MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghìn tỷ trả cổ tức

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thiếu vốn, khan hiếm tiền mặt thì nhiều "đại gia" niêm yết trên TTCK lại thừa tiền, không biết tiêu vào đâu cho hiệu quả đành phải chi trả cổ tức khủng cho cổ đông.

Theo thống kê đã có hơn 10.000 tỷ cổ tức tiền mặt đăng ký thanh toán cho NĐT đầu năm 2014.

Sau 4 năm lãi lớn trên nghìn tỷ, nhưng Masan Consumer đều không hề chia cổ tức. Cho tới cuối năm 2013, Masan Consumer sở hữu lượng tiền mặt trị giá xấp xỉ 7.500 tỷ đồng. Theo tờ trình ĐHCĐ thường niên năm 2014, Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) mới đề xuất mức cổ tức 2013 và tạm ứng cổ tức 2014.

Cổ tức khủng

Với đề xuất chi cổ tức là 110% bằng tiền mặt, trong khi vốn điều lệ 5.273 tỷ đồng, Masan Consumer sẽ chi ra khoảng 5.800 tỷ đồng để trả cổ tức. Năm 2013, công ty đạt 11.900 tỷ doanh thu và lãi sau thuế 3.100 tỷ đồng. Kế hoạch năm nay là doanh thu từ 16.000 - 17.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế từ 3.750 - 4.250 tỷ đồng.

Hiện nay, Masan Group sở hữu 77,4% cổ phần của Masan Consumer và các quỹ đầu tư thuộc KKR sở hữu 18%. Như vậy, khi chia cổ tức, Masan Group sẽ nhận được 4.490 tỷ, còn KKR nhận được 1.044 tỷ đồng.

Một DN khác dù đang niêm yết trên sàn UPCom nhưng vẫn sẵn sàng chi nghìn tỷ để trả cổ tức cho cổ đông là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (SDI). Với kế hoạch chi trả cổ tức năm 2013 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 83,1%, SDI phải dùng tới 997 tỷ đồng cho việc trả cổ tức này. Có nghĩa là cổ đông nắm giữ 1 cổ phiếu của SDI có quyền nhận cổ tức 8.310 đồng. So với mức giá 28.100 đồng/cổ phiếu hiện nay của SDI, lợi tức của SDI ở mức 29,6%. Thời gian trả cổ tức dự kiến trong quý II/2014.

VNM của Công ty Vinamilk cũng vừa điều chỉnh kế hoạch thanh toán cổ tức cho cổ đông lên 40%. Theo đó, DN sẽ thanh toán khoản cổ tức bằng tiền mặt đợt 3/2013 là 12% tương đương 1.200 tỷ đồng, cộng với hai đợt trước là 28% thì doanh nghiệp cũng chi trả lượng cổ tức rất lớn.

Mới đây, Tập đoàn FPT cũng vừa công bố mức cổ tức dự kiến cho cả năm 2013 với 55%, tăng mạnh so với mức 20% đơn vị này đặt mục tiêu đầu năm ngoái. Một phần trong số này được chia bằng cổ phiếu, tỷ lệ 25%.

Sau 4 năm lãi lớn trên nghìn tỷ, nhưng Masan Consumer đều không hề chia cổ tức

\Có một nghịch lý xảy ra trên sàn chứng khoán là mặc dù có tin tốt, trả cổ tức cao nhưng cổ phiếu lại giảm sàn liên tục. Sau khi HĐQT lên kế hoạch trả cổ tức cao hồi giữa tháng 3, SDI đã giảm mấy phiên sau đó tăng một mạch từ 26.000 đồng/cổ phiếu lên 46.000 đồng/cổ phiếu rồi lại giảm 5 phiên liên tiếp xuống 30.000 đồng/cổ phiếu.

Trường hợp Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (DPM) sau khi tăng gấp đôi mức cổ tức từ 25% lên 50% trong năm 2013, thì giá cổ phiếu lại giảm liên tục.

Cần phải thận trọng

Một nguyên nhân khiến cổ phiếu này giảm là do khối ngoại liên tục bán ra hàng chục triệu cổ phiếu nên giá đã sụt giảm mạnh. Cả tuần, khối ngoại đã bán ròng hơn 10 triệu cổ phiếu DPM, với tổng giá trị trêm 424 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến DPM bị bán ròng mạnh, theo các CTCK, là do thông tin DPM phải mua khí đầu vào với giá cao hơn, ảnh hưởng tới kết quả hoạt động của công ty.

HĐQT của DPM cũng thống nhất kế hoạch kinh doanh 2014 để trình Đại hội với tổng doanh thu dự kiến 8.700 tỷ đồng thấp hơn năm ngoái và lãi ròng 1.219 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị ở mức 454 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh năm 2013 của DPM vừa bị điều chỉnh giảm tới 95,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Kết thúc năm 2013, DPM sản xuất được 822.000 tấn đạm, đạt doanh thu 10.807 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.142 tỷ đồng.

Những mã có tỷ lệ cổ tức cao trong năm 2013 như ABT, HGM, PSG, BMC, REE, GAS, FDC... thường nằm trong các danh mục đầu tư của khối ngoại, tổ chức hoặc các quỹ đầu tư lớn. Các NĐT ngắn hạn có xu hướng mua đón đầu thông tin chia cổ tức để hưởng chênh lệch giá hơn là chờ hưởng cổ tức. Nguyên nhân là sau khi chia cổ tức, giá cổ phiếu bị điều chỉnh tương ứng.

Theo các chuyên gia chứng khoán, đối với những mã có tỷ lệ hoặc có tỷ suất cổ tức cao (tỷ lệ chi trả cổ tức/giá) thường thu hút không chỉ NĐT trong nước mà còn có cả khối ngoại. Nhất là khi họ đầu tư vào các DN theo hướng giá trị, lâu dài.

Các DN này thường hoạt động kinh doanh hiệu quả. Bởi lẽ, trong những năm gần đây, nhiều công ty kinh doanh khó khăn, lợi nhuận phải đủ mới dám tính chuyện chia cổ tức bằng tiền, nhất là khi việc tiếp cận vốn vay ngân hàng khó khăn.

TTCK luôn tồn tại rất nhiều trường phái đầu tư, trong đó có khái niệm đầu tư theo mùa vụ: mùa cổ tức, ĐHCĐ, báo cáo tài chính bán niên và cuối năm... Cho nên, NĐT nên thận trọng khi tham gia những đợt sóng này vì không phải tất cả các DN niêm yết đều có kết quả kinh doanh tốt để chia cổ tức cao. Đôi khi thông tin chia cổ tức bị nhiễu, NĐT cũng bị thiệt hại không nhỏ.

Những NĐT đã trải qua nhiều thăng trầm, khủng hoảng và lao dốc, có nhiều kinh nghiệm, khôn ngoan hơn, có chiến thuật tốt hơn nên đã cẩn trọng với xu hướng kỳ vọng thái quá vào cổ tức.

Nếu NĐT tỉnh táo sẽ nhận ra thị trường không có nhiều VNM, FPT, MSN… để trông đợi vào cú hích từ cổ tức. Họ buộc phải có những chiến lược khác dự phòng để săn lợi nhuận.

Theo Sơn Long

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên