Nếu là một nhân vật trong bức ảnh này, bạn đã hành động đúng!
Quyết định của FED, quyết định của ông Obama, những điều xảy đến với đất nước mặt trời mọc....mới nghe thấy rất xa vời. Nhưng, bằng cách này hay cách khác, đó đều là những sự kiện có thể cướp đi nửa tài khoản của bạn nếu bạn không biết và hành động phù hợp.
- 28-02-20167 bước cơ bản cho nhà đầu tư số 0
- 27-02-2016Kinh nghiệm thoát khỏi bẫy tâm lý trong đầu tư chứng khoán
- 26-02-2016Phương pháp đầu tư này sẽ khiến bạn khó thất bại trên TTCK
Chỉ mới tầm này tháng trước, cả thế giới xôn xao với một bức ảnh: Bức ảnh chụp Mark Zuckerberg khiến cả thế giới lo sợ về tương lai. Bức ảnh đó nhiều hàm ý và chúng tôi xin phép được sử dụng nó làm ảnh cover cho bài viết liên quan đến thị trường chứng khoán của chúng ta.
Thế giới với hàng tỷ tỷ thông tin mỗi ngày. Trong tỷ tỷ thông tin đó sẽ có hàng ngàn thông tin ảnh hưởng đến túi tiền của chúng ta, theo cách này hay cách khác.
Ngày 11/3 vừa qua, nước Nhật tổ chức tưởng niệm 5 năm thảm họa kép, động đất và sóng thần xẩy ra tại phía Đông Bắc Nhật Bản. Hơn 20.000 thiệt mạng hoặc mất tích trong thảm họa này. Thảm họa đến với đất nước cách xa chúng ta hàng ngàn cây số. Nhưng, đừng quên, thảm họa này đã cướp đi hàng ngàn tỷ đồng vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt.
Nói dễ hiểu hơn, con sóng thần ở nơi rất xa kia đã cướp đi của nhà đầu tư Việt hàng ngàn tỷ đồng.
Cướp đi theo cách nào?
Thảm họa xảy ra, cả thế giới sững sờ, nín lặng hướng về đất nước mặt trời mọc. Giới đầu tư Việt Nam cũng vậy. Nhưng có lẽ vì lòng nhân từ bác ái nên giới đầu tư quan tâm nhiều đến những mất mát, thương vong, những nỗ lực cứu trợ nhân đạo đang diễn ra ở Nhật. Họ quên mất việc phân tích xem sự kiện đó có ảnh hưởng gì tới kinh tế Việt Nam, tới Vn-index.
Ngày 11/3/2011 là thứ 6. Phiên giao dịch cuối tuần. Đón nhận thông tin về thảm họa, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ "rung lắc", rất nhẹ. Nhưng đến ngày thứ 2, khi thị trường giao dịch trở lại sau 2 ngày nghỉ, thì mọi chuyện hoàn toàn khác. Đó thực sự là một cơn địa chấn. Thị trường đã lao dốc giảm mạnh trên diện rộng. Nguyên nhân là trong 2 ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật các nhà đầu tư bắt đầu tiếp nhận, cũng như kết nối được các vấn đề với nhau. Nước Nhật bị tàn phá nặng nề. 3 thành phố sầm uất là Minamisanriku, Kesennuma, Rikuzentakata bị san phẳng.
Chắc chắn Nhật Bản sẽ cần nhiều núi tiền để khắc phục hậu quả. Các dòng vốn đầu tư của người Nhật ra bên ngoài sẽ phải rút về nước để phục vụ công cuộc tái thiết đất nước. Các dòng vốn xuất phát từ Nhật chảy theo các kênh như FDI, ODA, Chứng khoán... tới các thị trường khác sẽ bị ngăn lại.
Quay đầu chảy ngược về phía Nhật. Các dòng vốn này sẽ ảnh hưởng đến nhiều thị trường. Việt Nam khó có thể là một ngoại lệ. Nguyên nhân đã sáng tỏ và thị trường cho biết điều đó vào ngày thứ 2 khi nó giảm hơn 14 điểm.
Ngành sản xuất ô tô của Nhật bị ảnh hưởng bởi động đất như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu cao su tự nhiên ở Việt Nam. Xuất khẩu thuỷ sản cũng sẽ ảnh hưởng do dân Nhật sẽ hạn chế chi tiêu. Chính sách ODA của Nhật dự kiến có thay đổi...Thị trường chứng khoán Việt Nam cứ thế giảm sâu hơn.
Vào cuối tháng 6 năm 2011, khi thị trường đang ở giai đoạn điều chỉnh nhẹ sau chuỗi ngày tăng điểm khá ấn tượng vào đầu tháng. Khi ấy ngày 23 tháng 6 năm 2011, Tổng thống Mỹ Obama quyết định mở kho dự trữ dầu chiến lược lần thứ 3 trong lịch sử nhằm tấn công vào hoạt động "đầu cơ" trên thị dầu thế giới. Thời điểm ra quyết định được các học giả và nhiều chuyên gia đánh giá là cực kỳ khôn ngoan.
Khi giá dầu thô hiện đã giảm tới 16% so với mức đỉnh cao vào tháng 4/2011, các nhà học giả và chính trị gia khắp nơi đặt câu hỏi: “Tại sao Tổng thống Obama mở dự trữ dầu chiến lược (SPR) ngay cả khi giá dầu đang giảm?” Câu trả lời hết sức đơn giản: Tổng thống Obama biết chắc quyết định này sẽ tác động mạnh nhất lên các nhà đầu cơ.
Sau quyết định, ngay lập tức cả thế giới tài chính chao đảo: Giá vàng thế giới hạ 33 USD/ounce; giá dầu giảm 6% xuống 91 USD/thùng; giá dầu hạ kéo giá cao su giảm mạnh nhất trong 7 tuần...Tại thị trường tài chính Việt Nam ngoài việc giá vàng giảm hơn 300 nghìn đồng/lượng không có thêm một biến động nào cụ thể. Vn-index phản ứng rất hời hợt nhẹ, hai sàn giao dịch diễn biến trái chiều. Mọi thứ gần như độc lập với những biến động trên thị trường thế giới.
Sau này người ta mới ngấm đòn khi chứng kiến sự lao dốc của những mặt hàng trên tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt là giá xuất khẩu của mặt hàng sản phẩm cao su tự nhiên. Và dĩ nhiên cổ phiếu của ngành hàng này đã có những bước điều chỉnh rất dài. Vn-index cộng hưởng thêm một số yếu tố khác, cũng sụt giảm từ 434,4 điểm (ngày 23/6/2011) về mức đáy 383,92 điểm (ngày 12/8/2011). Điều chỉnh thêm 11,6%.
Gần đây hơn trước mỗi cuộc họp của Fed về việc tăng hay giữ nguyên lãi suất đồng USD. Mỗi lần như vậy là một lần các nhà đầu tư hồi hộp, Vn-index chao đảo…
Chứng khoán là vậy đấy. Nên dù bạn là ai, theo trường phái nào, giỏi đến đâu trong phân tích kỹ thuật; phân tích cơ bản; hay kinh tế học hành vi…đừng quên bổ sung thêm vào phân tích của mình những kiến thức về một thế giới nhiều biến động. Những biến động này không ở xa lắm đâu! Nó ở ngay trong việc thăng hoa, hoặc bốc hơi tài khoản giao dịch của bạn.
Và vì thế giới biến động hàng giây, hàng phút và có đến hàng tỷ tỷ thông tin cứ chực chờ bạn tiếp nhận, dù ai đó có coi bạn là một người trong bức ảnh kia thì cũng đừng quẳng tivi, máy tính, điện thoại...đi vì đó chắc chắn là một phần trong quyết định đầu tư của bạn.