MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nên giảm tỉ lệ margin

TTCKVN đã trải qua một tuần với các phiên rung lắc liên tục. Sự thất thường của trị trường trong những phiên giao dịch vừa qua cho thấy hai trạng thái tâm lý tham lam và sợ hãi đang khá cân bằng nhau.

Liệu trạng thái cân bằng này sẽ tiếp tục trong những phiên giao dịch tuần này?

Tuần qua diễn biến giao dịch đã có sự lặp lại với tuần trước đó, khi khối lượng giao dịch thị trường lại tăng đột biến trong phiên thứ năm (27.2). Trước đó, ngày 20.2 cũng là ngày giao dịch có giá trị lớn nhất trong lịch sử TTCK Việt Nam.

Tuy nhiên, diễn biến giao dịch trong phiên có sự khác nhau. Nếu như ngày 20.2 tín hiệu bán đã xuất hiện từ sáng và được khẳng định trong phiên chiều thì ở ngày 27.2 thậm chí đầu giờ chiều thị trường vẫn còn tăng điểm nhưng chỉ sau đó đã lao dốc rất nhanh. Thậm chí, các CP NH sau khi tăng điểm khá tốt ở phiên sáng bởi tin mua CP quỹ của ACB cũng chịu chung số phận.

Nếu với những diễn biến giao dịch sau ngày 20.2, một số chuyên gia phân tích cho rằng đấy chỉ là “động tác giả” và các “ông lớn vẫn có nhu cầu gom thêm CP” thì sau phiên 27.2 rất khó đưa ra một nhận định tương tự.

Một vài nhận định cho rằng, phiên 27.2 điều chỉnh để tuần này các đại gia gom CP NH nhưng với những thông tin vĩ mô vừa được công bố thì cơ sở cho nhận định này có vẻ chưa đủ thuyết phục.

Thứ nhất, CPI tháng 2.2014 thấp nhất trong 10 năm trở lại đây mặc dù là tháng tết. Có nhiều nguyên nhân song đáng kể nhất chính là nhu cầu tiêu dùng giảm. Một chuyên gia kinh tế nhận định CPI tháng 3 sẽ cho biết xu thế CPI của cả năm, hoặc là đạt mục tiêu 7% của Quốc hội hoặc rất thấp như năm 2000-2001.

Thứ hai, tăng trưởng tín dụng âm 1,66% trong đó tín dụng tiền đồng giảm tới 1,94%. Dù tín dụng tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm là quy luật các năm gần đây nhưng năm 2013 tín dụng chỉ giảm 0,23%.

Cầu tín dụng yếu, tiền đổ về hệ thống NH nhiều khiến các NHTM phải kinh doanh tiền tệ, hoặc bỏ tiền mua giấy tờ có giá như TPCP với lợi suất thấp. Điều này tác động tiêu cực tới KQKD quý I của các NH.

Cùng với thông tin đáng lo ngại từ vĩ mô, TTCK còn phải nhận một loạt thông tin thiếu hỗ trợ từ cơ quan quản lý. UBCK khẳng định sẽ không có nới room trong tháng 2 như tin đồn trên thị trường.

Hay câu chuyện gói tín dụng 100.000 tỉ đồng cho BĐS mới chỉ là 1 đề xuất từ phía NH Xây dựng và sớm nhất cũng phải 1 tháng nữa mới có thông tin chính thức. Sự nhạy cảm với thông tin là yêu cầu đối với NĐT nhưng với thị trường mà những thông tin đưa ra thiếu chính xác đã gây nhiễu cho không ít các NĐT.

Trong bối cảnh như vậy, hầu hết các CTCK đều cảnh báo NĐT cẩn trọng hơn với quyết định của mình. MSBS đánh giá VN-Index đang tiến sát ngưỡng 600 điểm, rủi ro theo đó cũng tăng cao hơn trước và khả năng sẽ có điều chỉnh khá mạnh trong ngắn hạn tại vùng 600 điểm. Các chuyên gia phân tích của MSBS dự báo tuần này, thị trường tăng trong 2 phiên đầu tuần và điều chỉnh trong 3 phiên cuối tuần.

VN-Index dao động quanh vùng 590 – 600 điểm. Còn FPTS nhận định thị trường sẽ đi ngang vài phiên trong tuần này để chuyển sang xu thế mới. Để tránh rủi ro thị trường có thể điều chỉnh trong ngắn hạn, nhà đầu tư lướt sóng nên giao dịch thận trọng giảm bớt tỉ lệ nắm giữ CP và hạn chế dùng đòn bẩy tài chính ở thời điểm hiện tại.

Đây cũng là khuyến nghị của BVSC, bởi theo chuyên gia phân tích Trần Hải Yến, nếu duy trì tỉ lệ margin cao thì tâm lý NĐT sẽ bị tác động rất lớn trong những phiên thị trường điều chỉnh, do đó rất dễ có quyết định giao dịch thiếu sáng suốt.

Theo Lê Tùng

thanhhuong

Lao động

Trở lên trên