MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nâng “chất” công ty chứng khoán

Ngày 25/6/2011 sẽ là thời hạn cuối Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận ý kiến phản hồi về Thông tư hướng dẫn hoạt động của công ty chứng khoán.

Cùng với những biến động của thị trường, khiến nhiều công ty chứng khoán lao đao, việc cơ quan quản lý chuẩn bị ban hành một văn bản quan trọng điều chỉnh hoạt động các doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán là điều được cả các công ty chứng khoán lẫn nhà đầu tư rất quan tâm. Đặc biệt, sau sự việc ra đi của Chủ tịch Công ty Chứng khoán Hà Thành, những quy định liên quan đến việc đảm bảo an toàn trong hoạt động của công ty chứng khoán lại càng thu hút sự chú ý của dư luận.

Liên quan đến Thông tư hướng dẫn hoạt động của công ty chứng khoán, Dự thảo Thông tư đã có những quy định khá chi tiết về các vấn đề liên quan đến an toàn trong hoạt động của các công ty chứng khoán.

Theo đó, đối với những giao dịch của cổ đông lớn, mọi trường hợp giao dịch chuyển nhượng cổ phần, hoặc phần vốn góp làm thay đổi quyền sở hữu từ 10% vốn điều lệ đã góp của công ty chứng khoán phải được công ty chứng khoán xác nhận và phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Công ty chứng khoán có trách nhiệm đề nghị Ủy ban chấp thuận thực hiện giao dịch chuyển nhượng cổ phần, hoặc phần vốn góp trước khi đăng ký cổ đông, hoặc thành viên góp vốn trong Sổ đăng ký cổ đông, hoặc sổ đăng ký thành viên.

Ngoài ra, Dự thảo Thông tư cũng quy định công ty chứng khoán không được cho vay dưới bất kỳ hình thức nào đối với các cổ đông lớn, thành viên ban kiểm soát, thành viên HĐQT, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban giám đốc và người có liên quan của những đối tượng nêu trên.

Đối với hoạt động đầu tư, công ty chứng khoán cũng phải tuân thủ những quy định khá chặt chẽ để đảm bảo an toàn trong hoạt động đầu tư. Theo đó, Dự thảo quy định, công ty chứng khoán không được sử dụng quá 20% tổng tài sản để đầu tư, mua cổ phần, hoặc tham gia góp vốn vào một tổ chức khác.

Ngoài ra, công ty chứng khoán cũng không được trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện đầu tư vào cổ phiếu, hoặc phần vốn góp của công ty có sở hữu trên 50% vốn điều lệ của công ty chứng khoán. Bên cạnh đó, công ty chứng khoán cũng không được đầu tư quá 20%, quá 15% tổng số cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đang lưu hành của một tổ chức không niêm yết…

Đánh giá về tình hình hoạt động của các công ty chứng khoán, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thị trường chứng khoán khó khăn ảnh hưởng đến công ty chứng khoán, nhưng cũng có một số tín hiệu tích cực đang chuyển động trong khối công ty chứng khoán. Theo đó, nhiều công ty chứng khoán đang thực hiện tái cơ cấu, giảm thiểu tối đa chi phí, nhằm củng cố hiệu quả kinh doanh.

Trong dự thảo Nghị định sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK mà UBCK đang xin ý kiến các thành viên có mục 13:


Bổ sung khoản 4 Điều 18 như sau:

“g) Không xác định chỉ tiêu an toàn tài chính hoặc không khắc phục tình trạng cảnh báo theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

h) Cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán trái quy định pháp luật.”

Khoản 4 - Điều 18 - Nghị định 85/2010/NĐ-CP: Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với công ty chứng khoán thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:

 

a) Không tổ chức, thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro; không giám sát, ngăn ngừa xung đột lợi ích trong nội bộ công ty và trong giao dịch với người có liên quan theo quy định của pháp luật;

 

b) Không thực hiện nguyên tắc ưu tiên thực hiện lệnh của khách hàng trước lệnh của chính công ty chứng khoán; làm trái lệnh của nhà đầu tư;

 

c) Không tuân thủ quy định về hạn mức vay của công ty chứng khoán;

 

d) Đầu tư hoặc tham gia góp vốn không đúng quy định pháp luật;

 

đ) Thực hiện tăng, giảm vốn điều lệ không đúng quy định pháp luật;

 

e) Thực hiện giao dịch làm thay đổi quyền sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp không đúng quy định pháp luật.


Theo Chí Tín
Báo Đầu tư

phuongmai

Trở lên trên