giảm, tuy nhiên yếu tố quan trọng khiến điều này xảy ra là kết quả kinh doanh không đáp ứng được kỳ vọng của cổ đông công ty.

Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2015, Đức Long Gia Lai đạt doanh thu hơn 1.200 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ 2014 và trong đó Đức Long Gia Lai đã ghi nhận doanh thu từ mảng kinh doanh mới- linh kiện điện tử từ quý 3 do hợp nhất với Mass Noble.

Tuy vậy, giá vốn hàng bán ở mức quá cao khiến lợi nhuận mà Tập đoàn này thu về chỉ là 53 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 20% kế hoạch năm.

Tương tự là trường hợp Quốc Cường Gia Lai, sau 9 tháng, công ty mới chỉ ghi nhận khoản lợi nhuận khiêm tốn 18 tỷ đồng, còn cách khá xa kế hoạch 90 tỷ đồng cho cả năm 2015.

Điều đáng chú ý là dự án trọng điểm Khu dân cư Phước Kiến chỉ có thể mang về dòng tiền cho Quốc Cường Gia Lai từ năm 2016; trong khi đó lĩnh vực cao su đang gặp khó khăn bởi giá mủ vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Còn với Hoàng Anh Gia Lai, doanh nghiệp này đã ghi nhận “quả ngọt” từ mảng kinh doanh bò cùng dự án trọng điểm Myanmar bắt đầu đi vào hoạt động. Điều này giúp doanh thu tập đoàn trong 9 tháng lên tới 5.200 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ 2014.

Tuy vậy, những chi phí phát sinh, đặc biệt chi phí tài chính đã kéo lợi nhuận HAGL chỉ còn 1.343 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ 2014.

Tính tới hết quý 3/2015, nợ phải trả của HAGL đã lên tới hơn 30 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 65% tổng tài sản tập đoàn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn lên tới hơn 8.500 tỷ đồng. Với dư nợ khá lớn trên bảng cân đối, HAGL từng dính phải tin đồn “vỡ nợ” hồi giữa năm 2015.

Cũng trong năm 2015, việc hợp tác với Rowsley cho dự án phức hợp Myanmar đã diễn ra bất thành và hiện tại HAGL vẫn chưa tìm được đối tác phù hợp để chia sẻ dự án này.

Một nghề cho chín….

Một điểm chung trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp lớn tại Gia Lai là đầu tư khá giàn trải. Với HAGL, mặc dù đã dần gói gọn hoạt động của mình vào lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên dự án này còn cần nhiều thời gian để khẳng định tính hiệu quả. Bên cạnh điểm sáng từ mảng kinh doanh bò, các mảng cao su, mía đường của HAGL đang gặp không ít khó khăn khi tình trạng dư cung vẫn còn rất lớn.

Cũng như “đồng hương” HAGL, Đức Long Gia Lai khởi điểm với hoạt động kinh doanh chính là gỗ thì nay đã chuyển hướng trở thành tập đoàn đa ngành với 4 mũi nhọn cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, năng lượng và linh kiện điện tử.

Tuy vậy, những thách thức từ những ngành kinh doanh mới là không hề nhỏ và Đức Long Gia Lai dường như chưa thực sự “chín” trong lĩnh vực nào.

Còn với Quốc Cường Gia Lai, với những khó khăn của thị trường bất động sản, doanh nghiệp này cũng đã lấn sân sang những lĩnh vực khác như cao su, thủy điện nhưng những mảng kinh doanh này vẫn chưa có nhiều đóng góp cho hoạt động của công ty.

2015 thực sự là một năm buồn với các doanh nghiệp Gia Lai khi kết quả kinh doanh chưa thực sự khởi sắc, cổ phiếu sụt giảm mạnh, thậm chí về dưới mệnh giá.

Và có lẽ, mùa đại hội cổ đông tới đây sẽ diễn ra không thực sự êm đềm với mảnh đất Tây Nguyên này.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên