Mù mờ xác định các giao dịch rửa tiền
Luật Phòng, chống rửa tiền đã được Quốc hội ban hành từ tháng 7.2012 và chính thức có hiệu lực từ 1.1.2013, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai vì chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn.
Do đó hoạt động phòng, chống rửa tiền vẫn được thực hiện dựa vào Nghị định 74 được Chính phủ ban hành từ năm 2005. Và với các quy định mang tính định tính như hiện nay, nên việc giám sát giao dịch đáng ngờ có dấu hiệu rửa tiền trong lĩnh vực CK, hay hoạt động NH đang trở nên khó thực hiện hoặc mỗi nơi thực hiện một kiểu.
Thiếu khả thi
Rửa tiền là bước cuối cùng đối với loại tội phạm nhằm chuyển hóa lợi
nhuận phi pháp thành hợp pháp. Tuy nhiên những quy định phòng, chống rửa
tiền cũng phải đảm bảo không gây khó khăn cho các đơn vị, tổ chức hay
cá nhân kinh doanh hợp pháp.
Để phát hiện các hành vi rửa tiền, cơ quan chức năng cũng như các tổ
chức có liên quan như NHTM, CTCK, Cty bảo hiểm chủ yếu giám sát bằng
biện pháp nghiệp vụ thông qua những dấu hiệu đáng ngờ của các giao dịch.
Đối với hoạt động kinh doanh CK, ngoài những dấu hiệu như Nghị định 74
của Chính phủ liệt kê thì Thông tư 148 của Bộ Tài chính có bổ sung thêm
một số dấu hiệu như tại mục b,c khoản 6 điều 9 Thông tư: “b) Giao dịch
mua, bán CK có dấu hiệu bất thường trong một ngày hoặc một số ngày do
một cá nhân hay một tổ chức thực hiện; c) Khách hàng thực hiện chuyển
nhượng CK ngoài hệ thống mà không có lý do hợp lý;”.
Với mục đích bổ sung thêm dấu hiệu giúp phát hiện sớm hành vi có thể là
rửa tiền, nhưng vô tình quy định làm khó các CTCK khi thực hiện giám
sát. Cụ thể, thông tư không định nghĩa thế nào là “Giao dịch mua, bán có
dấu hiệu bất thường” dẫn tới cách hiểu khác nhau giữa các CTCK khác
nhau. Một giao dịch có thể được coi là bất thường tại Cty này nhưng bình
thường tại Cty khác. Thế nào là lý do hợp lý cho việc chuyển nhượng
ngoài hệ thống? Nếu không liệt kê được lý do hợp lý thì khi cơ quan chức
năng kiểm tra CTCK cũng không thể chỉ ra sai phạm nếu có của CTCK trong
hoạt động này.
Theo đánh giá của lãnh đạo một CTCK, việc giám sát giao dịch đáng ngờ có
dấu hiệu rửa tiền trong lĩnh vực CK hầu như không được các CTCK coi
trọng. Có chăng chỉ dừng lại ở lưu trữ số liệu giao dịch phục vụ cho các
cơ quan chức năng khi có yêu cầu mà không mang tính chủ động cảnh báo.
Mỗi nơi một kiểu
Còn với hoạt động của hệ thống NH, theo dõi giao dịch đáng ngờ có dấu
hiệu rửa tiền được chú trọng hơn do các NH, nhất là NH lớn còn có mối
quan hệ, giao dịch với tổ chức tài chính quốc tế. Do vậy yêu cầu về giám
sát, phòng, chống rửa tiền được quan tâm hơn rất nhiều.
Theo tổng kết của NHNN, sau 6 năm thực hiện Nghị định 74, từ năm 2005
đến 2011, đã có 774 báo cáo về giao dịch đáng nghi ngờ được báo cáo,
trong đó 160 báo cáo được chuyển sang cơ quan Công an liên quan tới 53
vụ việc.
Tuy nhiên về khía cạnh quản lý của NHNN cho thấy còn nhiều bất cập. Theo
khoản 2 điều 9 của Thông tư 22, NHNN quy định: “Căn cứ vào tính chất
hoạt động kinh doanh, tổ chức báo cáo tự bổ sung các dấu hiệu đáng ngờ
quy định tại khoản 1 điều này theo từng bộ phận nghiệp vụ, lĩnh vực kinh
doanh”.
Từ đó các NHTM tự quy định thêm các dấu hiệu nhận biết giao dịch đáng
ngờ để báo cáo. Hiệu quả của chính sách phụ thuộc vào sự chủ động từng
NH do chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền
để thay thế Thông tư 22.
Ví dụ có NH đã cập nhật dấu hiệu “Tài khoản của khách hàng không giao
dịch trên một năm, giao dịch trở lại không có lý do hợp lý; tài khoản
của khách hàng không giao dịch đột nhiên nhận được một khoản tiền gửi
hoặc chuyển tiền có giá trị lớn” theo Luật Phòng, chống rửa tiền vào quy
trình báo cáo nội bộ.
Nhưng cũng có nhiều NH, nhất là NH nhỏ chưa cập nhật dấu hiệu này mà chỉ
áp dụng những dấu hiệu được liệt kê tại Nghị định 74 và Thông tư 22. Do
đó báo cáo về giao dịch đáng ngờ, vì vậy không theo tiêu chuẩn, chưa
đáp ứng yêu cầu để theo dõi, phát hiện hành vi rửa tiền nếu có. Hệ quả
để điều tra, xác minh giao dịch đáng ngờ tốn nhiều thời gian và công
sức.
Việt Nam với bối cảnh nền kinh tế sử dụng tiền mặt nhiều, cơ hội cho tội
phạm rửa tiền rất cao. Trước đây rửa tiền thường được đánh giá liên
quan đến hoạt động chuyển tiền qua biên giới, thì nay rửa tiền trong
nước gia tăng gắn với hoạt động phạm pháp như buôn lậu, buôn bán ma túy,
trốn thuế đặc biệt là tham nhũng. Vì vậy để ngăn chặn hành vi rửa tiền,
NHNN cần phối hợp với các bộ ngành nhanh chóng trình nghị định hướng
dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền để Chính phủ ban hành. Có vậy mới mong
ngăn chặn loại tội phạm như Liberty Reserve trước khi chúng có điều kiện
phát triển ở Việt Nam.
Theo Thanh Sơn