Một số quỹ ngoại tầm cỡ đã mở tài khoản ở Bản Việt
Ông Đinh Quang Hoàn, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Bản Việt cho biết một số quỹ ngoại tầm cỡ đã mở tài khoản ở Bản Việt. Vấn đề là khi nào họ giải ngân mà thôi.
Con số đó thật nhỏ nhoi so với số tiền hàng tỉ USD đã được đổ vào thị trường chứng khoán những năm hoàng kim 2006-2007. Nhưng nếu biết rằng tháng 5/2013 là thời điểm thị giá các cổ phiếu đầu cơ ở mức thấp nhất trong lịch sử, mới thấy số tiền của khối ngoại rót vào chứng khoán niêm yết có ý nghĩa như thế nào.
Sự bắt đầu của chu kỳ mới?
Don Lam, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ VinaCapital đã không dưới một lần giải thích với báo chí các quỹ do tổ chức này quản lý đang có trong tay 250 triệu USD tiền mặt. VinaCapital không rút vốn khỏi Việt Nam, mà đợi cơ hội tốt nhất để giải ngân.
Tuần trước Andy Ho, Giám đốc đầu tư của VinaCapital lên tiếng thời điểm giải ngân trở lại đang cận kề. Trong số các quỹ đóng đã cư ngụ ở Việt Nam khoảng năm năm nay, các quỹ của VinaCapital là những tổ chức duy nhất còn lại số tiền lớn như thế.
Dường như sự lạc quan đã và đang gieo những hạt mầm đầu tiên trong khối nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài khi các cổ phiếu trong rổ VN-30 có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường đã không rớt giá sau khi đạt đỉnh vào giữa tháng 5, tức tăng 30 - 70% kể từ vùng đáy tháng 12 năm ngoái.
Các bluechips đã trụ lại được một phần nhờ kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp hàng đầu như Vinamilk, Dược Hậu Giang, FPT, REE, Hòa Phát, Nhựa Bình Minh, Vinconship... được cải thiện rõ rệt.
Ngay cả khối ngân hàng vốn đang chịu áp lực lợi nhuận vì phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, nhưng Vietcombank và Vietinbank vẫn đạt lợi nhuận cao hơn hẳn các tổ chức tín dụng cổ phần. Sự tham gia của các nhà đầu tư Nhật trong hai ngân hàng này ít nhất đã làm cho sự minh bạch được thể hiện rõ nét hơn.
Kevin Snowball, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Phan-xi-phang đã mạnh dạn nhận định: “Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của thị trường bò tót (thị trường giá lên)”. Tốc độ tăng trưởng giá trị tài sản ròng của quỹ Phan-xi-phang đã mạnh hơn hẳn sự lên điểm của VN-Index nhờ cổ phiếu Vinamilk chiếm phần lớn danh mục, mà Vinamilk thì đã bứt phá hơn 70% từ đầu năm đến nay.
Sớm hơn Snowball, trước đó Dragon Capital đưa ra một báo cáo nhận xét đã đến lúc mua vào một số cổ phiếu bất động sản tiềm năng. Chỉ không đầy ba tháng sau báo cáo của Dragon Capital, cổ phiếu bất động sản bắt đầu phục hồi.
Thị trường nhà đất vẫn còn rất “lạnh”, song một số công ty bất động sản trên sàn đã công bố lợi nhuận quý III-2013 ở mức 10-30 tỉ đồng/đơn vị so với những khoản lỗ của các quý liền kề.
Gần nhất sự lạc quan của khối ngoại được chứng thực bằng hành động cụ thể. Asia Frontier Capital vừa lập một quỹ mở với số vốn 50 triệu USD chuyên đầu tư vào doanh nghiệp niêm yết Việt Nam.
Ý nghĩa sự ra đời của Asia Frontier Capital không nằm ở số vốn, mà ở thời điểm. Gần bảy năm mới có một quỹ mới chuyên đầu tư vào Việt Nam ra mắt. Asia Frontier Capital phải chăng là dấu hiệu nếu thị trường thực sự khởi sắc, tiền nước ngoài sẵn sàng?
Sự sẵn sàng của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) là có. Tính đến tháng 11 năm nay, Trung tâm lưu ký đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 16.677 nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có 2.243 tổ chức.
Ông Đinh Quang Hoàn, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Bản Việt cho biết một số quỹ ngoại tầm cỡ đã mở tài khoản ở Bản Việt. Vấn đề là khi nào họ giải ngân mà thôi.
Dòng tiền thông minh
Vốn FII hiện nay có thể chia làm hai loại căn cứ vào điểm đến của chúng. Thứ nhất FII tìm đến những doanh nghiệp sản xuất làm ăn hiệu quả hoặc có triển vọng sáng khi nền kinh tế thực sự phục hồi.
Công ty cổ phần Hùng Vương vừa tổ chức đại hội cổ đông bất thường để xin ý kiến bán cổ phần cho nước ngoài. Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Hùng Vương cho biết một đối tác Singapore sẽ mua 30 triệu cổ phiếu phát hành thêm làm hai đợt của công ty với giá không thấp hơn 28.000 đồng/cổ phiếu. Với số thặng dư thu được, Hùng Vương sẽ phát triển thêm vùng nguyên liệu nuôi cá tra.
Một doanh nghiệp thủy sản khác là Công ty Minh Phú chuyên chế biến, xuất khẩu tôm đã bán cổ phần công ty con cho đối tác Nhật, thu về hơn 20 triệu USD.
Khác với giải ngân trực tiếp vào sàn, những khoản đầu tư trên đi cùng với doanh nghiệp trong vòng 3-5 năm, thậm chí dài hơi hơn. Nó giúp doanh nghiệp cải thiện dòng tiền và hạ bớt đòn bẩy tài chính (vay vốn ngân hàng).
Một số quỹ nước ngoài, thông qua các quỹ trong nước, chuẩn bị bỏ tiền vào các công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đầu tháng 11 vừa rồi, Công ty quản lý quỹ SSI và LR Group Limited của Israel đã ký biên bản ghi nhớ về huy động vốn và thành lập Quỹ Nông nghiệp trị giá 50 triệu USD.
Thị trường cũng chưa quên cuối tháng 5/2013 quỹ đầu tư Warburg Pincus đã bỏ ra 200 triệu USD để sở hữu 20% cổ phần của Vincom Retail, một công ty con của Tập đoàn Vingroup.
Đáng chú ý nhất là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bật đèn xanh cho Tập đoàn UOB của Singapore tiến hành khảo sát thực tế (due diligence) ở Ngân hàng thương mại cổ phần Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết UOB có thể mua 100% cổ phần GPBank và biến ngân hàng này thành chi nhánh ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
Nếu thương vụ của UOB thành công, đây sẽ là lần đầu tiên nước ngoài mua 100% một ngân hàng nội địa với giá trị lên tới con số ngàn tỉ đồng.
Điểm dừng chân dạng thứ hai của dòng vốn FII là mua lại các dự án và một số doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả. Hàng loạt dự án bất động sản cỡ nhỏ và vừa đã được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần cho nước ngoài.
Nước ngoài cũng chú ý đến các doanh nghiệp vật liệu xây dựng như xi măng, gạch ốp lát. Cuối năm ngoái Tập đoàn Semen Grasik của Indonesia đã mua lại 70% cổ phần Nhà máy xi măng Thăng Long với giá 230 triệu USD.
Tập đoàn SCG Thái Lan, sau khi mua lại 99% Công ty xi măng Bửu Long ước tính 116 tỉ đồng, đã nhận chuyển nhượng 85% cổ phần của doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch Prime Group. Những cuộc mua bán này đã làm cho thị trường M&A Việt Nam trở nên nhộn nhịp.
Cơ hội mở room
Ngày 5/12/2013 trao đổi qua điện thoại, một quan chức cấp cao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cho biết Chính phủ đã yêu cầu đại diện Bộ Tài chính và SSC đến làm việc và trao đổi trực tiếp với Chính phủ để làm rõ hơn một số vấn đề nêu trong dự thảo thay thế Quyết định 55 về sự tham gia của nước ngoài vào thị trường chứng khoán.
Điểm nổi bật của dự thảo là các doanh nghiệp niêm yết được nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (còn gọi là room) từ 49% hiện tại lên tối đa 60% cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Trước đây các dự thảo thường được trả về cho cơ quan soạn thảo và việc chỉnh sửa, bổ sung sẽ thực hiện bằng văn bản, nên mất nhiều thời gian. Nay nếu Bộ Tài chính và SSC được phép trao đổi trực tiếp với Chính phủ, thì việc làm rõ một số điểm chưa rõ ràng có thể được giải quyết tương đối nhanh chóng.
Việc mở room, không nghi ngờ, là một dấu mốc quan trọng trong việc thu hút dòng vốn FII. Khả năng có thể sở hữu quá 51% cổ phần của những doanh nghiệp trên sàn sẽ thúc đẩy việc mua vào và nắm quyền kiểm soát, hoặc tham gia sâu hơn vào việc điều hành, quản trị công ty nhằm cải thiện hiệu quả kinh doanh của những tổ chức nước ngoài. Nó cũng sẽ tác động trực tiếp đến tiến trình M&A.
Không phải ngẫu nhiên trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam diễn ra tuần trước, nhiều tổ chức quốc tế đã quan tâm đến dự thảo mở room. Với họ, đây không chỉ là vấn đề liệu Việt Nam có thực hiện đúng các cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO về mở cửa cho đầu tư gián tiếp nước ngoài, mà còn là tầm nhìn của Nhà nước về hội nhập, về cải cách khối quốc doanh.
Trên sàn có rất nhiều doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối và sự góp mặt của vốn ngoại sẽ giúp chứng khoán trở thành kênh huy động vốn, giảm tải tín dụng ngân hàng.
Ở các thị trường khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines, vốn FII những năm gần đây lên tới hàng chục tỉ USD. Nếu Việt Nam không nhanh chóng cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư và nhất là ban hành một khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt theo các chuẩn mực quốc tế, thì đất nước vẫn tiếp tục tụt hậu trong thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Theo Hải Lý