Năm 2012: Khối ngoại mua ròng gần 4.600 tỷ đồng trên sàn; nhiều thương vụ lớn ngoài sàn
Giá trị mua ròng trong năm 2012 gần gấp 3 lần so với năm 2011.
Năm 2012 tiếp tục ghi dấu một năm nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền mạnh vào thị trường, cả trên sàn giao dịch lẫn bên ngoài sàn.
Tại sàn HoSE, bất chấp việc STB bị bán ròng 3.400 tỷ đồng, khối ngoại vẫn mua ròng tới 3.350 tỷ đồng. Tại sàn Hà Nội, khối ngoại cũng mua ròng hơn 1.200 tỷ đồng.
Năm 2011, khối ngoại chỉ mua ròng vỏn vẹn 1.153 tỷ đồng tại sàn HoSE sau khi mua ròng hơn 15.300 trong năm 2010.
Hai mã được mua ròng trên 1.000 tỷ đồng là MSN (1.455 tỷ) và MBB (1.041 tỷ). Trong đó, MSN chủ yếu được mua thỏa thuận vào cuối tháng 12 vừa qua.
Hiện tại, khối ngoại sở hữu 21,5% cổ phần của Masan Group và 8,7% cổ phần của Ngân hàng Quân đội. Khi cổ phiếu MBB lên sàn vào tháng 11/2011, khối ngoại chưa nắm giữ một cổ phiếu nào và họ đã mua liên tục trong hơn một năm vừa qua.
GAS cũng mới lên sàn trong năm 2012 và được khối ngoại mua ròng 842 tỷ đồng.
VCB được mua ròng 796 tỷ đồng; trong năm vừa qua, ngân hàng này đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Mizuho Bank của Nhật Bản, thu về hơn 11.000 tỷ đồng.
Các mã khác trong top 40 đều được mua ròng trên 200 tỷ như DPM (402 tỷ), FPT (272 tỷ), PVD, KDC, HPG và REE.
Platinum Victory – một công ty con thuộc Jardine Cycle & Carriage – đã mua hơn 11% cổ phần của REE và rót tiếp 550 tỷ đồng để mua trái phiếu chuyển đổi.
10 mã được mua/bán ròng nhiều nhất trên sàn HoSEPhía bán ròng, dẫn đầu là STB với 183 triệu cổ phiếu, tương đương 3.442 tỷ đồng. Hàng loạt cổ đông ngoại đã chia tay Sacombank, trong đó có ANZ làm cho tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại ngân hàng này chỉ còn ở mức 5,4%.
Hai cổ phiếu ngân hàng khác bị bán mạnh là EIB (259 tỷ) và CTG (140 tỷ). Nửa cuối tháng 12, quỹ VNM ETF đã bán toàn bộ 23 triệu cổ phiếu CTG, trị giá hơn 400 tỷ đồng. Trong năm qua, mỗi lần các quỹ ETF tái cơ cấu danh mục thị trường đều ít nhiều bị ảnh hưởng.
Vietinbank đã đạt được thỏa thuận phát hành riêng lẻ 20% cổ phần cho ngân hàng Bank of Tokyo Mitsui UFJ với trị gía 742 triệu USD. Hiện công ty tài chính quốc tế IFC đang nắm giữ 10% cổ phần của Vietinbank.
Những mã bị bán ròng trên 100 tỷ khác có BVH, VIC, MPC và GMD.
HSBC Insurance đã đạt được thỏa thuận chuyển nhượng lại 18% cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt cho Sumitomo Life với giá 340 triệu, cao gần gấp đôi so với thị giá trên sàn của cổ phiếu BVH. Giao dịch sẽ được hoàn tất vào đầu năm nay.
Doanh nghiệp lớn nhất ngành thủy sản Minh Phú (MPC) đã quyết định hủy bỏ việc phát hành cổ phiếu cho CP Foods của Thái Lan.
Nhiều thương vụ lớn chuyển nhượng qua VSD
Các giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu trực tiếp tại Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) thường là những thương vụ chuyển nhượng ngoài biên độ giá. Các thương vụ này sẽ không được tính vào giá trị mua/bán của khối ngoại trên sàn.
Nhiều thương vụ giá trị lớn hàng vài trăm tỷ đồng đã thực hiện qua VSD trong năm qua như quỹ PENM II thuộc BankInvest chuyển nhượng 20,65 triệu MSN cho 3 cá nhân (trị giá 2.100 tỷ đồng); Ayala mua 10% cổ phần CII; NawaPlastic gom cổ phần của NTP và BMP…
Những thương vụ phát hành riêng lẻ và mua lại trị giá hàng chục đến trăm triệu USD
Các doanh nghiệp niêm yết trong năm vừa qua tiếp tục đón nhận dòng vốn ngoại lớn thông qua kênh phát hành riêng lẻ như Vietcombank, Kinh Đô, Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC), Coteccons, Gò Đàng (AGD), PVI… Hầu hết các thương vụ này đều có giá trị vài chục triệu USD, thậm chí hơn 500 triệu USD như trường hợp của Vietcombank và hơn 740 triệu USD như thương vụ của Vietinbank.
Trong số những doanh nghiệp chưa niêm yết, có những thương vụ trị giá hàng trăm triệu USD như SCG Building Materials mua 85% cổ phần của Prime Group (270 triệu USD), Semen Gresik mua 70% cổ phần Xi măng Thăng Long (230 triệu USD).
Cũng có những trường hợp doanh nghiệp nội mua cổ phần từ doanh nghiệp nước ngoài như Masan Consumer mua lại 40% cổ phần của Proconco từ các tổ chức thuộc Prudential (96 triệu USD); Hanel mua lại 70% cổ phần của Khách sạn Daewoo; BRG Group mua lại khách sạn Hilton Hà Nội…
KAL