MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngậm ngùi nhận cổ tức trên… giấy

Nhiều công ty niêm yết đang đua nhau phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức năm 2012, thay vì chi tiền mặt.

Giữa lúc lợi nhuận giảm sút, thiếu vốn làm ăn... đây đang là giải pháp "tình thế" để công ty bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cổ tức với cổ đông. Nhưng nếu doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ, bị hủy niêm yết thì số cổ phiếu phát hành thêm có nguy cơ biến thành... giấy lộn!

Trong vòng 1 tháng qua, Ủy ban chứng khoán (UBCKNN) đã tiếp nhận hồ sơ của hơn chục doanh nghiệp (DN) báo cáo việc phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức năm 2012. Lựa chọn này có thể giúp công ty cùng lúc giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính hiện tại, cũng như trấn an tinh thần các cổ đông, nhà đầu tư.

"Của nhà trồng được"

Cuối tháng 8 vừa qua, UBCKNN đã nhận được tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu để trả cổ tức của Công ty CP Tập đoàn Thiên Long (mã TLG). Theo phương án phát hành, Tập đoàn Thiên Long dự kiến phát hành hơn 2,1 triệu cổ phiếu để thanh toán cổ tức đợt 2 (năm 2012) cho cổ đông. Nguồn phát hành thêm được trích từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của năm 2012 (hơn 30,5 tỷ đồng).

Phương án phát hành cổ phiếu bổ sung này đã được Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2013 hồi tháng 5 thông qua. Theo đó, cổ tức năm 2012 sẽ được chia với tỷ lệ 20% trên mệnh giá cổ phiếu. Tổng số tiền chi cổ tức hơn 42,3 tỷ đồng, thực hiện theo 2 hình thức là 10% bằng cổ phiếu, 10% bằng tiền mặt (công ty đã thực hiện). Tập đoàn Thiên Long sẽ tăng vốn điều lệ từ 211,799 tỷ đồng lên 232,979 tỷ đồng, tiến hành niêm yết và lưu ký bổ sung 2,1 triệu cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán Tp. HCM.

Trong số các DN sản xuất hàng tiêu dùng, cổ phiếu TLG được đánh giá khá cao khi vẫn giữ nhịp tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận tốt. Trong 6 tháng đầu năm 2013, TLG đạt doanh thu hợp nhất gần 640 tỷ đồng, bằng 45,7% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế tăng 5% so với cùng kỳ, đạt 62 tỷ đồng, bằng 56,4% kế hoạch.

Tổng Công ty CP Phong Phú (giao dịch thị trường tự do) cũng vừa báo cáo UBCKNN về kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2012. Theo Nghị quyết ĐHCĐ năm 2013, tổng công ty sẽ thực hiện trả cổ tức 25% vốn điều lệ, trong đó, 20% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu (từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối năm 2012). ĐHCĐ đã ủy quyền cho HĐQT quyết định việc trả cổ tức bằng cổ phiếu và có thể điều chỉnh nguồn lợi nhuận để phân phối.

Ngày 21/8, Công ty CP dược phẩm TV.Pharm đã có báo cáo phát hành được thêm hơn 3,78 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn cổ phần. Cụ thể, có 629.900 cổ phiếu để trả cổ tức và hơn 3,1 triệu cổ phiếu tăng vốn…

Trong tháng 8/2013, theo thống kê của Thời báo Kinh Doanh, có 12 công ty thực hiện phát hành thêm cổ phiếu cho mục đích chi cổ tức năm trước. Đơn cử như Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, Công ty CP đầu tư F.I.T, Công ty Đức Long Gia Lai, Công ty Thủy tinh Hưng Phú, Công ty CP Sông Ba, Công ty bất động sản An Dương Thảo Điền…

Các DN này chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, thức ăn chăn nuôi, bất động sản, xây dựng… là các ngành luôn cần lượng vốn lớn để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian qua, các DN gặp không ít khó khăn về vốn, chi phí tăng cao, bí đầu ra sản phẩm…

Do đó, dù cổ tức năm 2012 được quyết định chia ở mức khá cao (tỷ lệ 15-25%), nhưng đến giờ, nhiều công ty chưa hoàn thành nghĩa vụ trả cổ tức cho cổ đông, đành trả nốt bằng cổ phiếu.

Cổ tức ngân hàng: tiền mặt "teo tóp"

Nếu tình hình kinh doanh vẫn khó khăn, lợi nhuận không có đột biến thì lãnh đạo nhiều DN cũng sẽ tiếp tục phải đau đầu tìm nguồn trả cổ tức năm 2013. Thậm chí, nếu công ty thua lỗ trong 3 năm liên tiếp sẽ bị buộc hủy niêm yết, thì số cổ phiếu nắm giữ có nguy cơ hóa thành… giấy lộn.

Năm 2013, các ngân hàng kinh doanh rất khó khăn, lợi nhuận không cao ngất ngưởng như các năm trước, thậm chí bị lỗ trong 6 tháng đầu năm. Mặc dù các ngân hàng được tiếng là đang "thừa vốn", nhưng thực tế có vẻ như lại "bí" lượng tiền mặt để trả cổ tức năm 2012 như đã cam kết.

Vì thế, ngoài việc chi một phần cổ tức bằng tiền, một số ngân hàng đã quyết định sẽ phát hành thêm cổ phiếu để trả nốt phần còn thiếu. Đơn cử, Ngân hàng Sacombank dự kiến trả cổ tức năm 2012 là 6% bằng tiền mặt, 14% bằng cổ phiếu. Theo nghị quyết ĐHCĐ năm 2013, Ngân hàng BIDV sẽ trả cổ tức năm trước dưới hình thức tiền mặt là 2,27% và 4,93% bằng cổ phiếu.

Trong lúc nguồn tiền mặt khó khăn, phương án phát hành thêm cổ phiếu sẽ giúp các nhà băng có ngay lượng vốn mới, đảm bảo nghĩa vụ trả cổ tức cho cổ đông, giảm bớt gánh nặng tài chính thời điểm này.

Về phía các cổ đông, khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu, họ có thể tăng số lượng cổ phiếu nắm giữ. Nhưng trong tình cảnh thị trường chứng khoán trầm lắng suốt 3 năm qua, cổ đông không hào hứng khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Thay vì được nhận tiền mặt, họ nhận được một đống giấy ghi số lượng, giá trị cổ phần (bằng mệnh giá), mà thị giá cổ phiếu trên thị trường có thể đã giảm thấp hơn. Cổ phiếu bị pha loãng, còn đồng vốn từ cổ tức bị "găm" lại chưa rõ có được sử dụng hiệu quả hay không.

Cho nên, các nhà đầu tư, cổ đông giờ không mấy bận tâm chuyện DN, ngân hàng lãi khủng, trả cổ tức cao chót vót mà so kè xem nơi nào sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt cao nhất. Vì cổ tức bằng tiền mặt giờ là một mong ước có phần xa xỉ.

Theo Thu Hằng

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

Trở lên trên