MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua bán công ty chứng khoán: Dễ nói, khó làm !

Thị trường những ngày gần đây nhộn nhịp với thông tin tìm kiếm, mua bán các công ty chứng khoán. Những người trong cuộc nói rằng để đi tới 1 thương vụ thành công không phải dễ dàng.

Có nhu cầu

Nhắc đến câu chuyện M&A của năm 2011 lại khiến nhiều người nhớ về TTCK của năm 2008. Lúc đó với bối cảnh thị trường vô cùng khó khăn. TTCK chỉ có một việc duy nhất là đi tìm đáy của mình. Điều kiện thị trường khắc nghiệt, cơ quan quản lý thậm chí phải giảm biên độ giao dịch để bảo vệ tài sản của nhà đầu tư CK.

Năm 2010 đầy khó khăn đi qua, năm 2011 với viễn cảnh không khả quan thì câu chuyện M&A các công ty chứng khoán lại quay lại. Khác với năm 2008, TTCK Việt Nam cũng đã phát triển hơn nhiều vì thế chủ thể cho các đợi M&A cũng được xác định.

“Đó là các công ty vừa và nhỏ, có giấy tờ sổ sách kế toán minh bạch rõ ràng” – Ông Phạm Đức Thắng, TGD công ty chứng khoán Kengnaga, cho biết: “ Đấy là những tiêu chí về công ty chứng khoán mà những người bạn, tổ chức nhờ tôi tìm giúp”.

Lý do ông Thắng đưa ra là các công ty đó vốn điều lệ nhỏ nên vốn để mua không quá nhiều, ít nghiệp vụ thì vấn đề kế toán sẽ không phức tạp như các công ty lớn. Hơn nữa là công ty nhỏ thì không có nhiều lợi thế cạnh tranh, lợi thế giá sẽ thuộc về người mua. Có lẽ đó cũng là 1 lý do để Tập đoàn Kengnaga mua công ty cổ phần chứng khoán Vàng.

Bên cạnh các đối tác nước ngoài thì hiện nay nhiều cá nhân, tổ chức trong nước cũng đang tìm kiếm các công ty chứng khoán gặp khó khăn để mua lại.

Nhiều lý do để giải thích cho nhu cầu này. 

Một là giấy phép đăng ký kinh doanh chứng khoán giờ không được UBCK cấp mới. 

Hai là một số tổ chức/tập đoàn muốn có 1 công ty chứng khoán của riêng mình để đảm bảo bí mật thông tin với các nghiệp vụ chứng khoán liên quan của tổ chức mình.

Ba là sắp tới theo cam kết vào WTO, thì VN phải cho phép công ty CK 100% vốn nước ngoài. Đây cũng được coi là cơ hội có tiềm năng để bán giấy phép giá cao.

Nhưng không dễ thực hiện

Sự khó khăn của TTCK năm 2010 quả thật khiến nhiều công ty chứng khoán lâm vào cảnh “sau lưng là núi mà trước mặt là vực sâu”. Có công ty thuộc dạng đầu đàn đã nghĩ đến cảnh từ bỏ cuộc chơi, những công ty nhỏ hơn thì tuyên bố giải thể bán cho đối tác. Thế nhưng làn sóng M&A vẫn chưa xuất hiện như nhiều người nghĩ.

“Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước có nhu cầu mua lại các công ty thông qua nghiệp vụ M&A nhưng rất khó khăn”- Ông Hoàng Trí Cường, chuyên gia trong lĩnh vực M&A hiện đang làm trong 1 công ty chứng khoán chia sẻ.

Yếu tố quan trọng cho thương vụ M&A thành công là giá cả. 

Hiện nay nhiều người có ý định mua lại công ty chứng khoán nhưng khi gặp đối tác để thương thảo, sau khi giá cả bên bán đưa ra đã thấy khó đàm phán. Với giá cổ phiếu của những CTCK trên sàn chỉ 1.x hay 0.x thì giá các công ty CK muốn bán đưa ra thường 1.x hay 2.x.

Các CTCK nhỏ vẫn tin rằng sang năm 2012 khi CTCK với 100% vốn nước ngoài được hoạt động tại Việt Nam thì họ sẽ có nhiều lợi thế. Thay vì thành lập công ty chứng khoán 100% vốn ngoại, các tổ chức nước ngoài sẽ tìm các CTCK nhỏ để mua đứt giấy phép kinh doanh chứng khoán. Mặt khác một kỳ vọng TTCK 2011 sẽ như năm 2008, bước sang 2012 tăng trưởng ngoạn mục thì các CTCK sẽ lại chẳng khó khăn gì để tiếp tục tồn tại.

Còn những người mua công ty chứng khoán thì tin rằng, TTCK năm 2011 khó khăn các CTCK sẽ khó khăn nhiều hơn. Sẽ có lúc các CTCK này đối diện với tình huống không còn lựa chọn, và họ sẽ mua lại lúc đó để có mức giá tốt nhất. Hơn nữa nếu mua CTCK với giá 2.x vào thời điểm hiện tại, rõ ràng là khó để giải thích hợp lý với những cá nhân, tổ chức góp vốn vào mua.

Hai bên thực hiện M&A với hai kỳ vọng trái ngược như vậy làm nhưng thương vụ M&A sớm thất bại từ buổi đàm phán đầu tiên.

Chưa có thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn

Trong khi đó tại Việt Nam, thực hiện M&A thông qua tư vấn chưa trở nên phổ biến. Các bên muốn tham gia M&A đều chỉ thông qua mối quan hệ giới thiệu gặp mặt trực tiếp để đàm phán. Ở đây không có bên thứ 3 đứng ra để đóng vai trò tư vấn, xác định giá, tham vấn các bên để thực hiện thương vụ M&A. Đây có thể coi là một yếu tố khiến cho M&A thường thất bại ngay từ buổi đàm phán đầu tiên.

Mặt khác rõ ràng các doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự xác định rõ ràng trong hoạt động M&A. Hầu hết đều cho rằng khi bị thâu tóm sáp nhập thì mất đi lợi ích của cá nhân, của nhóm người.

“Đây là cản trở của tâm lý, vì không ai muốn mình lại mất đi vị thế của bản thân mình”- anh Cường nói. Có thể một lãnh đạo công ty sau khi thâu tóm sáp nhập công ty trở thành nhân viên hoặc có vị trí lãnh đạo thấp hơn. Điều đó cũng khiến động lực M&A của các CTCK nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam giảm đi nhiều.

Bên cạnh đó một yếu tố không phải là quan trọng nhưng sẽ mang tính định hướng, thúc đẩy quá trình là từ cơ chế của cơ quan quản lý. Đến bây giờ dự thảo quy trình thực hiện M&A chuẩn của UBCK cũng vẫn tiếp tục dừng lại ở bước tiếp thu ý kiến thành viên thị trường.

Xu hướng mua bán sáp nhập CTCK đã nhen nhóm, liệu có bùng lên thành làn sóng hay không cần thời gian. Tuy nhiên nếu có một làn sóng như vậy thì đó là tín hiệu tốt cho TTCK Việt Nam. Một số lượng CTCK vừa đủ cho thị trường cũng là một cách tiết kiệm nguồn lực xã hội.

Cao Sơn

tungdn2

Trở lên trên